Thuốc, thực phẩm chức năng có ích cho dự phòng, điều trị Covid-19 tại nhà

Chia sẻ

Trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, việc chuẩn bị và sử dụng đúng cách các loại thực phẩm chức năng, thuốc điều trị rất quan trọng.

Sản phẩm tăng cường sức đề kháng

Một viên multivitamin mỗi ngày là đủ, các bạn có thể chọn loại bất kỳ phù hợp với nhu cầu của mình. Việc bổ sung nhiều vitamin C, D hoặc kẽm (Zn) được cho là rất tốt tuy nhiên cần thêm nhiều bằng chứng để chứng minh điều này. Hiện có khá nhiều bài thuốc có thành phần là thảo dược được quảng cáo là có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, tuy nhiên, các bạn cần thận trọng tìm hiểu thông tin kỹ càng.

Bảo vệ vòng ngoài

Niêm mạc đường hô hấp là nơi đầu tiên virus xâm nhập. Sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc họng 3-4 lần mỗi ngày là biện pháp cần thiết. Các loại thực phẩm chức năng, thảo dược giúp hỗ trợ hô hấp cũng là lựa chọn đáng cân nhắc. Các dung dịch súc họng chứa một trong 2 hoạt chất povidone iodine nồng độ khoảng 1% hoặc chlorhexidin nồng độ 0,05-0,2% cũng có tác dụng tiêu diệt phần lớn các loại virus thông thường nếu chúng ta súc họng đủ lâu, đúng cách.

Các thuốc kháng virus

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế cập nhật ngày 12/12/2021, trong số các thuốc có tác dụng kháng virus SARS-CoV-2, chỉ Favipiravir hàm lượng 200/400mg là được phép sử dụng đường uống với liều lượng do bác sĩ chỉ định (mỗi ngày 2 lần). Thuốc Remdesivir chỉ được sử dụng tại cơ sở y tế và tùy thuộc giai đoạn của bệnh. Molnupiravir hiện vẫn đang thử nghiệm và phải tuân thủ kỹ càng, không phải ai cũng có thể dùng, việc mua bán molnupiravir vẫn chưa được phép. Ngoài ra, Paxlovid của Pfizer được hy vọng cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Điều trị triệu chứng

Một trong những vấn đề hay gặp nhất của nhiễm Covid-19 là các triệu chứng thông thường, có triệu chứng nào thì chúng ta điều trị triệu chứng đó.

Sốt, mất nước/điện giải: Hạ sốt bằng các phương pháp dân gian, dùng thuốc Paracetamol hoặc Ibuprofen; bù điện giải bằng uống nước dừa, nước cam, Oresol hay các dung dịch bù điện giải khác.

Đi ngoài, tiêu chảy: Dùng các loại lá cây, thảo dược cầm đi ngoài, sử dụng berberin là thuốc tác dụng tốt, dễ kiếm, rẻ tiền.

Ho, khó thở: Dùng các thuốc giảm ho, bổ phế, thuốc làm loãng đờm (acetyl cystein, bromhexin), thuốc chống dị ứng, các thuốc làm giãn phế quản (salbutamol)...

Dị ứng, mẩn ngứa: Dùng các loại cây cỏ có tính mát, chống dị ứng hoặc các loại thuốc kháng histamin chống dị ứng thông dụng như chlorpheniramin, loratadine, certirizine...

Căng thẳng, stress, mất ngủ: Nên dùng các loại thảo dược có tính an thần nhẹ như củ bình vôi, cây nữ lang, lạc tiên, vông nem, tâm sen... Nếu quá căng thẳng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thì có thể cần đi khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tâm thần.

Viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản: Là tình trạng cũng khá hay gặp, phần nhiều do căng thẳng và sử dụng quá nhiều loại thuốc. Cần tập thể dục, thư giãn, dùng các thuốc trung hòa acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, chống co thắt... Các thuốc này thường phải được bác sĩ kê đơn.

Dự phòng và điều trị biến chứng

Dự phòng và chống đông máu: Các loại thảo dược như rutin (có trong hoa hòe) ginkgo biloba (lá bạch quả), nattokinase (đậu nành lên men) có tác dụng khá tốt trong việc làm bền vững và duy trì sự đàn hồi của thành mạch.

Các thuốc ngừa đông máu thông dụng như aspirin hàm lượng thấp, clopidogel (chống kết tập tiểu cầu) hay ức chế yếu tố X hoạt hóa (apixaban, rivaroxaban), heparin phân tử lượng thấp (enoxaparin) có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng của Covid. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chống viêm (kèm theo bảo vệ dạ dày): Dexamethason hoặc Medrol là hai loại kháng viêm đường uống hay được dùng. Với nhóm thuốc này, nếu dùng sớm quá lại gây hại nhiều, khiến bệnh nhân nhân chóng rơi vào tình trạng nặng nề hơn. Thông thường, khi chỉ số SpO2 giảm thì mới bắt đầu tính đến việc sử dụng nhóm thuốc corticoids này.

Chống bội nhiễm vi khuẩn/nấm: Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại kháng sinh phù hợp khi cơ thể bị bội nhiễm. Các loại kháng sinh đường uống thông dụng là amoxicillin/clavulanic, azithromycin, ceforuxim, levofloxacin...

BS Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.