Thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp

HOÀNG ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp do các cấp Hội Phụ nữ triển khai thời gian qua, không chỉ giúp ổn định cuộc sống của phụ nữ mà còn cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đạt hiệu quả

Mạnh dạn, tự tin “dám nghĩ dám làm” là những bí quyết đã giúp chị Mai Thị Hằng, sinh năm 1976, hội viên phụ nữ chi hội tổ dân phố 19, phường Đức Giang, quận Long Biên thành công trong phát triển mô hình kinh tế. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị đã mở xưởng gia công sản xuất sắt thép, mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên để tăng thu nhập nhiều hơn nữa thì việc mở rộng sản xuất là điều chị Hằng luôn đau đáu tìm tòi học hỏi và thử nhiều giải pháp để phát triển sản xuất. 

Theo đó, năm 2013 chị bàn với chồng và quyết định “đầu tư” mở xưởng sản xuất, gia công thiết bị, dụng cụ gia đình, văn phòng, trường học bao gồm: Bàn ghế, khung cửa sắt các loại, đệm ghế bọc vải/da nhiều kích cỡ khác nhau. Bằng sự cần cù, sáng tạo của mình, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã, chủng loại, giá thành hợp lý, xưởng của chị đã ký hợp đồng với hàng chục cơ sở kinh doanh buôn bán trên thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Các sản phẩm bàn ghế văn phòng do chị sản xuất đã xuất sang Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản… Hiện cơ sở sản xuất của chị Hằng có khoảng 35 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Nhiều lao động là con em hội viên phụ nữ. 

Thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp - ảnh 1
Các đại biểu chúc mừng chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, phường Bồ Đề, quận Long Biên khởi nghiệp bằng việc kinh doanh các loại gạo Ảnh: HPN

Còn tại huyện Sóc Sơn, chị em hội viên phụ nữ vẫn chủ yếu phát triển kinh tế nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Để bắt kịp xu hướng sản xuất trong tình hình mới, Hội PN đã tập trung mũi nhọn vào hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể do nữ làm chủ.

Chị Phạm Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn cho biết: Hội PN đã tín chấp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hơn 237 tỷ đồng, cho hơn 6.700 lượt hội viên, phụ nữ vay vốn để phát triển sản xuất; tổ chức tập huấn kiến thức, khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sạch, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, quy hoạch kinh tế vùng cho hàng nghìn lượt hội viên... 

Với các biện pháp này, thời gian qua, Huyện Hội đã triển khai và duy trì có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch như: Rau hữu cơ xã Thanh Xuân, mô hình trồng dưa lê, dưa bở xã Quang Tiến, mô hình HTX rau an toàn, dưa lê siêu ngọt xã Đông Xuân, HTX sản xuất nấm sạch Trái Tim Hồng, HTX sản xuất trà dược liệu Tâm Ngọc, mô hình thanh long đỏ xã Minh Phú, chè sạch Bắc Sơn, gạo nếp cái hoa vàng xã Phú Minh, đu đủ sạch, chuối tiêu hồng, chăn nuôi gà đồi xã Nam Sơn…

Hiện nay có 90 hội viên phụ nữ đang tích cực tham gia sản xuất trong 5 HTX rau hữu cơ Thanh Xuân với 16 nhóm sản xuất; 110 cán bộ hội viên phụ nữ xã Tân Dân tham gia vào nhóm quản lý, và trực tiếp tham gia sản xuất rau sạch được cấp tiêu chuẩn VietGap…

Thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp - ảnh 2
HTX Tâm An, Thường Tín đã sản xuất nhiều sản phẩm từ cây dược liệu Ảnh: TT

Phát huy nội lực của phụ nữ 

Là một trong 10 gương mặt Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2021, chị Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Hợp tác xã Tâm An, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín đã khởi nghiệp thành công nhờ vào phát triển trồng cây dược liệu. Xuất phát từ niềm đam mê với cây dược liệu và mong muốn được làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2017 chị Thu mạnh dạn thành lập HTX Tâm An.

