Tinh hoa ngàn năm Áo dài Trạch Xá

Chia sẻ

Mang trong mình niềm tự hào có nghề cha ông truyền lại, người dân làng nghề may áo dài thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa nhiều thế hệ dù bôn ba khắp các tỉnh, thành phố hay ở trong lũy tre làng vẫn luôn giữ tay kim thoăn thoắt đưa những đường chỉ tạo nên chiếc áo mềm mại, nhẹ nhàng, đậm văn hóa của Quốc phục Việt Nam.

Ngàn năm tri ân người khởi nghề

Về Trạch Xá trong những ngày cuối năm, những người thợ đang bận rộn với đơn hàng cho kịp giao trước Tết, trong Đền thờ Thánh sư Tổ nghề may áo dài. Ông Tạ Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, thôn Trạch Xá tự hào kể về người khơi nghề: Đó chính là bà Nguyễn Thị Sen, một Thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng vào khoảng thế kỷ thứ X. Bấy giờ, bà có tài cắt may áo dài giỏi nên chuyên lo việc may mặc cho cả triều đình, nhất là các cung tần mỹ nữ, công chúa. Khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời (năm 979), bà đã tâu với Thái hậu Dương Vân Nga cho xuất cung, cùng các con trở về quê – làng Trạch Xá. Từ đây, bà phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm, truyền dạy cho người dân nghề may áo dài.

Biết ơn công lao ấy, sau khi bà mất, dân làng đã tôn là Thánh sư, Tổ nghề may áo dài Trạch Xá. Từ đó đến nay, lớp lớp người dân Trạch Xá đã làm nghề này để mưu sinh và giữ gìn như báu vật. Hằng năm, vào ngày 12 tháng chạp là ngày giỗ của Tổ nghề Nguyễn Thị Sen, người đi làm khắp nơi cũng về làng quần tụ.

Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt giới thiệu mẫu vải thêu tay độc đáoNghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt giới thiệu mẫu vải thêu tay độc đáo

Xưa, vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, sau khi làm Lễ khai kéo ở đền thờ Tổ nghề, những người đàn ông làng Trạch Xá lại khăn gói lên đường đến các thành phố, thị trấn, thị tứ để làm nghề, những người phụ nữ ở nhà cấy trồng, chăm sóc gia đình. Nay, người làng Trạch Xá khắp các tỉnh, thành phố trở về làng vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán để Lễ khai kéo ở Đền Tổ nghề rồi lại đi khắp nơi phát triển nghề.

Theo ông Mạnh, các cụ xưa truyền lại chuyện về người thợ may tài hoa Tạ Văn Khuất, vào khoảng năm 1930 -1940, được vời vào Kinh đô Huế may áo dài cho Nam Phương Hoàng hậu. Cụ tay nải lên đường với hành trang là chiếc thước, vạch và kéo. Khi gặp Hoàng hậu, cụ Khuất không thể dùng thước đo mà chỉ đo từ xa bằng đôi mắt. Bằng trực quan tinh tế của người thợ khéo, cụ Khuất đã ra được số đo khi ngồi cách xa người phụ nữ ấy. Sau đó về phòng, cụ đã nhanh chóng cắt vải và đưa từng đường kim mũi chỉ khâu luôn được bộ áo dài. Chỉ ít ngày sau, Nam Phương Hoàng hậu mặc vừa khít với đường vai suôn mềm mại. Trong buổi triều đình tiếp khách, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp sang trọng của Hoàng hậu được tôn lên rất nhiều. Sau đó, Vua Bảo Đại đã gửi thư khen và tặng quà cho người thợ may Trạch Xá. Cũng nhờ đó mà danh thơm làng nghề may áo dài Trạch Xá thêm vang xa.

Nghìn năm giữ nghề, lưu danh khắp chốn

Nghìn năm giữ nghề là hàng nghìn người Trạch Xá đã lập nghiệp ở khắp các tỉnh, thành phố trên mảnh đất hình chữ S. Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt, Giám đốc HTX làng nghề may áo dài Trạch Xá cho biết, vào ngày giỗ Tổ nghề và Lễ khai kéo, nhiều người làng Trạch Xá đang sống và làm nghề ở các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An… lại trở về. Những người ở phương xa không về được thì nhớ ngày rồi vái vọng.

