Thu hẹp hơn nữa khoảng cách giới để đưa đất nước phát triển bền vững (PS)

Chia sẻ

Đó là mục tiêu tổng quát của “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030”. Từ các kết quả đạt được của Chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ đầu tư vào thay đổi chuẩn mực xã hội về giới, thúc đẩy bình đẳng giới một cách bền vững.

Ngày 12/8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp Cơ quan LHQ về bình đẳng giới (BĐG) và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 và triển khai Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030.

10 năm nỗ lực cho tiến trình BĐG

Việt Nam đã đạt được những thay đổi nổi bật về BĐG trong giai đoạn thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020. Giai đoạn này đã đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động thúc đẩy BĐG của quốc gia trong các giai đoạn tiếp theo.

Trong 10 năm qua, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật chính sách theo hướng BĐG thông qua những nỗ lực lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực chủ chốt. Nội dung BĐG đã được lồng ghép trong một số chiến lược, chương trình, chính sách ở các lĩnh vực khác nhau. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác BĐG được đào tạo và có kinh nghiệm, tạo thành một hệ thống ngành dọc thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động thúc đẩy BĐG trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, bất BĐG vẫn còn tồn tại trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội của Việt Nam. Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2019, thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp 2,1 lần so với nam giới. Cụ thể, hàng tuần phụ nữ dành gần 39 giờ trong một tuần cho lao động sản xuất và 18,9 giờ cho việc nhà, trong khi đó nam giới dành 40 giờ cho lao động sản xuất và chỉ 8,9 giờ làm việc nhà.

Cả xã hội cần chung tay giảm thiểu bất bình đẳng giới, nhất là phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái (Ảnh: Quỳnh Anh)Cả xã hội cần chung tay giảm thiểu bất bình đẳng giới, nhất là phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái (Ảnh: Quỳnh Anh)

Trong giai đoạn 2011-2019, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ đã giảm: Bạo lực thể xác giảm từ 31,5% (năm 2010) xuống 26,1% (năm 2019); bạo lực tinh thần giảm từ 53,6% (năm 2010) xuống 47,0% (năm 2019). Tuy nhiên, bạo lực tình dục lại có xu hướng tăng lên.

Đáng chú ý, rà soát thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 cho thấy có tới 90,4% phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ của các cơ quan cung cấp dịch vụ nhà nước. Chưa đầy 1% phụ nữ báo cáo đã từng tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà tạm lánh.

Từ đó, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ ban hành để giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức trên cơ sở kết thừa từ giai đoạn trước.

Lồng ghép giới trong các mục tiêu quốc gia

Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 đã đặt mục tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Ngoài ra, chiến lược giai đoạn mới cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030.

Để cải thiện thực trạng bạo lực với phụ nữ, Chiến lược giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.

Chiến lược 2021-2030 sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về năng lực lãnh đạo của phụ nữ. Ảnh: Một buổi phổ biến kiến thức của bộ đội biên phòng cho các nữ Đảng viên tại huyện Thanh Luông, tỉnh Điện Biên. Ảnh Quỳnh AnhChiến lược 2021-2030 sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức về năng lực lãnh đạo của phụ nữ. Ảnh: Một buổi phổ biến kiến thức của bộ đội biên phòng cho các nữ Đảng viên tại huyện Thanh Luông, tỉnh Điện Biên. Ảnh Quỳnh Anh

Bên cạnh một số chỉ tiêu cần tiếp tục duy trì kết quả của giai đoạn trước, Chiến lược giai đoạn 2021-2030 còn bao gồm các chỉ tiêu mới như: Tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục...

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: “Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai chiến lược, chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”

“Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện BĐG ở Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia BĐG trong giai đoạn tới,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Là cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhận định: “Việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho bình đẳng giới, đặc biệt từ nguồn chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các mục tiêu của chiến lược là rất cần thiết. Để làm được điều này, cần phải đảm bảo các mục tiêu được lồng ghép một cách nghiêm túc trong các kế hoạch của ngành và địa phương cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia.”

“Việt Nam cũng cần đầu tư có mục tiêu vào thay đổi chuẩn mực xã hội theo hướng thúc đẩy BĐG. Đây là điều cốt lõi để thúc đẩy BĐG mà rất nhiều quốc gia đã phải trải qua và cũng chính là mục tiêu đầu tiên của Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030,” bà Elisa Fernandez Saenz nói.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.