Tận dụng mẹ già

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Có câu “một mẹ già bằng ba người ở”, mẹ Thảo vốn là người chăm chỉ, lam làm, ít khi chịu ở không… nên gần như gánh vác mọi việc trong nhà. Anh chị Thảo được tiếng là ở chung để báo hiếu mẹ già nhưng còn tểnh tênh hơn cả các cặp đôi đang yêu nhau, chưa vướng bận gì.

“Vợ chồng cô giỏi giang, tự lực được cuộc sống thì cứ việc. Còn mẹ đỡ đần việc nhà, trông con… cho vợ chồng anh, cô đừng can thiệp vào. Anh em kiến giả nhất phận, nhất là bây giờ, cô đã đi lấy chồng thì cứ yên phận ở nhà chồng”.

Lần này, không chỉ chị dâu mà đích thân anh trai Thảo cũng ra mặt, tỏ rõ sự không bằng lòng khi Thảo góp ý anh chị đừng nên phó thác việc nhà cho mẹ già. 

Mẹ Thảo năm nay đã gần 80 tuổi. Bà tuy không mắc bệnh gì trầm trọng, nhưng cũng không còn khỏe nữa. 2 năm trước, bà bị trượt chân ngã trong nhà tắm, bị rạn xương hông. Giờ, dù đã đi lại, sinh hoạt được bình thường nhưng Thảo thấy mẹ sa sút trông thấy. Bà đi lại chậm chạp hơn, hay quên hơn, tai thì nghễnh ngãng, nhiều lúc con cháu gọi hoài mà không nghe thấy.

Từ ngày Thảo đi lấy chồng, nhà chỉ còn lại mình mẹ và vợ chồng anh trai Thảo. Với người ngoài, anh chị thường nói là không muốn ra ở riêng vì sợ bà ở một mình sẽ buồn. Hơn thế, bà tuổi cao cũng cần có con cháu để mắt thường xuyên. Nhưng Thảo biết, kỳ thực, anh chị chọn ở chung, không phải vì muốn quan tâm tới mẹ mà ngược lại muốn tận dụng sức lực của mẹ.

Có câu “một mẹ già bằng ba người ở”, mẹ Thảo vốn là người chăm chỉ, lam làm, ít khi chịu ở không… nên gần như gánh vác mọi việc trong nhà. Anh chị Thảo được tiếng là ở chung để báo hiếu mẹ già nhưng còn tểnh tênh hơn cả các cặp đôi đang yêu nhau, chưa vướng bận gì.   

Tận dụng mẹ già - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hồi chị dâu mới sinh con, việc anh chị cậy nhờ bà giúp đỡ cũng là hợp tình, Thảo không một lời tị nạnh, trách cứ. (Lúc đó, Thảo cũng mới phát hiện có bầu, rất thèm có mẹ đẻ ở bên hỗ trợ vì cô bị nghén khá nặng). 6 tháng chị dâu ở cữ, bà thường giành làm mọi việc vì sợ con dâu mệt sẽ ảnh hưởng tới lượng sữa và chất lượng sữa. Cuối tuần về nhà ngoại chơi, Thảo thấy mẹ cứ lụi cụi dưới nhà, hết cơm nước, rồi còn giặt giũ quần quần áo cho con trai, con dâu và cháu nội, trong khi đó, chị dâu thì béo trắng, tểnh tênh nằm trong phòng bật điều hòa mát rượi vừa ôm con, vừa xem ti-vi. Thảo lại tự trấn an mình, dù gì chị vẫn đang trong thời gian ở cữ cần được ưu tiên, chị khỏe thì cháu mình cũng khỏe. Rồi hết 6 tháng nghỉ sinh, chị dâu đi làm trở lại, mẹ Thảo tiếp tục giúp anh chị trông cháu. Lúc này cái thai trong bụng Thảo đã lớn, cũng phải tính đến chuyện có người đỡ đần về sau. Chị dâu sợ Thảo “cướp” mất mẹ nên bóng gió rằng Thảo là phận gái đi lấy chồng thì về nhờ nhà chồng. Còn mẹ Thảo thì phải… trông cháu nội.

Vợ chồng Thảo ở thành phố chỉ có một mình. Ở quê nội, bố chồng Thảo bị ốm nên mẹ chồng phải ở bên lo chăm ông. Thảo không thể chỉ nghĩ cho mình và con mà không màng tới sức khỏe của bố chồng. Về phần nhà ngoại, Thảo cũng không đến mức nhỏ nhen tới mức tranh giành mẹ già với vợ chồng anh trai. Mẹ thương Thảo nói nên bảo hay là khi sinh, Thảo dọn về nhà ngoại ở mấy tháng để bà vừa trông cháu nội, vừa chăm cháu ngoại. Nhưng, Thảo biết, nếu vậy thì mẹ sẽ mệt lắm nên vợ chồng bàn nhau tự lực cánh sinh. Thu nhập của vợ chồng Thảo chẳng dư dả gì, nhưng vẫn cố gắng tằn tiện để thuê người giúp việc hỗ trợ Thảo trông con trong 1 tháng đầu. Sau đó, từ tháng thứ 2, Thảo một mình chăm con, lo việc nhà. Nhờ đó mà mẹ Thảo mới toàn tâm toàn ý lo cho vợ chồng anh trai. 

