“Sảy cha còn chú”

THÁI ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bố mẹ Thu qua đời trong một tai nạn giao thông khi Thu mới lên 10 tuổi, còn em gái Thu lên 3. Nói về ngày đó, Thu chẳng còn nhớ được nhiều. Cô chỉ biết sau đó hai chị em được đưa về nhà chú, em ruột của bố Thu. “Sảy cha còn chú”, mọi người thường bảo chị em Thu may mắn vì còn có chú để nương tựa.

“Không có cô chú, hai đứa mày làm sao được như bây giờ? Chị mày đi lấy chồng thì mày phải cáng đáng thay cả việc của chị. Cô chú giờ bận làm ăn, các em thì còn phải tập trung học, không phải mày làm việc nhà thì còn ai vào đây nữa?”.

 Thu về thăm em, nghe tiếng cô vọng ra từ trong nhà. Thu lập tức vòng xe, hướng ra phía cánh đồng, nơi mà bố mẹ Thu đang yên nghỉ. Thu nghĩ, mình khoan hãy gặp cô chú lúc này.

Bố mẹ Thu qua đời trong một tai nạn giao thông khi Thu mới lên 10 tuổi, còn em gái Thu lên 3. Nói về ngày đó, Thu chẳng còn nhớ được nhiều. Cô chỉ biết sau đó hai chị em được đưa về nhà chú, em ruột của bố Thu. “Sảy cha còn chú”, mọi người thường bảo chị em Thu may mắn vì còn có chú để nương tựa. 

Thu chẳng phủ nhận công ơn của cô chú. Đúng như cô Thu nói, với những đứa trẻ còn trứng nước, ăn chưa no, lo chưa tới như chị em Thu, nếu không có cô chú thì làm sao được như ngày hôm nay? Ở ngoài kia, vẫn có những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, phải đi xin tình thương của cộng đồng để lớn lên đấy thôi. Song, nghĩ lại quãng thời gian thơ ấu đã qua, không hiểu sao, Thu vẫn thấy bao đắng đót trong lòng.

“Sảy cha còn chú” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đó là hình như, từ khi bố mẹ qua đời, Thu gần như không còn cảm nhận được thế nào là tình yêu thương. Ngày trước, trong ngôi nhà của Thu lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, giọng nói trìu mến của mẹ, những cái ôm ấm áp, mạnh mẽ của bố. Về nhà chú ở, chưa bao giờ Thu được cô chú gọi một tiếng là “cháu”.

Cô chú Thu thường chỉ gọi chị em Thu là “chúng mày”. Khi Thu được đưa về nhà chú ở cũng là lúc cô Thu mới có thai con đầu lòng. Sức khỏe của cô yếu, lại ốm nghén nên gần như không làm được việc gì. Thế là Thu trở thành người làm việc chính trong nhà vì chú Thu bận đi làm kiếm tiền cả ngày. Thu coi hỗ trợ cô chú là trách nhiệm của mình nên không bao giờ phàn nàn, ca thán gì.

Nhưng rồi dần dần, kể cả khi cô đã khỏe lại, rồi các em họ của Thu lần lượt ra đời, lớn lên… cả nhà cô chú vẫn nghiễm nhiên coi Thu như người giúp việc không công. Trừ một buổi được đến trường, buổi còn lại, cô xin cho Thu ở nhà nhưng không phải để học mà để giúp cô bán hàng, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Thu cứ quay cuồng trong cả đống việc không tên tới mức chẳng còn thời gian chăm chút cho bản thân. Thu cũng không được đi chơi với bạn, được tham gia các hoạt động ngoại khóa với lớp vì cô chú nói tốn tiền. Đêm đến, khi cả nhà đã đi ngủ, Thu mới có thời gian mang sách vở ra học. Cũng có đôi lần, khi sắp bước vào các kỳ thi quan trọng,  Thu có ngỏ lời xin cô chú giãn bớt việc nhà cho mình. Lúc đó, Thu thấy mặt cô giận ra mặt, rồi cô nói, nếu Thu không làm việc nhà thì em Thu phải làm. Trong mắt của cô chú Thu, việc nuôi dưỡng chị em Thu giống như sự ban ơn mà chị em Thu phải đời đời ghi nhớ và tìm cách đền đáp.

“Sảy cha còn chú” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ngày nọ, chú Thu cho họp gia đình, thông báo với chị em Thu ý định sẽ bán ngôi nhà của bố mẹ Thu để “quy về một mối”. “Bố mẹ chúng mày đã mất, ngôi nhà bỏ không ngày một xuống cấp, chi bằng bán đi lấy tiền. Một phần, cô chú sẽ dùng tiền đó để nuôi chúng mày, một phần, cô chú giữ hộ sau này chúng mày lớn lên thì cô chú đưa làm của hồi môn”. Chị em Thu,  hãy còn là những đứa trẻ, chẳng hiểu nhiều về sự đời. Vì vậy, cô chú bảo sao thì nghe vậy. Ngày chủ mới dọn đến, Thu theo chân cô chú sang “chào” ngôi nhà lần cuối.

