Thằng nhóc bán vé số
(PNTĐ) - Cứ cuối tuần mỗi khi nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn là tôi cùng với đám bạn hay lê la quán quen làm vài ba chai. Nhất là khi cái tiết trời bước vào mùa hạ quái quỷ nắng như thiêu đốt thế này thì vài cốc bia hơi phải nói là nhất số. Và cũng tại quán này tôi hay gặp nó, thằng nhóc bán vé số có mái tóc nhìn ngồ ngộ, có vẻ như cậu chàng tự mình xuống tay với nó.
Thằng nhóc độ chừng mười hai mười ba tuổi, nếu không nói ra tuổi nó có lẽ chúng tôi thậm chí còn nghĩ nó chỉ lên tám lên chín vì vóc người nhỏ thó lúc nào nom cũng có vẻ vội vàng. Việc xuất hiện của một thằng nhóc lạ ở một góc quán quen trở thành điều chúng tôi tán gẫu lúc rảnh rỗi. Kì thực cái xóm lao động nghèo này nhỏ lắm, hỏi qua hỏi lại cũng mới biết nó mới dọn về đây ở không bao lâu cùng với mẹ. Mẹ nó cũng bán vé số nhưng không đi nhiều như nó mà bắt cái ghế đẩu ngồi ở góc đường cả ngày vì sức khỏe yếu không đi lại nhiều được. Nó hay bận bộ quần áo học sinh trắng nhưng đã ngả màu bụi đường, có những bận tôi trêu nó:
- Mặc đồng phục mà không chỉnh tề, chứ cái khăn quàng đỏ của bây đâu.
- Con nghỉ học rồi chú.
- Thế sao còn mặc đồ đi học chi?
- Tại con muốn á.
Nghe trong lời nói của nó có điều gì đó thật xót xa, sau này khi nó cứ qua chỗ đám tụi tôi đang ngồi, tụi tôi lại kéo vào mua cho nó vài tờ vé số để nó tám chuyện và cũng nghỉ ngơi đôi chút mới dần hiểu rõ hơn về gia đình nó. Ba nó bỏ đi kể từ khi nó lên bảy, mẹ nó một mình nuôi nó khôn lớn rồi cũng lang bạt khắp tứ phương. Nó ngây ngô lên mặt: “Vậy mà cái đất phố này con ở hết rồi đó, chỗ nào con cũng ở qua rồi. Kinh chưa?”. Lời của nó làm cả đám người lớn chúng tôi sững lại. Thi thoảng, chúng tôi cám cảnh nghèo, gặp những điều bất công lại tự thương cho thân mình, nói chuyện qua lại, đôi khi lại có cái nhìn bi quan về cuộc sống. Nhưng nó lại khác, nó biết biến những điều khó khăn của mình trở thành điều lạc quan. Chúng tôi nhìn thấy bĩ cực càng làm nó thêm nặng nề còn nó lại biết lấy đó làm niềm vui để làm động lực.
Khi đó tôi dần bắt đầu chú ý đến nó hơn, vì càng nói chuyện nhiều và càng hiểu nhiều hơn về nó tôi càng thấy chính nó lại cho tôi khá nhiều bài học đáng quý. Nó đã nghỉ học lâu rồi cả ngày lang thang ngoài đường bán vé số, khi nào thấm mệt thì về nhà nghỉ ngơi. Cứ tầm chiều nó lại về xóm nhỏ của chúng tôi bán cuối ngày đặng tán gẫu nói chuyện với chúng tôi một chút. Có bận nó mặc cái áo thể thao bị rách, tôi trêu nó:
- Nghèo dữ vậy bây, có cái áo cũng không mua nổi.
- Con biết con nghèo mà - rồi nó cười hì hì - Nhưng mà nghèo làm động lực để tiến lên rồi sau này con mua cả tủ áo mới luôn cho chú thấy.
Tôi không biết được việc nó nhận ra hoàn cảnh hiện tại của mình có quá chua xót với một đứa nhỏ không nhưng ngay khi nghe nó lấy đó làm động lực để ước mơ cải thiện cuộc sống của mình tôi đã thấy đứa trẻ này trưởng thành hơn mình nghĩ rất nhiều.
Đôi khi mấy món đồ nhậu mấy thằng tụi tôi ăn không hết nên kéo nó vào cho. Ước chừng bộ dạng nó đói lả, có lẽ nó đã đi cả ngày nhưng nó nhất quyết không chịu ăn. Một đứa trong bọn tôi lên tiếng:
- Thằng này cho đồ ăn mà chê.
- Cháu không. Vì má cháu dạy là bất cứ ăn gì đều phải trả tiền, con biết ơn lòng tốt của mấy chú nhưng mấy chú cũng phải trả tiền mới có mấy món này mà. Đồng tiền làm ra khó lắm.
Nghe cái cách nó nói đám tôi cười xòa nhưng trong bụng cũng có mùi chua xót. Quán nằm ngay xóm lao động nghèo, mỗi thứ đồ đều rất rẻ để vừa túi tiền những người ngày đêm vất vả sớm hôm. Chúng tôi tìm niềm vui sau những ngày lao động mệt nhọc chứ cái thời buổi kinh tế này đúng là không ai dư dả cả, kể cả bia trên bàn cũng chỉ là những cốc bia hơi, dăm ba món nhắm làm mồi… Thằng nhóc có lẽ hiểu sự bươn chải này hơn ai hết, nó cũng biết rõ khu này như lòng bàn tay, bởi đôi khi nếu thoát đi cái vẻ dày dạn cuộc đời thì đôi lúc nó “dụ” chúng tôi mua vé số cũng bằng những lời mời chào rất ngây ngô:
- Mấy chú mua cho con tờ này đi, con đảm bảo ngày mai trúng số rồi chú mua luôn cái quán này về nhậu cho đã.
