Sống mãi với ký ức hào hùng...

ÁNH NGUYỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 10/10/1954, Hà Nội ngợp trời rừng cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân đổ ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Những người từng tham gia công tác tiếp quản Thủ đô, ký ức về những ngày mùa thu lịch sử cách đây tròn 70 năm vẫn còn nguyên vẹn, để mỗi lần nhắc lại đều thấy xúc động xen lẫn tự hào.

Những trang sử hào hùng của dân tộc

Những ngày này, cũng như bao đồng đội của mình, ông Chu Điềm, SN 1933, ở làng Cổ Nhuế (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi bồi hồi. Những ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô vẫn như thước phim sống động trong tâm trí ông mỗi khi nhắc lại cho thế hệ con cháu.

Ông Điềm trầm ngâm nhớ lại, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương tiếp quản Thủ đô Hà Nội của Trung ương Đảng và Chính phủ, tháng 7/1954, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam đã thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác tiếp quản Thủ đô tại Thái Nguyên, với khoảng 300 đội viên. Ông Chu Điềm vinh dự là một trong số đó. Ông là một trong những học sinh, đoàn viên ưu tú trong các trường trung học kháng chiến ở chiến khu Việt bắc vinh dự được lựa chọn, tiếp nhận vào đội. Ai cũng thấy vinh dự, tự hào khi được Đảng, Đoàn tin cậy tập hợp bồi dưỡng và giao nhiệm vụ.

Sống mãi với ký ức hào hùng... - ảnh 1
Ông Chu Điềm và vợ.

Đầu tháng 10/1954, đơn vị hành quân đi bộ từ tỉnh Thái Nguyên về Hà Nội. Ngày 5/10, đoàn của ông Điềm về đến Thủ đô. Nhiệm vụ của các đội viên Đội TNXP công tác tiếp quản Thủ đô là tiếp cận với nhân dân để tuyên truyền, giải đáp khúc mắc cho người dân, giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước; dọn dẹp, trang hoàng đường phố; tuyên truyền, vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô, đặc biệt là làm sao tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón đoàn quân trở về Thủ đô…

Đúng 16h ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Đêm hôm đó, Đội TNXP mỗi người một việc, tất cả đều tất bật, náo nức chuẩn bị cho ngày trọng đại. Người thì cắt dán khẩu hiệu, người phát cờ, người chuẩn bị sẵn loa cho sáng hôm sau hướng dẫn nhân dân ra đón các cánh quân từ các cửa ô tiến vào Hà Nội… Ông Chu Điềm được giao nhiệm vụ giữ trật tự ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Điều ông Chu Điềm nhớ mãi là sáng sớm 10/10, cả thành phố rực rỡ cờ hoa. Trên nóc Tháp Rùa đã xuất hiện một lá cờ Tổ quốc tung bay.

Chỉ sau 1 đêm, Hà Nội bỗng chuyển mình, như một ngày hội lớn. Hàng vạn người dân đổ xuống đường, cờ hoa rực rỡ, đón đoàn quân chiến thắng trở về, tiếp quản Thủ đô. Tiếng hò hát, tiếng đàn, tiếng trống và tiếng cười hòa vào làm một, tạo nên không khí tưng bừng. “Trong lòng tôi vui sướng không tả xiết, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ, là nhắc nhở mọi người giữ gìn trật tự để đoàn quân đi qua thuận lợi, chỉnh tề, nhưng mọi người cứ ùa ra vây kín đoàn xe, các anh bộ đội…”, ông Điềm nhớ lại.

Sau ngày đó, ông Chu Điềm tiếp tục xuống các khu phố, làm nhiệm vụ tập hợp thanh thiếu niên; giữ gìn an ninh trật tự cùng phân đội ở ga Hàng Cỏ, phố Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến… Hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, ông Chu Điềm được cử đi học ở Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Cuối năm 1955, ông được phân về Tổng cục Đường sắt, tham gia xây dựng ngành đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Sau khi về hưu, ông Chu Điềm vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Trong suốt hơn 10 năm, ông đã làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Văn Miếu (quận Đống Đa). Ông cũng vinh dự được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng ghi công của Tổng cục Đường sắt cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành, đoàn thể...

Sống mãi với ký ức hào hùng... - ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Khang xúc động nhớ về thời khắc “Trùng trùng quân đi như sóng” 70 năm về trước.

Ký ức không phai

Thấm thoát đã 70 năm trôi qua, kể từ mùa thu năm 1954, đến nay, những chàng trai, cô gái trong “Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô” năm xưa đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm. Ký ức về những ngày làm công tác tiếp quản được gói trọn trong những bức ảnh kỷ niệm, những trang lưu bút và những tiếng nói cười của buổi gặp mặt…

Hơn 300 đội viên thanh niên tham gia đội khi ấy được chia thành 17 phân đội, vinh dự vào Hà Nội sớm từ ngày 6/10 để chuẩn bị các công tác tiếp quản.

