Tình già

Nguyễn Lan Quy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chị Năm Huệ ngồi lẩm bẩm tính toán một mình. Tiền thuê dịch vụ đám cưới, tiền lo hai mươi mâm cỗ, tiền mua vòng vàng, nhẫn cho con dâu. Xém xém cũng hơn trăm triệu. Ừa! Mà còn nữa, tiền thuê xe đưa đón dâu cho nhà trai, nhà gái, tiền chụp hình, cũng gần hai chục triệu nữa.

Đó! Lại còn dụ ông chồng hờ, biết đem gửi ổng đi đâu bây giờ? Chiều bà chị chồng qua chơi, đôi mắt đảo ngược đảo xuôi, hai cái môi đưa qua đưa lại, hỏi han đám cưới lo đến đâu, rồi nhắc khéo chị:

- Vài bữa nữa cưới thằng Hai, mợ nói Sáu Bền thu xếp tạm lánh vài hôm. Chứ nó luẩn quẩn trong nhà khó coi nhen!

Bà trách chị, chồng chết chưa được bao lâu, con thì trai gái một bầy bốn đứa, ở vậy đặng lo cho tụi nó chu toàn không muốn, bày đặt vác cái của nợ đó về cho tụi nó buồn. Năm Huệ nghe bà chị chồng rên rẩm, mà hông mở miệng nổi câu nào. Bà có mắc vô hoàn cảnh như chị đâu mà biết. Con người ta có số có phần cả đó. 

Năm Huệ với ba sắp nhỏ không có phước ăn đời ở kiếp với nhau chứ bộ. Làm vợ chồng từ hồi mười chín, đôi mươi, khổ sướng, vui buồn cùng nhau, tới lúc kinh tế khá giả có của ăn của để thì lăn đùng ra chết. Mà chết vì tai nạn giao thông mới hận. Chồng chị có bao giờ chạy xe ẩu đâu mà cũng chết, bỏ lại cho chị bốn đứa trứng gà trứng vịt. Thoáng cái đã sáu năm, cũng may tụi nó cũng qua thời ẵm bồng, cứ như tre ấm bụi, bảo ban nhau mà lớn.

Thằng Hai học Cao đẳng Nông Lâm ra trường rồi đi làm, con Ba lấy chồng xa, thằng Tư đi nghĩa vụ rồi ở lại luôn lái xe trong đó, con Tư học Sư phạm mầm non, rồi dạy trên miền núi. Một mình chị nhà cửa vắng hoe, cơm nấu một bữa ăn cả ngày, cũng chỉ nghĩ thương hai con chó mà nấu. Chứ mình chị chẳng thiết tha gì ăn uống.

Năm nay đã bốn tám mùa lá vàng rơi. Trẻ chưa qua, già chưa tới, chị Năm Huệ đang độ hồi xuân, người cứ phơi phới nõn nà, chiều nào cũng áo váy theo mấy bà, mấy chị hội họp ca múa, chơi cầu lông, bóng chuyền. Rồi chị gặp Sáu Bền, một nông dân hiền khô, bị vợ con ruồng rẫy tự năm nào không biết.

Chả thích chị mà không dám nói, chỉ lân la làm quen, lâu lâu tới nhà sửa dùm cái bóng đèn hư, đốn giúp cái cây trong vườn bị gió bẻ gãy. Rồi chị chủ động mở lời, mở lòng đón chả về nhà ở cùng cho đỡ cô đơn. Từ ngày có nhau kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng" với chả, chị thấy yêu đời, đỡ cực khổ hơn.

Sáu Bền chăm sóc, gánh vác việc nhà, việc đồng. Đêm có người đàn ông cho chị đầu gối tay ấp, làm nũng. Ngày, có kẻ lo cho mấy chuyện nặng nhọc, như bửa củi, xếp gỗ, đóng lại chuồng gà, sửa sang cái chuồng heo.

Buổi sáng có người chở chị ra quán cafe đầu xóm nhâm nhi tâm sự. Nghe thằng Hai đòi cưới vợ, cả tháng nay chả chụm đầu bàn bạc công chuyện với chị. Lo đôn đáo chuyện đặt tiệc đặt bàn.

Tình già - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Chiều muộn, Sáu Bền mang rựa, cuốc lo dọn dẹp cái ngõ cho Năm Huệ. Cổng ngõ cần phải gọn gàng sạch sẽ để còn đón khách chứ, mai kia đám cưới rồi. Nhà có đàn ông phải khác, không thiên hạ họ cười. Chặp thì mệt tính vô nhà uống miếng nước, tranh thủ nựng Năm Huệ một cái, thì nghe bà chị chồng Huệ càm ràm nói vụ mình nên thôi.

