“Tháo gỡ” tâm lý từ phía gia đình, nhà trường

Chia sẻ

Cha mẹ cần thấu hiểu và cảm nhận con để có thể giúp con vượt qua căn bệnh trầm cảm, kịp thời ngăn ngừa các hành vi dại dột.

Trẻ ngày càng dễ bị trầm cảm?

Thạc sỹ tâm lý Trần Thị Mạnh Linh - nhà trị liệu độc lập cho trẻ em cho biết: Hiện nay trầm cảm không còn là khái niệm quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là trầm cảm tuổi vị thành niên. Trầm cảm của người lớn thường gắn với các vấn đề bế tắc trong công việc, trong hôn nhân, trong nuôi dạy con cái, trong tiền bạc… thì trầm cảm tuổi học đường lại thường gắn với các bế tắc về mối quan hệ bạn bè, thầy cô, với cha mẹ, các vấn đề học tập, các vấn đề về chính bản thân trẻ như thiếu kĩ năng, nhân cách yếu, tự ti…

Trầm cảm tuổi học đường không trừ cấp học nào. Khi trẻ 3 tuổi đã có thể có chẩn đoán về trầm cảm. Như vậy, từ cấp học mẫu giáo, trẻ đã có thể mắc chứng trầm cảm. Tuy nhiên phổ biến và trở nên gay gắt là trầm cảm tuổi vị thành niên, được dánh dấu từ tuổi dậy thì và tiền dậy thì. “Trầm cảm có nhiều cách hiểu nhưng cần phân biệt trầm cảm (depression) không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn chán, tuyệt vọng (sadness) bởi sadness xuất hiện trong cuộc trò chuyện hàng ngày và nó không kéo dài, hiếm khi ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của chúng ta. Ví dụ, khi đội bóng mình yêu thích bị thua có thể sẽ buồn chán nhưng sẽ qua đi nhanh. Trầm cảm (Depression) ở trong ngữ cảnh y học là một dạng thức suy nhược sâu sắc về sức khỏe tâm thần. Trầm cảm mà chúng ta thường gọi tắt có tên đầy đủ là hội chứng rối loạn trầm cảm, chủ yếu là một hội chứng làm tiêu hao năng lượng, giấc ngủ, sự tập trung, niềm vui, sự tự tin, trí nhớ, ham muốn tình dục, khả năng yêu thương, làm việc, học tập, vui đùa của con người. Thậm chí nó còn cướp đi cả ý chí sống của họ. Theo thời gian, trầm cảm tổn hại não bộ và tàn phá cơ thể. Nếu hiểu “năng lực” hủy hoại cuộc sống của sự rối loạn này thì không ai có thể coi nhẹ. Đặc biệt với học sinh, cha mẹ học sinh, thầy cô và chính bản thân các em cần hiểu rõ về trầm cảm để không chủ quan với sức khỏe tâm thần học đường”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo Ths Mạnh Linh, tỉ lệ trầm cảm học đường tăng mạnh, đáng báo động là tỉ lệ tự sát ở các em học sinh ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do lối sống và cách nuôi dạy con thiếu kiến thức từ gia đình: đa số các gia đình đặc biệt là ở thành phố lớn ít con, điều kiện kinh tế dư dả vì vậy cuộc sống của những đứa con sinh ra được hưởng đầy đủ, nhưng lại bị “tước” đi quyền được lao động - cách học trải nghiệm để có giá trị tốt nhất cho các em khi còn nhỏ. Tâm lý chỉ sinh ra trong hoạt động và giao tiếp. Khi trẻ thiếu đi lao động, thiếu đi việc rèn luyện các kĩ năng sống, giá trị sống thì nhận thức về bản thân không đầy đủ, kĩ năng ứng phó với cuộc sống nghèo nàn. Bên cạnh đó, cha mẹ kỳ vọng, tạo áp lực trong học tập cho trẻ khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Sự thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì cùng với thiếu trải nghiệm về kĩ năng sống, giá trị sống khiến trẻ dễ gặp các rối nhiễu tâm lý trong đó có trầm cảm tuổi dậy thì. Tuy nhiên hiểu biết để ứng phó với tuổi dậy thì không phải ai cũng ý thức được hết, có cha mẹ biết thì nói với con một chút, có cha mẹ không biết thì kệ để con tự lớn lên, tự vượt qua. “Trong nhiều năm làm việc tại trường học tôi hiếm khi thấy cha mẹ nào đến hỏi tôi về tài liệu tâm lý tuổi dậy thì, thường họ chỉ hỏi khi con gặp vấn đề…” – Ths Mạnh Linh lo ngại.

