Thời tiết trở trời, người trở “chứng”

PHÙNG THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vừa mới sáng sớm, cu Hiếu đã khóc dở mếu dở hét toáng trong phòng: “Bố mẹ ơi có phải con sắp chết không? Mũi con cứ chảy máu mãi không dừng”. Chị Thảo đang ở ngoài bếp bận rộn chuẩn bị bữa sáng cho kịp giờ đi học, đi làm, thấy vậy liền chạy vội vào. Nhìn con trai mặt mũi lem nhem vết máu cũng hoảng hồn, hớt hải gọi chồng, chân tay không hiểu sao cà cuống hết cả.

Hoảng hồn vì con chảy máu cam bất thường

May mà anh Thuận - chồng chị Thảo bình tĩnh chứ không “mất hồn” theo vợ. Anh nhanh chóng đến cạnh cu Hiếu, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi, dặn con trai thở bằng miệng; đồng thời hướng dẫn con ngồi thẳng lưng, đầu hơi cúi về phía trước. Được khoảng hơn 10 phút, có lẽ áp lực máu trong tĩnh mạch ở vùng mũi giảm xuống, máu cam cũng không chảy ra thêm, chị Thảo và bé Hiếu mới hoàn hồn. Nhưng dù vậy chị Thảo vẫn không chút yên tâm, chỉ sợ con mắc bệnh gì nghiêm trọng nên vội vàng đưa đi bệnh viện. 

Chồng chị đứng trong phòng ra sức động viên: “Thằng Hiếu nó khỏe mạnh thế chắc không sao đâu, em bình tĩnh cho con ăn sáng, nghỉ ngơi lấy lại sức rồi hãy vào viện. Bệnh chảy máu cam này anh đoán là do cậu quý tử của em suốt ngày ngoáy mũi, kết hợp với mấy ngày nay thời tiết khó chịu, lúc khô hanh, lúc nồm ẩm, khi hưng hửng ấm rồi lại se se lạnh, tĩnh mạch tổn thương mới gây chảy máu. Phòng anh có chị hơn bốn mươi tuổi vẫn bị chứ nói gì trẻ con”. Nhưng anh Thuận có nói kiểu gì chị Thảo cũng không nghe, nằng nặc lôi con trai đang nước mắt ngắn dài đi khám cho ra bệnh.

Thời tiết trở trời, người trở “chứng” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vào bệnh viện thì thôi rồi là đông. Vừa dắt con đi tới quầy đăng ký khám mũi họng, chị Thảo vừa lẩm bẩm: “Không hiểu thời tiết kiểu gì mà sao lắm người ốm thế? La liệt người lớn, trẻ con đi khám, cả bệnh viện nhìn góc nào cũng thấy người lờ đờ, gật gù, không thì cũng ho rũ rượi. Đến sợ”. Đã thế, bà cô ngồi cạnh chị Thảo chẳng biết người ở đâu nhưng đến mau miệng, không quen biết gì cũng với sang hỏi chuyện như thân thiết lắm: “Chị đưa con trai đi khám à? Cháu bị làm sao? Đúng là tháng 2 dư, chả ra làm sao chị nhỉ, thời tiết đỏng đà đỏng đảnh, người ốm nhiều hơn người khỏe. 

Tôi vừa đọc báo, thấy ở Bệnh viện Nhi Trung ương có khoa Miễn dịch - Dị ứng, mỗi ngày tiếp khoảng 60-80 bệnh nhi, có hôm cả 100 người, toàn là trẻ em bị ho, thở khò khè, thở rít, hen phế quản, đều phải nhập viện điều trị. Có mấy cháu còn phải cấp cứu, cho thở oxy, dùng thuốc giãn phế quản vì hen mức độ nặng. Toàn những bệnh từ thời tiết mà ra”.

Nghe người bên cạnh kể thế, tự dưng chị Thảo thấy hồi hộp, còn chưa biết con trai bị bệnh gì đã nơm nớp nỗi lo thằng bé vào viện khám rồi lây nhiễm chéo, đang yên đang lành rước thêm bệnh vào người. Đến tận lúc được vào gặp bác sĩ, khám xong, nghe kết luận bé Hiếu sức khỏe bình thường, không có vấn đề gì đáng lo ngại, chị Thảo mới thở phào nhẹ nhõm. Chị nhắn tin khoe với chồng, còn khen anh “trông lơ ngơ thế mà giỏi phết, đoán đúng tình trạng sức khỏe của con trai”, nhưng cũng dặn chồng để ý con hơn vì bác sĩ nói thời tiết này trẻ dễ ốm lắm, nhất là dịp này virus cúm, trong đó có cả Covid-19 có dấu hiệu lây lan, bùng phát. Nhắn tin xong, chị Thảo yên tâm đưa con trai tới trường, còn mình đến cơ quan làm việc.

