Thỏa thuận tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn

Chia sẻ

Chúng tôi chuẩn bị đăng ký kết hôn, do cả hai đều đã ly hôn và có con riêng, nên để rút kinh nghiệm những gì đã trải qua trước đây và tránh phiền phức, phát sinh những điều không mong muốn, chúng tôi muốn xác định một số vấn đề trước khi kết hôn.

Câu hỏi
Chúng tôi chuẩn bị đăng ký kết hôn, do cả hai đều đã ly hôn và có con riêng, nên để rút kinh nghiệm những gì đã trải qua trước đây và tránh phiền phức, phát sinh những điều không mong muốn, chúng tôi muốn xác định một số vấn đề trước khi kết hôn. Vậy, xin hỏi Báo PNTĐ làm thế nào để xác định tài sản có được sau khi đăng ký kết hôn vẫn là tài sản riêng của mỗi người, đồng thời khoản nợ nếu có của ai thì không liên quan đến người còn lại?

Phạm Thị Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vơ, chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.

Có nghĩa là, vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản. Tương ứng, nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận, Điều 47 của Luật này thì "thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Căn cứ quy định nêu trên, trước khi kết hôn, các bạn có thể thỏa thuận bằng văn bản, có công chứng, chứng thực để xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Theo khoản 1 Điều 48 của Luật này, nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

“a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan”.

Hướng dẫn nội dung nêu trên, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014, vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

“a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng”.

Mặc dù hai người có thể thỏa thuận xác lập chế độ tài sản như trên, nhưng thỏa thuận đó phải phù hợp với quy định của pháp luật. Ví dụ: Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của cả hai. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng... Nếu không, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Chẳng hạn, thỏa thuận không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan; nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình…

Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng được quy định tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

“1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng”.

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng bạn vẫn có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng cũng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Luật sư HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã sáng tạo, đổi mới, thành lập và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, triển khai thực hiện hoạt động phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 1/1/2025.
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

(PNTĐ) - Hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Thành phố không ngừng được nâng cao. Cùng với đó, đồng bào các DTTS, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 đã thành công tốt đẹp, qua đó, nhiều kỳ vọng, kiến nghị, đề xuất được đưa ra để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô trong 5 năm tới.
Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

(PNTĐ) - Nhận thức tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển Thủ đô, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt công tác gia đình. Qua đó, nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ ở Hà Nội được triển khai hiệu quả.
Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

(PNTĐ) -  Câu hỏi: Chồng em là người nước ngoài, còn em vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Khi em sinh con ở Việt Nam thì con em đương nhiên có quốc tịch Việt Nam hay không? Vợ chồng em muốn đặt họ tên con trên Giấy khai sinh bằng tiếng nước ngoài theo bố thì có được cơ quan Nhà nước chấp nhận hay không? Hà Phương Lan (Quốc Oai)