Bên cạnh áp lực bởi học tập, sự tác động của quá trình thay đổi tâm sinh lý, thì ngày nay, xã hội hiện đại cũng đem đến những nguy cơ khác nhau như sự tràn lan của các video độc hại trên mạng xã hội hướng dẫn trẻ tự thắt cổ tự tử, cắt tay… hoặc trẻ bị dẫn dắt khi tham gia các nhóm kín trên mạng xã hội, bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc về cái chết. Thậm chí, hiện nay, tình trạng sử dụng chất gây nghiện ở trẻ vị thành niên có xu hướng đang ngày càng nhiều, dẫn đến trẻ bị ảo giác, hoang tưởng, có hành vi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và người khác…

Cha mẹ hãy ở bên cạnh con!

Theo Ths Mạnh Linh, điều đáng mừng đây là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả trong thời gian không lâu nếu được phát hiện sớm. Ở đây vai trò của người lớn bên cạnh trẻ rất quan trọng. Cha mẹ nên quan tâm tới con cái và cùng con chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống. Trẻ được chia sẻ và hướng dẫn tháo gỡ các vấn đề gặp phải sẽ không có tâm lý bi quan hay cực đoan. Ngoài ra, nếu kết nối giữa cha mẹ với con cái không được hoàn hảo mà điều này là thực tế thường gặp thì xã hội cần mở ra những cánh cửa khác cho trẻ có thể trao đổi về những vấn đề của mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Cha mẹ hãy thay đổi quan niệm nuôi dạy con cho phù hợp, không sống thay, lo thay hay nghĩ thay cho con để rồi có những quyết định thay cho con khiến con bị áp đặt, áp lực. Cha mẹ nên đặt câu hỏi nên ưu tiên con mình thành người trước hay thành tài trước? Quan điểm nuôi dạy con sẽ là kim chỉ nam chỉ ra đường hướng nuôi dạy con đúng đắn. Cha mẹ hãy quan tâm đúng cách đến con, cần đọc sách, tìm hiểu, học tập về các vấn đề sức khỏe tâm thần học đường đặc biệt là trầm cảm, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý… để có biện pháp phòng tránh. Khi nhận thấy các dấu hiệu khác lạ từ con thì hãy tìm chuyên gia để tư vấn, tránh trở thành bác sĩ google search bách bệnh, cũng tránh việc chủ quan để kệ rồi tự khỏi nhưng thực tế sẽ ngày càng trầm trọng hơn” – Ths Mạnh Linh cho biết.

TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định, đặc điểm rối loạn tâm thần học đường thường rối loạn lo âu và rối loạn tâm thần học tập. Nhiều gia đình khi đưa các cháu đến khám đều cho rằng các cháu không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng thực tế, khi làm việc với các em nhỏ, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều không ổn định như stress, sang chấn... Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng mắc các rối loạn vừa và nặng. Đối với tâm hồn non nớt của trẻ lứa tuổi học đường, những chuyện tưởng chừng đơn giản đối với người lớn lại khiến trẻ bị ảnh hưởng, thậm chí có những ý nghĩ tiêu cực khi không tìm ra hướng giải quyết.

Các chuyên gia đánh giá, ở Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ sở tư vấn tâm lý trẻ vị thành niên sẵn có tại các trường học hoặc bố trí ở từng khu vực, cộng đồng dân cư. Các hình thức tư vấn trực tuyến với mục đích ngăn ngừa tự sát cho trẻ vị thành niên, người trẻ cũng còn thiếu. Nhiều bậc cha mẹ chưa có nhận thức đúng về trầm cảm và tự sát để có thể có ứng xử thích hợp.

“Có khoảng 62%-71% học sinh mong muốn có chuyên gia tư vấn trong trường học. Các mạng lưới tâm lý học đường được kết nối với các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai đồng đều tại các trường học, sự gắn kết vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều bậc phụ huynh cũng coi những biến đổi tâm lý của trẻ em nhiều khi là do phản ứng thái quá vì căng thẳng hoặc cho rằng đó là tâm lý tuổi dậy thì, đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng thì can thiệp quá muộn. Việc phát hiện, điều trị giúp các em vượt qua những rối loạn đòi hỏi sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh. Vì vậy, cha mẹ cần cần phải đặt mình vào vị trí của trẻ chứ không phải đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ em” – TS.BS Minh Loan nói.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.