Sáu Bền buồn, nước mắt muốn chảy nhưng thôi đành chịu, chứ biết sao giờ. Dù sao với họ anh cũng chỉ là người ngoài. Tình cảm cá nhân thì cũng chỉ anh với cổ thôi. Ở đây, anh là kẻ không được đón chào. Bữa cơm Năm Huệ dọn ra, hai người ngồi ăn cơm mà ai cũng thấy rầu lòng. Sáu Bền mở lời:

- Mình đừng lo, khi nào đám cưới tui tạm lánh đi vài bữa. Xong xuôi tui lại dìa, em đừng lo chi cho mệt. Từ khi gá nghĩa với em tui cũng đã lường trước được chuyện này rồi!

Năm Huệ nhìn Sáu Bền đầy thương cảm. Chị áy náy, lo lắng không biết gửi ổng đi đâu. Từ lâu rồi vợ con nhà đó coi ổng như người chết chưa chôn. Họ nhìn Sáu Bền với cặp mắt coi thường, khi dễ, vì anh không biết tính toán làm giàu. Làm gì cũng đủ tiền xài trong ngày, đầu óc lúc nào cũng văn thơ chữ nghĩa kiểu hâm dở nửa mùa.

Mấy ông ưa chuyện văn thơ chữ nghĩa khen Sáu Bền, nói ổng có khiếu làm nhà thơ. Cái hồi chán đi làm mướn, ông về phụ vợ bán bún giò. Công việc của ông là nhóm lò, đun nước, lặt rau, rửa chén, bưng bê dọn dẹp. Sáu Bền làm toay toáy. Hết khách, được vợ thưởng cho mấy cục xí quách với xị Đế.

Rượu vào thì Sáu Bền lại có thơ ra, cao hứng gửi cho tờ báo tỉnh, rồi được đăng mấy bài. Vậy là anh phụ quán bún trở thành nhà thơ lúc nào không biết. Từ ngày lũ con lớn có nghề nghiệp ổn định, quán bún bị bà vợ dẹp bỏ, thì nghiễm nhiên Sáu Bền thất nghiệp. Với bà vợ, Sáu Bền là kẻ không đáng ba xu. Có lần đống bản thảo thơ để trên bàn không cánh mà bay.

Sáu Bền hốt hoảng kiếm khắp nơi, cuối cùng phát hiện nó nằm trong nhà xí. Mặt đỏ như con gà cồ, hai chân dậm xuống đất liên tục, mắt trừng trừng nhìn vợ, bàn tay giơ lên cùng tiếng. Bốp! Tiếng tru tréo, tiếng kể lể, tiếng rủa xả, một thứ tạp âm hỗn độn. Năm phút sau, người ta thấy Sáu Bền dắt xe ra khỏi nhà, thề không bao giờ quay lại. Nhà thơ bất đắc dĩ trở thành kẻ vô gia cư sau khi ly hôn.

Duyên nợ đẩy Sáu Bền đến với Năm Huệ và nghiễm nhiên trở thành cục vàng. Năm Huệ vuốt mái tóc cứng còng của Sáu Bền, an ủi:

- Mình ráng chịu cực hai ngày nhen! Xong cái đám cưới rồi em rước mình về! Thương em thì hiểu cho em nhen!

Sáu Bền cười ngượng ngùng:

- Hông có sao! Là tự tui nhảy vô nhà em đó chớ.

Chiều nay, họ hàng kéo về phụ Năm Huệ chuẩn bị đám cưới. Cô Ba ôm con về sớm, em Tư về tranh thủ mấy hôm. Con gái út mai mới về kịp. Sáu Bền lủi thủi ôm mùng mền, chăn gối ra cái mả vôi sau nhà chừng hai trăm mét. Năm Huệ dúi cho anh cái điện thoại với cục sạc dự phòng. Ông chọn cái mả vôi có mái che đóng vô tạm. Năm Huệ níu lại nói nhỏ:

- Nhớ mắc mùng nhen, không là muỗi nó khiêng đi mất, em khỏi tìm đó!

Chiều nắng nhạt, gió thổi mơn man nên Sáu Bền không thấy nóng, ông đặt hai tay dưới gáy nằm lắng nghe tiếng nhạc giật bùm chát trong đám cưới. Tiếng cười nói ồn ào. Mâm tiệc nào đó chắc của tụi thanh niên, đang gào lên:

- Một, hai, ba, zô!!!

 Sáu Bền bỗng nhiên thèm xị rượu, liền với lấy chai nước lọc, ngửa cổ chiêu một ngụm. Nước lạt nhách, tanh mùi nhựa. Bỗng có tiếng loạt xoạt vẳng tới, Năm Huệ lướt thướt áo dài màu tím. Đặt giỏ đồ ăn xuống, chị ôm lấy đầu anh hôn nhẹ.

- Có đồ ăn nè cưng! Cả bia Sài Gòn Xanh nữa. Anh ơi nghe nè! Tối ngủ nhớ mắc mùng, không sốt xuất huyết đó! Quê mình có dịch rồi!