Song, Thảo không ngờ vợ chồng anh trai lại càng được thể “tận dụng” sức lực của mẹ già. Ngay cả khi con đã lớn đủ tuổi đi học mẫu giáo, vợ chồng anh nói cháu hay bị ốm nên cứ… để ở nhà bà trông. Đến khi cháu vào lớp 1, vợ chồng anh lại lấy cớ bận đi làm nên khoán toàn bộ việc chăm con cho mẹ. Từ sáng sớm, chị dâu Thảo đã xách túi ra khỏi nhà, còn anh trai thì cố ngủ nướng đến sát giờ làm. Mẹ Thảo lại lo đánh thức cháu dậy, cho ăn uống, sắm sửa mọi thứ rồi đưa đi học. Cháu đến trường rồi, bà quay sang đi chợ cho cả nhà. Ở tuổi này, mẹ Thảo ăn uống rất đơn giản, có sao cũng được nhưng vì có các con, cháu nên lần nào mẹ cũng lỉnh kỉnh tay xách nách mang. Không chỉ nấu cho đông người ăn, mẹ còn phải lựa nấu các món con dâu thích, con trai hay ăn, nội vừa miệng. Nhiều lần Thảo tiện đường từ cơ quan ghé qua nhà, thấy muộn rồi mà nhà cửa vắng tanh. Cháu chơi ngoài phòng khách, mẹ trong bếp tất bật nấu tới 2 loại canh, 2 món mặn. Hỏi thì mẹ bảo một loại canh cho cháu, thịt băm cho chị dâu, còn anh trai lại chỉ ăn thịt thái miếng. Thảo thương mẹ quá, nói mẹ đừng cầu kỳ quá làm gì nhưng mẹ bảo mẹ thương các con, cháu đi làm, đi học về mệt, muốn con cháu ăn ngon, ăn nhiều để còn giữ sức khỏe. 

Tận dụng mẹ già - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thảo càng buồn hơn khi phát hiện không phải chị dâu bận làm việc về muộn mà là chị đi học múa bụng để giữ dáng, còn anh trai cũng thả phanh tụ tập bạn bè vì yên tâm ở nhà mọi việc đã có mẹ lo. Thậm chí tối đến, biết con quấn bà nội, anh chị cũng… mặc cho con xuống chơi rồi dụ con ngủ lại luôn với bà để vợ chồng có thời gian xem phim đến khuya. Thế là, mẹ Thảo trở thành người trông trẻ xuyên ngày. Đêm đến, bà ngủ cũng chập chờn vì còn lo canh xem cháu có mệt, ốm sốt không.

Xót mẹ, Thảo đã gặp anh chị để góp ý. Thảo nói, anh chị có thể có kế hoạch riêng sau giờ làm, đi chơi, đi tập thể dục cũng được nhưng đừng dồn mọi việc nhà cho mẹ làm. Anh chị sắp xếp đi chợ mỗi tuần để giảm tải việc chợ búa hàng ngày cho mẹ. Sáng sớm, nên dậy chế biến sẵn thức ăn, buổi chiều, bà chỉ cắm giúp nồi cơm là được. Thảo thấy thật bất công khi anh chị thì được thư giãn nhưng mẹ thì không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Thảo đã mấy lần giục mẹ đăng ký tham gia CLB dưỡng sinh của người già nhưng mẹ đều từ chối, cũng chỉ vì bận chăm cháu, cơm nước cho con. 

Những lời Thảo nói không phải đố kỵ mà chỉ vì muốn công bằng cho mẹ. Nhưng, trong mắt anh chị, Thảo đã đi lấy chồng rồi thì không nên can thiệp vào việc ở nhà ngoại. “Sau này khi mẹ ốm đau thì anh chị sẽ chăm lo cho bà. Cô Thảo lúc đó liệu có về đây mà báo hiếu được cho mẹ không? Vì vậy, việc bà trông cháu, làm việc nhà đỡ anh chị cũng là nội bộ của bà và anh chị”, chị dâu Thảo nói. 

Anh trai Thảo cũng tỏ ý khó chịu, cho rằng Thảo cố tình chia rẽ tình cảm mẹ con. Mẹ là người trong cuộc, mẹ không than thở thì thôi, huống chi Thảo chỉ là “người ngoại đạo”. Anh trai Thảo còn tuyên bố, nếu mẹ không muốn tiếp tục cuộc sống như thế này thì vợ chồng anh sẵn sàng chuyển ra ngoài ở riêng. Nhưng sau đó, việc mẹ phải ở nhà một mình không có ai chăm sóc thì Thảo chịu trách nhiệm. Rồi nếu bà mệt, không muốn trông cháu thì cứ để cháu nhịn đói đợi anh chị về cho ăn. Tất nhiên là mẹ Thảo không đồng ý. Bà còn nói không ai mà mẹ có nhà lại để con ra ngoài ở nhà thuê. Rồi bà già rồi, chẳng làm được việc gì có ích ngoài việc giúp con cháu. Bà quay sang an ủi Thảo mình còn khỏe nên Thảo đừng lo lắng gì cho bà kẻo anh em lại bất hòa.

Thảo rất hiểu mẹ mình. Bà cả đời chỉ biết hy sinh vì con, cháu. Nhưng Thảo buồn là anh chị của mình, chưa từng nghĩ cho mẹ. Anh chị tận dụng sức lực của mẹ rồi đợi cho tới khi mẹ bệnh nằm đó mới lo phụng dưỡng thì đâu phải là có hiếu với mẹ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mình làm hòa, chồng nhé

Mình làm hòa, chồng nhé

(PNTĐ) - Ngọc luôn tự tin cho rằng Hòa dù có là người đàn ông lý tưởng bao nhiêu thì anh vẫn rất may mắn mới lấy được người vợ như cô, vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của chồng. Thế nên mỗi khi chồng mắc lỗi, cô lại có một chiêu "phạt" khiến chàng phải quy phục ngay tức thì.
Chung tay đẩy lùi bạo lực

Chung tay đẩy lùi bạo lực

(PNTĐ) - Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới… là những giải pháp cần thực hiện để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Những nỗi đau từ bạo lực giới

Những nỗi đau từ bạo lực giới

(PNTĐ) - Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.