Sửa đổi luật để ngăn chặn bạo lực gia đình

Chia sẻ

Mới đây, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến. Dự kiến, dự thảo Luật (sửa đổi) lần này sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2022 và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2022.

Nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng xảy ra

Cơ quan điều tra, công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Dư Văn Thanh (38 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) để điều tra làm rõ hành vi “giết người”. Thanh là đối tượng gây ra vụ án mạng tại trụ sở Toà án nhân dân (TAND) huyện Lục Ngạn vào sáng 30/10. Nạn nhân của vụ án là vợ, bố vợ của Thanh và một thẩm phán TAND huyện Lục Ngạn.

Theo đó, Thanh và chị H kết hôn từ năm 2007 song thời gian chung sống thường xuyên mâu thuẫn, xung đột nên quyết định ly thân vào năm 2019. Thời gian này, Thanh có vay của bố vợ một khoản tiền mà không trả. Do đó, ông Lừu, bố vợ Thanh đã làm đơn đề nghị TAND huyện Lục Ngạn giải quyết. Sáng 30/10, cả ba đến trụ sở TAND huyện làm việc, tại đây, giữa Thanh và vợ, bố vợ tiếp tục cãi chửi nhau. Bức xúc, Thanh cầm dao thủ sẵn trong túi ra đâm nhiều nhát vào vợ và bố vợ. Một thẩm phán TAND huyện Lục Ngạn đến can ngăn cũng bị đối tượng này gây thương tích. Sự việc khiến cho chị H tử vong, ông Lừu trọng thương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước đó, vào ngày 28/10, Đỗ Trường Giang (37 tuổi, trú tại TP Thái Bình) về nhà mẹ đẻ ở khu tái định cư Phú Xuân (xã Phú Xuân, TP Thái Bình) tìm gặp mẹ đẻ và em gái để nói chuyện về phân chia đất đai trong gia đình. Trong quá trình nói chuyện, giữa Giang và em gái xảy ra mâu thuẫn, đối tượng này đã bóp cổ em gái mình đến chết…

Đây là hai trong số rất nhiều vụ án bạo lực gia đình (BLGĐ) nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua. Điều này cho thấy, tình trạng BLGĐ đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Kết quả điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người (gần 32%) phụ nữ bị chồng bạo hành về thể xác, tình dục… Đáng chú ý là có đến 90,4% phụ nữ bị BLGĐ không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ 4,8% phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Đặc biệt, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự khó khăn về kinh tế, bí bách về tinh thần trong các đợt giãn cách xã hội khiến BLGĐ ngày càng gia tăng. Tỷ lệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành tăng cao. Thống kê của Hội LHPN Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo hành đến đường dây nóng của Hội tăng 50%. 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đài của “Ngôi nhà bình yên” (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam) tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng 140% so với năm 2020, trong đó có hơn 1.000 cuộc gọi phụ nữ báo bị bạo lực. Ngôi nhà Bình yên cũng cưu mang 74 người, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020…

Các số liệu thống kê thời gian gần đây cũng cho thấy, công tác xử lý vi phạm quy định của pháp luật về BLGĐ được thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư; phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền; rất ít vụ khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người. Các biện pháp xử lý vi phạm về phòng chống BLGĐ như góp ý, hòa giải, phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính chưa đảm bảo tính răn đe.

Sửa đổi luật để ngăn chặn bạo lực gia đình - ảnh 2

Ngăn chặn bạo lực bằng “gậy pháp lý” nghiêm khắc

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã được đưa vào cuộc sống 13 năm, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều khái niệm chưa được làm rõ, chưa nhận diện đầy đủ về hành vi BLGĐ khiến nhận thức về BLGĐ khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp. Chưa có các quy định cụ thể trong nội dung quản lý nhà nước về PCBLGĐ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ...

Tại Hội thảo tham vấn dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) vừa tổ chức, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện MSD khẳng định, BLGĐ vẫn là vấn nạn chung của toàn xã hội. Nhà không còn là nơi chỉ có an toàn và yêu thương mà còn là địa ngục với các nạn nhân bị BLGĐ, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 và giãn cách xã hội, việc bỏ trốn hay kêu cứu là không thể. “Việc sửa đổi Luật PCBLGĐ nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ; khắc phục những tồn tại, bất cập kể trên…” – bà Linh cho biết.

Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý dự án Viện MSD cũng chia sẻ, cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa của BLGĐ và bạo lực giới nói chung là xuất phát từ vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới, định kiến thứ bậc, mất cân bằng quyền lực hoặc rối loạn chức năng trong gia đình. “Chúng ta cần có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng để thay đổi những quan niệm mang tính “chấp nhận”, “cổ vũ” cho bạo lực và mang tính định kiến giới như: “thương cho roi cho vọt”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “tam tòng tứ đức”, “đàn ông là trụ cột trong gia đình…” – bà Hải Anh nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bên cạnh đó, phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực bởi người thân trong gia đình cao hơn, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho biết, cần bổ sung chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế như người khuyết tật, trẻ em, nhóm LGBT…

Dự thảo Luật PCBLGD (sửa đổi) gồm 9 chương, 80 điều, tăng 3 chương và 34 điều so với Luật PCBLGĐ hiện hành. Trong đó, dự thảo nêu rõ, các hành vi vi phạm luật PCBLGĐ sẽ được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe, giáo dục, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và quyền con người. Đặc biệt, Bộ luật PCBLGĐ sửa đổi ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên yếu thế trong gia đình như phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới trong xử lý vụ việc BLGĐ. Các hành vi tái phạm sẽ bị coi là hành vi tăng nặng. Dự thảo cũng nêu rõ các hành vi bị cấm như cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi BLGĐ, dung túng, bao che BLGĐ, làm lộ, phát tán thông tin, làm sai lệch thông tin về BLGĐ dưới mọi hình thức…

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội kiến nghị cần sửa đổi một số quy định về phạt tiền, một số hành vi cần tăng mức phạt tiền và bổ sung hình thức xử phạt bổ sung: “Để việc xử phạt khả thi hơn, có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân, việc sửa đổi luật cần hướng tới một số hành vi chuyển từ chế tài phạt tiền sang chế tài lao động công ích. Đây không phải là biện pháp mà nhiều nước trên thế giới áp dụng phổ biến”.

Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã hoàn thiện “Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại”. Đây sẽ là cuốn cẩm nang với những thông tin hữu ích cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại…

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.