Sáu Bền mừng rỡ ngồi nhổm dậy. Thì ra bả không quên mình. Ông lật đật giật nắp lon bia.

- Thôi em cứ lo chuyện trong nhà đi, đây người ta lớn rồi tự biết mà! Anh làm vậy là trọn đôi đường! Anh thương em quá! Anh cũng không muốn làm khó cho em!

Năm Huệ lại níu cổ hun chụt một cái. Sáu Bền đẩy ra.

- Thôi mà! Xong việc tha hồ hun! vô đi!

Tình già - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

 Năm Huệ sực nhớ ra vai trò chủ nhà của mình. Ở trong chắc mọi người hông biết chị biến đi đường nào. Tay nhấc tà áo dài quay người vội vã bước vô đám cưới. Vừa vượt qua bãi mì chị giật mình khi có người sau lưng chị. Hú hồn là thằng Hai nguyên bộ comle, cà vạt.

- Trời đất! Con ra đây làm cái gì? Về tiếp khách đi chớ!

Thằng Hai nhìn má nó đăm đăm hỏi khẽ:

- Má vừa đi đâu về đó ?

Năm Huệ giật mình cái đụi, lắp bắp không thành lời:

- À! Má chạy ra ngoài vệ sinh xíu!

Thằng Hai khoác vai má như bè bạn:

- Má ra chỗ chú Sáu hả?

- Ủa, sao con lại… lại? Bộ biết hết rồi hả? Má xin lỗi! Đừng có giận má!

Thằng hai cười mím chi:

- Má có lỗi gì đâu!

Nói rồi nó xăm xăm quay lại phía gò mả.

Chị Năm Huệ quýnh lên chạy theo, níu tay con:

- Thôi! Má xin con! Đừng làm tổn thương tới ổng!

Thằng Hai dừng lại, trầm giọng. Trời ơi! Cái giọng giống y chang như ba nó khi xúc động.

- Ba con đã mất lâu rồi. Tụi con thì ở xa không thể chăm sóc má sớm hôm. Có chú ấy bầu bạn cùng má tụi con mừng nữa. Sao má để chú ấy ra ngoài đó nằm? Tội chết! Má vô lấy cho chú sáu bộ đồ mới, rồi mang ra đây. Để con mời chú vô dự đám cưới.

Nó cười cười:

- Công ổng phát dọn quang quẻ cái ngõ nhà mình, con cũng biết mà, nói ổng vô nhà đừng ở ngoài đó.

-Thôi con! Để hôm khác đi! Hôm nay đông người, má ngại lời ra tiếng vô.

-Má yên tâm! Để con dẹp mấy người đó cho! Không ai có quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của má hết!

Thằng Hai bước nhanh về phía mấy cái mả. Chị đứng ngây người ra một lát rồi quây quả trở vô nhà. Bộ đồ vía của Sáu Bền được cất trong tủ đồ của chị. Tất tả chạy ra chỗ Sáu Bền, tiếng hai người đàn ông cười nói sang sảng.

Khi đám tiệc đang hồi nhộn nhịp thì Sáu Bền ngại ngùng bước vô, thằng Hai khoác tay ổng cười nói. Nó trịnh trọng rót li bia, hai tay đưa mời Sáu Bền. Mấy người ồ lên tranh nhau hỏi:

- Ủa! Sáu Bền đi đâu giờ mới thấy? Lẽ ra ông phải có mặt từ sớm chứ?

Thằng Hai vui mừng bước tới, kéo Sáu Bền vô một mâm còn thiếu người:

- Chú Sáu vô tiếp khách dùm con với!

Cả mấy cánh tay cùng đưa ra, níu anh vào nhập tiệc. Năm Huệ từ góc xa nhìn lại, hai má hây hây như thiếu nữ. Chị rót rượu ra ly cảm ơn khách. Ồn ào tiếng người:

- Chúc mừng hạnh phúc nhen!

Tiếng chúc mừng râm ran không biết chúc cho thằng Hai hay chúc cho chị nữa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

(PNTĐ) - Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, được hội viên phụ nữ và người dân đồng tình hưởng ứng.
Món quà Giáng sinh cho con

Món quà Giáng sinh cho con

(PNTĐ) - Noel đã đến thật gần, nhiều bạn nhỏ thích thú, không bỏ lỡ dịp lễ đặc biệt này để tham gia hoạt động làm bánh mừng Giáng sinh ý nghĩa, đặc biệt khi được tự tay trang trí những chiếc bánh ngọt dưới sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ.
Bà Nhàn “biết tuốt”

Bà Nhàn “biết tuốt”

(PNTĐ) - 23 năm làm cộng tác viên dân số, bà Bùi Thị Nhàn, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ trong Tổ dân phố được đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thêm hiểu biết về Kế hoạch hoá gia đình.
Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

(PNTĐ) - Chị Tạ Thị Năm ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.