Đêm 9/10/1954, Đội TNXP tiếp quản Thủ đô mỗi người một việc, tất cả đều tất bật, náo nức chuẩn bị cho ngày trọng đại. Sáng 10/10, các phân đội tỏa về các khu phố, hướng dẫn nhân dân đón chào bộ đội từ 5 cửa ô tiến vào. Hòa cùng nhân dân, thanh thiếu nhi Thủ đô tay trong tay, cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu tưng bừng đón chào đoàn quân trở về sau 9 năm kháng chiến… Đội viên nào cũng lâng lâng, cảm xúc trào dâng. Không khí hào hùng và vui tươi lan tỏa, nhưng ít ai biết rằng để làm tròn trọng trách này, các đội viên TNXP đã ngày đêm lăn lộn với phong trào, động viên giúp đỡ từng hoàn cảnh, đồng thời luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong công tác, sinh hoạt...

Ông Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1935) xúc động nhớ lại: Ông được tuyển chọn vào Đội, có nhiệm vụ về Hà Nội trước, từ khoảng 3-6/10/1954, thực hiện nhiệm vụ là tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. “Khi tiếp quản, chúng tôi đã tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ ta là sẽ duy trì cuộc sống như trước đây, cuộc sống không có gì thay đổi, xáo trộn. Sự giải thích kiên trì của chúng tôi đã làm yên lòng những người đang sống ở Hà Nội lúc đó. Đây là việc làm sáng suốt của Chính phủ để người dân Hà Nội hiểu hơn về đoàn quân khi tiếp quản Hà Nội. Ngoài việc giải thích chính sách của Chính phủ, chúng tôi còn có nhiệm vụ dạy thanh niên, thiếu nhi hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội trở về vào ngày 10/10/1954”, ông Khang nói.

Sống mãi với ký ức hào hùng... - ảnh 3
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. Nguồn: Tư liệu TTXVN

Còn bà Đặng Thị Ngữ (SN 1936) khi ấy mới 18 tuổi cũng tự hào và vinh dự được Trung ương Đoàn lựa chọn và tiếp nhận vào đội. “Tôi là học sinh của trường Tân Trào (Tuyên Quang). Chúng tôi lội suối, xuyên đèo không biết mệt để đến Thái Nguyên tập kết. Sau đó bước ngay vào học tập chính trị, các điều lệnh, chính sách tiếp quản Thủ đô và nhiệm vụ của đội. Ban Chỉ huy trang bị cho chúng tôi đầy đủ như một tuyên truyền viên. Chúng tôi được phát váy kaki, áo phin cổ lá sen, giày bata, mũ bata, ai nấy mặc vào trông cũng rất đẹp, vui lắm...”, bà Ngữ kể lại.

Bà Ngữ mỉm cười: “Ban ngày đi tuyên truyền vận động, tối đến chúng tôi lại cùng thanh niên khu phố tập văn nghệ, tổ chức sinh hoạt Đoàn... Tôi còn nhớ, một trong số thanh niên ngày đó, có một anh, cả gia đình đi nước ngoài hết mà anh vẫn ở lại Hà Nội với cách mạng. Sau nhiều năm trôi qua, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau khi cả hai đã lên ông, lên bà. Hai chúng tôi nhận ra nhau, vui sướng, nắm tay hỏi thăm gia đình và anh còn nói: “Bà vận động giỏi quá nên tôi không theo gia đình đi Pháp đấy!”. Tôi thầm cảm ơn họ đã yêu quý cách mạng, quê hương. Họ đã trưởng thành trong cách mạng và là những người thành đạt”.

Sau ngày đón đại quân ta vào giải phóng Thủ đô, các phân đội lại tỏa về các khu phố để xây dựng phong trào: Khi thì phổ biến chính sách của Đảng, Chính phủ; xóa khẩu hiệu cũ, kẻ khẩu hiệu mới trên đường phố; khi thì vận động thanh, thiếu niên và nhân dân hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như vệ sinh khu phố… Một bộ phận của đội tiếp tục tiếp quản thành phố Hải Dương, Hải Phòng. Bà Ngữ về công tác tại Thành Đoàn Hà Nội. Trải qua nhiều vị trí công tác, lúc về hưu, bà vẫn tích cực tham gia hoạt động của tổ dân phố. Bà luôn tự hào vì được góp một phần công sức trong những ngày tiếp quản Thủ đô. Câu chuyện về những ngày tháng ấy luôn được bà nhắc lại để truyền tinh thần yêu nước cho các thành viên trong gia đình và những người xung quanh.

70 mùa thu đã qua, ký ức về những ngày tiếp quản Thủ đô không phai mờ trong ký ức của mỗi thanh niên xung phong và trong lịch sử dân tộc. Mong sao tâm nguyện của các cụ sớm được thực hiện, để những pho sử sống luôn trường thọ và mãi là tấm gương sáng để lớp trẻ thêm yêu và tự hào về một Thủ đô Hà Nội hào hoa, kiên cường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo chị em tham gia.
Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(PNTĐ) -  Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.
Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.