Thế nếu không trúng thì sao?
- Thì… hôm sau mua tiếp.
Có lẽ thứ không trưởng thành ở nó là nụ cười, lúc nào nó cũng cười kiểu “hặc hặc” rất ngây ngô. Nhưng cũng không phải việc gì nó cũng từ chối lòng thành của đám tụi tôi. Có bận tôi mang cho nó bộ quần áo cũ của thằng con trai tôi, nghe tôi nói đồ cũ rồi nó mới lấy. Tôi rất thích trêu nó nên cũng hỏi dò, nó bật cười:
- Này đồ cũ rồi, bỏ uổng, chứ đồ mấy chú ăn hôm bữa cho con, mới dọn ra luôn...
Có lần tôi đi làm về vào lúc tan ca chiều lại thấy nó bị bắt nạt bởi những đứa khác, thằng bé bị trêu chọc bởi bộ dạng lấm lem của mình và cả việc không được đến trường. Trông nó nhỏ thó trước những đứa khác bao quanh duy chỉ có điều nó không hề tỏ ra e sợ, dẫu nó không nói một tiếng nào. Tôi tới “giải vây” cho nó và cũng sẵn chở nó về khu xóm nhỏ, bất giác tôi hỏi nó để phá tan đi bầu không khí im lặng:
- Bây có buồn khi bị ăn hiếp không?
- Dạ không ạ.
- Tại sao?
- Nếu họ đã ăn hiếp con nghĩa là họ không phải bạn con, nếu không là bạn con sao con phải nặng lòng vì những người không thân thiết ạ?
Tôi bật cười trước lập luận đanh thép của thằng nhỏ nhưng cũng cảm thấy như rút ra được một bài học gì đó cho mình.
Sau này tôi dần thân thiết với thằng nhỏ hơn, những khi rảnh rỗi sau cả ngày đi bán về nó vẫn hay qua nhà tôi chơi với thằng con trai tôi vì hai đứa ước chừng trạc tuổi. Đôi khi tôi nghe nó nói chuyện với con trai bằng những lời cũng vừa ngô nghê mà cũng đầy triết lý. Hai cu cậu thích một cặp nhân vật chính trong một bộ phim truyền hình lãng mạn nào đấy nhưng ngoài đời thì cả hai đều lại hẹn hò với người khác, trong khi đứa con tôi thì lại “vật vã” vì nam nữ chính ở ngoài đời không nên duyên thì nó chỉ nhìn tôi nói một cách thản nhiên:
- Cái sai của Tân (tên con trai tôi) là nó đã không phân biệt được cuộc đời với phim đó chú ơi. Hơn nữa, mỗi người đều có cuộc sống của riêng họ, họ là diễn viên, họ diễn tốt vai diễn của mình trong bộ phim đó rồi, đâu có nghĩa ngoài đời họ phải tiếp tục diễn đâu.
Thực ra nghe thì nom thấy rất bình thường nhưng tôi thấy nó cũng những quan niệm rất trưởng thành vượt tuổi. Lại có lần đêm tôi không ngủ được nên ngồi hút thuốc trước hiên nhà, thấy nó lấp ló ở phía trước nên ngoắc vội nó vào hỏi sao chưa ngủ nhưng nó ái ngại mùi thuốc nên không chịu lại gần tôi. Đợi tôi dụi đi nó mới lại, tôi còn trêu nó:
- Sao bia không cấm tao uống mà tao hút xíu nhìn tao như vậy bây?
- Bia chú có bao giờ uống say đâu, uống ít còn tiêu hóa tốt và mát người đó chứ thuốc lá là trăm phần trăm xấu.
Thương hoàn cảnh nó nên hễ lúc nào có việc gì vừa tầm sức tụi tôi đều kêu nó làm để cho nó vài chục đặng qua ngày. Bất giác tôi hỏi nó:
- Mày có ghét ba mày không?
- Ban đầu thì có, vì lúc ấy má khổ lắm, bệnh rồi còn phải nuôi con nữa. Con ghét cũng vì con bất lực khi trở thành gánh nặng của má. Nhưng giờ con lớn rồi, có thể đi làm đỡ đần má thì cũng không còn ghét ổng nữa. Quan trọng là giờ con với má con luôn vui vẻ. Và nó tiếp tục nói, nói về những ước mơ của nó dành cho má nó, dành cho gia đình nó.
Được ít lâu sau nó lại đi, má nó xin được vào làm công nhân ở một xí nghiệp ở Bình Dương, cũng được cho ở trong khu trọ tập thể của công ty nên nó phải theo má nó. Ngày nó đi những người trong xóm đều cảm thấy buồn nhưng chúng tôi ai cũng biết nó rồi sẽ có cuộc sống tốt. Không chỉ vì những người xung quanh nó mà cả vì sự tích cực và cách suy nghĩ của chính nó khi đương đầu với cuộc sống. Nó tặng cho tôi một món quà, là một tờ vé số với một cái nháy mắt tinh nghịch:
- Có khi trúng số được kho báu thì nhớ tìm rồi khao con nha chú.
Tờ vé số đó vẫn không trúng, nhưng tôi đã trúng một kho báu khác, như cái cách mà nó đã ở bên tôi và cho tôi rất nhìều cách nhìn khác nhau về cuộc đời...