Thu vẫn còn nhớ mãi cảnh chủ nhà trèo lên ghế, hạ bàn thờ của bố mẹ Thu xuống để đưa cho chú. Thu cẩn thận nhặt lấy hai bức ảnh của bố và mẹ, gói trong tấm vải rồi ôm về. Thu đợi khi cô chú lập lại bàn thờ thì sẽ đưa di ảnh của bố mẹ lên. Nhưng Thu đợi mãi, đợi mãi cũng không thấy cô chú làm vậy. Sốt ruột quá, Thu đành hỏi thì cô chú nói, cô chú chỉ thay bố mẹ Thu thờ ông bà tổ tiên nên không thể đặt ảnh bố mẹ Thu lên ban thờ được. Cũng có nghĩa, từ đó, chị em Thu mất đi nơi thờ bố mẹ. Nhiều lúc nhớ bố mẹ, Thu lại lén mang di ảnh của bố mẹ cất sâu trong tủ ra mà nước mắt lã chã rơi.

Mấy tháng sau, cô chú quyết định xây lại ngôi nhà mới đang ở. Thu vẫn nghĩ việc đó là bình thường cho đến sau này, Thu tình cờ nghe được câu chuyện của cô chú mới vỡ lẽ, phần lớn tiền bán nhà của bố mẹ Thu đã được dùng để xây nhà mới cho cô chú. Ấy vậy mà, trong mắt mọi người, chị em Thu vẫn luôn là những đứa trẻ may mắn đang được “ở nhờ” trong nhà cô chú.

Nhà mới xây xong, cô chú dành cho hai chị em ở căn phòng sát mái vừa bé, vừa nóng. Hai con của cô chú thì có hai phòng riêng rộng rãi, đàng hoàng.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Thu học lên Cao đẳng nghề. 1 năm sau, Thu yêu một học viên cùng lớp, lớn hơn Thu 13 tuổi. Do tuổi đã cao, anh muốn nhanh chóng lập gia đình, còn Thu cũng muốn sớm được dọn ra khỏi nhà cô chú nên đồng ý. Thế là đám cưới được diễn ra chóng vánh, sau đó, Thu tay trắng dọn về nhà chồng. Cô chú chưa một lần đề cập đến việc đưa tiền hồi môn cho Thu như ngày trước đã nói. 

Nhà chồng Thu ở gần đó nên thi thoảng Thu lại về thăm em, để em luôn cảm nhận được vẫn có chị ở bên. Thu sợ em sẽ cảm thấy cô đơn, thân cô thế cô trong ngôi nhà của cô chú. Vợ chồng Thu còn chủ động đưa thêm tiền để cô chú nuôi em Thu. Nhưng, thật buồn là vắng Thu, nhà đã bớt đi một miệng ăn, nay lại có thêm sự đỡ đần của vợ chồng Thu, nhưng, cô chú vẫn coi việc nuôi em gái Thu là một gánh nặng, rồi thi thoảng lại mắng mỏ, chì chiết. Trong khi đó, bao nhiêu tiếng thơm về việc mười mấy năm nuôi cháu thay anh trai thì cô chú vẫn nhận hết về mình.

“Sảy cha còn chú” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Một lần, Thu quyết định hỏi cô chú về số tiền bán nhà của bố mẹ Thu năm xưa. Không phải Thu muốn đòi hỏi tiền bạc mà là Thu cần có sự rõ ràng. Không ngờ, lúc bán nhà thì cô chú ngọt nhạt, nhưng khi bị Thu hỏi thì cả cô chú đều phản ứng gay gắt. “Cái nhà ngày đó bán rẻ như cho nên có được bao nhiêu tiền đâu. Từng đó năm cô chú nuôi chúng mày ăn học, không lấy tiền ở đó thì lấy ở đâu. Tóm lại là tiền bán nhà đã tiêu hết cho chị em mày rồi, giờ chúng mày đừng trông mong gì”, chú Thu lạnh lùng nói. Cô chú giấu biệt việc đã lấy tiền bán nhà của bố mẹ Thu để xây nhà mới. 

Thu không muốn đôi co với cô chú vì dù sao, đó cũng là ruột thịt. Thu chỉ buồn, cảm thấy cô chú quá lạnh lùng, tàn nhẫn, vô tình với núm ruột của mình. Ngày bố mẹ mất, em Thu còn quá nhỏ. Em cũng không biết gì liên quan đến ngôi nhà của bố mẹ năm xưa. Để em luôn được vui sống, Thu quyết định sẽ không nói gì về ngôi nhà đó, về cách ứng xử của cô chú với hai chị em. Ngược lại, Thu vẫn luôn nhắc em để ý cách ứng xử, ăn nói, cố gắng hỗ trợ cô chú việc nhà. 

Thu nhìn ra phía chân trời xa, rồi hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Giờ đây, Thu chỉ ước, mình sẽ sớm ra trường, có việc làm ổn định rồi kiếm được tiền để có thể lo được cho em. Ngôi nhà cô chú ở ngay gần đây, mà sao Thu thấy nó thật xa cách.

Chị em Thu đã sớm mất đi cha mẹ, nhưng tiếc là cũng chẳng được nhận tình yêu thương của cô chú. 

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.
Tình đầu đâu có... xấu

Tình đầu đâu có... xấu

(PNTĐ) - Hôm đó, mẹ vợ anh trở bệnh phải nhập viện gấp. Hai vợ chồng anh lại đang ở xa. Anh liền nhắn tin cho Như “cầu cứu”: “Mẹ vợ anh vào viện em khám chỉ có một mình. Em lo cho bà giúp anh nhé. Nay vợ chồng anh đều không đưa bà đi được”.
Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ không chỉ tự tin, độc lập mà còn xây dựng các chuẩn mực, thước đo để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Họ dám nghĩ, dám làm, dám bước qua ranh giới và rào cản, quyết tâm theo đuổi đam mê, từ đó khẳng đinh tài năng trên từng lĩnh vực mà mình theo đuổi.