Chị  Vũ Thị Thu Hằng đang khâu đường tà áo dàiChị Vũ Thị Thu Hằng đang khâu đường tà áo dài

Xưa, các cụ cũng có tục truyền bí quyết nghề cho con trai mà không truyền cho con gái. Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt lý giải, phần vì đi xa lại đi bộ nên đòi hỏi phải có sức khỏe, đi đến từng nhà cắt may theo yêu cầu. Nghề đòi hỏi chăm chỉ chịu khó lại cẩn thận từng đường kim mũi chỉ sao cho thẳng, đều, chắc chắn và đẹp theo tiêu chuẩn “trong thì dán hồ, ngoài phô trứng nhện”. Vì vậy, người thợ may Trạch Xá có bí quyết riêng không dễ gì học được. Ngày nay, nhiều người con gái làng Trạch Xá đã được truyền nghề và phát triển nghề rất tốt như: Hiệu may Mỹ Hạnh ở Ngã Tư Sở; Thanh Châu ở Mai Hắc Đế…

Còn đối với con trai trong làng, sinh ra đã được truyền nghề từ thuở lên 6 lên 7 tuổi và được luyện rèn theo năm tháng. Nghệ nhân Nghiêm Xuân Đạt được thừa hưởng nét tài hoa từ cha giỏi nghề, làm Chủ nhiệm Hợp tác xã May Bắc Sơn ở phố Bạch Mai. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thời kỳ kinh tế khó khăn, xu hướng mặc áo dài giảm, nhiều thợ may trong làng không có khách, anh Đạt đã đưa về làng các đơn hàng may mặc, vỏ chăn gối cho người làng may và cả đơn hàng khâu áo dài cho may xuất khẩu sang Australia... Từ đó, anh Đạt trở thành đầu mối kết nối cho bà con kiên trì tiếp tục làm nghề.

Đầu năm 2000, điều kiện kinh tế phát triển, thị trường sôi động trở lại, những thợ may gốc làng Trạch Xá từ khắp nơi hội tụ về quê để gây dựng làng nghề. Từ đây, có được nhiều đơn hàng các công ty, xí nghiệp may, người dân Trạch Xá lại vững cây kim sợi chỉ khâu lên những tà áo dài mềm mại. Năm 2004, làng Trạch Xá đã được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) công nhận Làng nghề may áo dài truyền thống. Năm 2011, Hợp tác xã May áo dài Trạch Xá được thành lập, người thợ may Nghiêm Văn Đạt được bầu làm Chủ nhiệm, là người “đứng mũi chịu sào” cùng dân làng phát triển thương hiệu làng nghề. Năm 2012, anh Đạt đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân.

Anh Đạt khẳng định: “Nghề may áo dài cũng có những thăng trầm song người Trạch Xá vẫn luôn giữ nghề như giữ hồn quê trong từng nếp áo”.

Thanh xuân trên những tà áo

Làng Trạch Xá hôm nay đã đổi thay nhiều, những cửa hàng, cửa hiệu may áo dài xuất hiện trên đường làng, những ngôi nhà khang trang, đời sống người dân thêm trù phú. Ông Nghiêm Văn Miến, Trưởng thôn Trạch Xá cho biết, hiện nay đang là thời kỳ phát triển của nghề may áo dài Trạch Xá. Toàn thôn có 520 hộ dân thì có tới 80% tham gia làm nghề, trong đó có 200 hộ mở cửa hàng, cửa hiệu có quy mô và đơn đặt hàng khá lớn. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu làng nghề Trạch Xá chính là nơi đây vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống khâu tay với kỹ thuật đặc biệt. Từng chiếc áo dài được lên hình là từng số đo riêng vừa vặn với mỗi người chứ không phải may đại trà. Nay, thanh niên trong làng cũng theo nghề và tích cực mở rộng, phát triển nghề.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tiếp nối truyền thống cha ông làng nghề Trạch Xá, anh Lê Quang Duy (36 tuổi) cầm cây kim đưa từng đường chỉ từ năm lên 10 tuổi, đến nay đã mở được cửa hàng riêng, thường xuyên thuê thêm 3 người thợ giỏi còn những khi đơn hàng nhiều thì đưa về cho nhiều người cùng làm.

Anh Duy cho biết: “Nghề thủ công tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng để thành thạo nghề đòi hỏi phải nhiều nỗ lực rèn luyện qua thời gian dài “3 tháng cầm kim, 3 năm ra nghề”.

Nét khác biệt làm nên thương hiệu Trạch Xá, không nơi nào có được là tà áo lúc nào cũng mềm mại, thướt tha. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất chăm chút khi đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”; dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng, khâu đường tà thật đều và đường chỉ nhỏ xíu, sợi chỉ được lựa chọn loại tốt, nhỏ, mịn và đắt nên chắc chắn. Chính vì vậy mà riêng công khâu áo dài Trạch Xá chừng 350.000 đồng/chiếc; còn lên áo thì phụ thuộc vào chất liệu vải, hoa văn đính kèm mà có giá khác nhau. Có những sản phẩm độc đáo như đính đá, thêu tay nghệ thuật… có giá 20 triệu đồng/bộ, có những bộ áo dài đặc biệt được khách đặt may lên tới 100-200 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lâm Lê Văn Bin, cho biết, với bề dày truyền thống và sự phát triển của làng nghề đang mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Người dân làng nghề Trạch Xá đang mong muốn được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng điểm du lịch làng nghề có khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm để bảo tồn và phát triển sản phẩm mang đậm văn hóa Việt Nam, là Quốc phục - biểu tượng hồn dân tộc.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.