Thời tiết trở trời, người trở “chứng” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Người người lo “bệnh” vì thời tiết chuyển mùa

Phòng chị Thảo làm việc có 5 người bao gồm cả chị. Biết tin sáng sớm chị đã đưa con đi khám, ai nấy xúm vào hỏi han rồi tranh thủ kể lể chuyện nhà mình. Hóa ra, thời tiết dở dở ương ương mấy ngày này không chỉ khiến bệnh đường hô hấp phát triển mà còn kéo theo đủ thứ bệnh khác nhau ở cả người lớn, trẻ nhỏ. 

Một đồng nghiệp nữ hơn chị Thảo mấy tuổi “mở màn” bằng câu chuyện con gái lớn đang học năm thứ 2 đại học, hôm kia đi học về thấy mặt mũi đỏ ửng hết cả. Chị tưởng con gái uống bia, rượu, chưa kịp cất lời mắng thì cô bé phụng phịu chạy đến bảo mẹ đưa con đi khám đi, mặt con tự nhiên bị thế này, vừa phải đeo khẩu trang khó thở, vừa bị tụi bạn cùng lớp trêu cười. Kết quả hôm sau chồng chị ấy phải đưa con gái tới bệnh viện da liễu kiểm tra rồi vác về một đống thuốc. Bác sĩ kết luận con gái chị bị dị ứng do thời tiết.

“Chồng chị đưa con đi khám về, còn bảo may mà con bé bị nhẹ, chứ có mấy bệnh nhân chắc chỉ đang là học sinh cấp 3, người thì bị phù nề, nổi mề đay dày cộm khắp chân tay; người thì chàm bội nhiễm, dị ứng, nổi mẩn đỏ còn thêm mụn nước li ti, chảy dịch vàng… nhìn vừa thương, vừa sợ. Bác sĩ bảo là do thời tiết giao mùa, nhiệt độ nóng - lạnh rồi độ ẩm thay đổi nên các dị nguyên như bọ nhà, nấm mốc phát triển, còn cả phấn hoa trong không khí phát tán gây dị ứng da. Tùy cơ địa mà mức độ ảnh hưởng khác nhau” - đồng nghiệp của chị Thảo vừa kể vừa khuyên mọi người chú ý vệ sinh nhà cửa trong dịp này, đừng để ẩm mốc phát triển kẻo sinh bệnh.

Thời tiết trở trời, người trở “chứng” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nói tới dị ứng, một nam đồng nghiệp của chị Thảo nhanh nhảu tiếp lời bằng câu chuyện anh họ mình ở tận Hải Dương, vừa phải lên Bệnh viện Bạch Mai khám do suy tuyến thượng thận. Nguyên nhân ban đầu cũng chỉ vì anh này hay bị dị ứng, viêm xoang mỗi khi thời tiết giao mùa, nhất là lúc nồm ẩm ở miền Bắc; mắc bệnh nhưng không tới bệnh viện khám, lại đến nhà thầy lang tiêm thuốc dị ứng mà không biết là thuốc gì, còn mua thuốc có corticoid về xịt mũi họng. Đến khi thấy mặt và chân sưng vù, người anh họ kia mới đi khám và được kết luận suy tuyến thượng thận vì lạm dụng corticoid. 

“Thế mới thấy mỗi năm mấy lần giao mùa cũng đủ làm cho sức khỏe lao đao. Đừng tưởng chỉ dị ứng, sụt sịt mũi họng mà chủ quan, từ đấy kéo theo khối thứ bệnh. Em xem dự báo thời tiết rồi, mấy hôm nữa Đông Bắc Bộ bước vào đợt mưa phùn, nồm ẩm kéo dài như hôm nay. Sáng sớm kéo rèm, em nhìn ngoài trời trắng phớ mà thấy ngán, vừa ẩm khó chịu, lại ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nghĩ… thở thôi cũng khó khăn. Mà đấy, sau nồm ẩm các chị chuẩn bị lại đón đợt rét nữa, không biết đã “nàng bân” chưa, chỉ thấy “nàng bệnh” đổ về ào ạt. Đi cùng với nàng bệnh là cái nàng cúm mùa, bệnh truyền nhiễm, còn cả “con” Covid-19 nghe đâu đang rầm rộ kéo về… Không thể đùa được đâu các chị ạ” - cậu đồng nghiệp phân tích.

Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của cậu đồng nghiệp, chị Thảo và mấy chị em cùng phòng phá lên cười vì “nghe chú miêu tả giống như thời tiết đang kéo theo cơn lốc dịch bệnh”. Cười thì cười nhưng tất cả mấy chị em trong phòng, ai nấy nhắc nhở nhau phải lưu ý chế độ ăn uống, sinh hoạt để cùng gia đình khỏe mạnh, an toàn vượt qua những ngày thời tiết ẩm ương này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.