HTX đã đầu tư xây dựng khu chế biến, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Bằng sự sáng tạo trong sản xuất, chị Thu tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra nguyên liệu phân bón trong trồng trọt, giảm tỷ lệ rác thải ra môi trường. Vượt qua khó khăn, thách thức và nhờ sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể trong đó có tổ chức Hội, sau một thời gian khởi nghiệp, chị đã xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu sạch, rau hữu cơ hiệu quả kinh tế cao.

Hiện HTX đã sản xuất nhiều sản phẩm từ cây dược liệu và được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Năm 2019 đã có nhiều sản phẩm của HTX đã được chứng nhận OCOP đạt 4 sao như: Trà cà gai leo, bột rau củ sấy lạnh Giho...  Không những vậy, HTX ra đời do chị làm chủ đã tạo việc làm cho nhiều lao động là phụ nữ khó khăn trên địa bàn. 

Khi còn đang trăn trở không biết tìm đồng vốn nào để giúp mình có thể phát triển kinh tế gia đình thì may mắn chị Nguyễn Thị Thanh Xuân là hội viên phụ nữ thôn Cao Cương, xã Đồng Quang, huyện Ba Vì được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, với tổng nguồn vay ưu đãi là 70 triệu đồng (gồm 50 triệu vốn vay giải quyết việc làm và 20 triệu đồng nước sạch vệ sinh môi trường), chị Xuân mạnh dạn đầu tư mua xe ôtô chở vật liệu xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng. Cứ thế, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cộng với số tiền dành dụm và vay thêm của người thân bạn bè, chị đã xây dựng được nhà máy sản xuất gạch không nung.

Mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu nhập hàng tỷ đồng. Cơ sở của gia đình chị cũng đã tạo việc làm cho hơn 100 con em hội viên phụ nữ trong thôn có việc làm ổn định bình quân từ 8-15 triệu đồng.

Chị Xuân cho biết: Nhờ có nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Hội PN hỗ trợ kịp thời đã giúp chị có thêm nguồn lực để mở rộng kinh doanh, cung cấp cho khách hàng sản phẩm, hàng hóa thiết yếu, an toàn có chất lượng tốt và giá cạnh tranh.

Thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp - ảnh 3
Các thành viên HTX Trái Tim Hồng huyện Sóc Sơn còn tham gia tạo ra những sản phẩm gối từ hạt gỗ hương Ảnh: HPN

Còn tại quận Long Biên, việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp đã luôn được các cấp Hội Phụ nữ chú trọng.

Chị Trần Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết: Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, năm 2022, Hội PN đã hỗ trợ các gia đình chị Đặng Thị Phương, Chi hội phụ nữ tổ dân phố 18 với ý tưởng khởi nghiệp để mở cửa hàng kinh doanh đồ ăn ngon cho mọi nhà; gia đình chị Lê Thị Phương Mai, hội viên phụ nữ tổ dân phố số 7 ý tưởng kinh doanh bán lẻ văn phòng phẩm; gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, hội viên phụ nữ tổ dân phố số 24 với ý tưởng kinh doanh mở cửa hàng bán các loại gạo…

Các chị được Hội PN giúp vay vốn từ nguồn tiết kiệm tại chỗ của Hội và tiếp cận nguồn vốn vay Hỗ trợ giải quyết việc làm từ ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn của Hội.

Đồng thời, được Hội PN đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh; giới thiệu khách hàng thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt hội viên, thông tin trên các trang Zalo, Facebook của Hội PN phường và của chi hội... 

Có thể khẳng định, thời gian qua, thông qua hoạt động tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp của các cấp Hội Phụ nữ triển khai đã có hàng nghìn hội viên phụ nữ mạnh dạn vượt khó vươn lên, tự tin phát triển kinh tế, kinh doanh khởi nghiệp thành công, làm giàu cho gia đình và xã hội. 

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.