Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp

Bài và ảnh: MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN các cấp, không chỉ tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Công nghệ sẽ cho nghề truyền thống cơ hội mới

Sản phẩm giò chả Ước Lễ của Doanh nhân Nguyễn Thị Loan - Giám đốc HTX giò chả Ước Lễ là một trong nhiều sản phẩm từ làng nghề truyền thống được trưng bày, giới thiệu và quảng bá đến người dân tại chương trình Tuần lễ vàng – An toàn đón Tết do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cùng một số đơn vị, nhà tài trợ phối hợp tổ chức. Gia đình chị Loan, người xã Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) nhiều đời làm giò chả, là một trong 20 gia đình thuộc Hợp tác xã giò chả Ước Lễ sản phẩm của họ đã được định vị trong lòng nhiều người.

Tuy nhiên, tại chương trình, sau khi được nghe giới thiệu về doanh nghiệp này, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Viễn thông FPT bày tỏ rằng, chị Loan vốn có thể đạt được nhiều hơn thế, nếu biết sử dụng công nghệ số đúng cách. “Tôi đã ngay lập tức mở điện thoại và tìm kiếm doanh nghiệp của chị Loan. Từ đó, tôi thấy, TikTok và Facebook của doanh nghiệp không có gì mới trong 6 tháng gần đây. Đó là điều đáng tiếc bởi đây là những thị trường số tiềm năng có thể giúp các chị bán được hàng, quảng bá được sản phẩm rất nhanh chóng”.

Sau gần 10 năm gắn bó với nghề, những sản phẩm gốm sứ của nghệ nhân trẻ làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Vũ Như Quỳnh đã dần dần khẳng định được dấu ấn trên bản đồ gốm Việt. Nữ nghệ nhân này thừa nhận rằng, thiếu kiến thức về công nghệ là một rào cản lớn trong khởi nghiệp bằng nghề truyền thống, nhất là với phụ nữ.

Chị Quỳnh cho hay, dù có được thuận lợi lớn là được đào tạo bài bản, tiếp xúc từ sớm và được kế thừa truyền thống sản xuất gốm lâu đời từ gia đình, nhưng, khởi nghiệp trong dòng chảy như vũ bão của thời đại số, nơi công nghệ sẽ làm chủ nhiều thứ, chị cũng gặp phải những khó khăn nhất định. “Đầu tiên là phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại với chi phí không hề nhỏ. Máy móc hiện đại sẽ phục vụ chúng ta và góp phần cho ra những sản phẩm tinh xảo. Ngoài ra, tôi chưa có nhiều cơ hội tham gia các hội chợ, chương trình tầm cỡ quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, thợ giỏi hàng đầu để vừa quảng bá sản phẩm, vừa học hỏi kỹ thuật mới”.

Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp - ảnh 1
Các diễn giả Hoàng Nam Tiến và Joanna Hạnh Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm khi phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số

Cũng theo ông Hoàng Nam Tiến, công nghệ sẽ mang đến cho những ngành nghề truyền thống cơ hội hoàn toàn mới. “Tôi nghĩ phụ nữ làm gì cũng giỏi và dấn thân vào công nghệ chỉ là chuyện sớm hay muộn thôi, chứ đó là điều tất yếu phụ nữ sẽ làm cho doanh nghiệp, sản phẩm của họ.

Đồng tình với ông Tiến, bà Joanna Hạnh Nguyễn, diễn giả truyền động lực, Chủ tịch sáng lập Hworrd CEO, Học viện Inspiring Edu cho rằng, phụ nữ khởi nghiệp phải luôn học hỏi để làm mới chính mình. “Kinh tế số phát triển nhanh chóng và mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp cần nắm bắt những cơ hội này để tìm hướng đi phù hợp cho mình. Hiện nay, phụ nữ khởi nghiệp có thể hướng đến những ứng dụng kinh tế số như Truyền thông, marketing và bán hàng qua mạng xã hội; bán hàng qua sàn thương mại điện tử; bán hàng qua website của doanh nghiệp…

Ngoài ra, chị em có thể quảng cáo qua công cụ tìm kiếm google để marketing và bán hàng trực tuyến. Thậm chí, chính chị em có thể tạo ra, cung cấp các sản phẩm số cho khách hàng, sáng tạo các phần mềm ứng dụng trong bán hàng, quản lý khách hàng, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng, cho đến lĩnh vực nội dung số”, bà Hạnh gợi ý.

Hội Phụ nữ: Điểm tựa nâng đỡ cho phụ nữ khởi nghiệp

Nâng cao quyền năng kinh tế giúp phụ nữ tự tin hơn, tự chủ hơn trong lao động, sáng tạo hơn trong lao động, trong khởi nghiệp và phát triển kinh tế. Theo TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, “trên thực tế, không thể có bình đẳng, phát triển nếu không có cơm ăn, áo mặc. Vì vậy, trong nhiều hình thức nâng cao quyền năng, nâng cao quyền năng kinh tế là giải pháp căn cơ và hữu hiệu nhất. Bên cạnh đó, nâng cao quyền năng kinh tế khi kết hợp với nâng cao giáo dục, tăng cường kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ thì hiệu quả còn lớn hơn gấp nhiều lần. Có câu nói: Giáo dục một người đàn ông chỉ được một người đàn ông, giáo dục một người phụ nữ được cả một gia đình, một xã hội. Khi người phụ nữ được nâng cao về giáo dục, con cái, gia đình, xã hội được hưởng lợi từ họ”.

Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp - ảnh 2
Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, sức sáng tạo 

Hỗ trợ  phụ nữ đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh doanh và khởi nghiệp luôn được Hội LHPN thành phố Hà Nội chú trọng. Ngày 18/4/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1901/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp do Hội LHPN Hà Nội chủ trì thực hiện. Hơn 4 năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tiếp và trực tuyến.

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phụ nữ phát triển Hà Nội Nguyễn Thị Hảo, một trong những phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Trung tâm là tham mưu tổ chức các hoạt động thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, bắt đầu bằng việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp năm 2023. Kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu của phụ nữ và xu thế phát triển; quan tâm gắn khởi nghiệp với đổi mới, sáng tạo, nâng cao khả năng ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật. 

Theo đó, kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu: Hỗ trợ 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ thành  lập 3 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý điều hành; nâng cao năng lực cho 1.000 lượt cán bộ Hội Phụ nữ các cấp của Thành phố về các chủ trương, chính sách mới về hỗ trợ doanh nghiệp, kỹ năng tư vấn cho nữ doanh nhân; 2.700 phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và phụ nữ mới khởi nghiệp được nâng cao kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ hoàn thiện dự án, ý tưởng sản xuất kinh doanh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.