Tôi đã vượt qua cú sốc trong cuộc sống như thế nào?

QUỲNH NHƯ Ghi theo lời kể của chị Đ.T.H (Nghệ An)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tôi không biết mình bị trầm cảm từ lúc nào, có thể là 3-4 năm hoặc từ thời thơ ấu. Có những lúc, tôi tưởng như mình chết đi có lẽ sẽ dễ chịu hơn… Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ của mọi người và động lực từ hai con nhỏ, tôi đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống và căn bệnh trầm cảm của mình.

Tuổi thơ bất hạnh

Tôi là con gái duy nhất trong gia đình, bố tôi là con trai trưởng. Sau khi sinh tôi, mẹ tôi mắc bệnh u nang buồng trứng, dù đã chạy chữa nhiều lần nhưng cũng không thể sinh thêm được nữa. Điều đó khiến cho mẹ tôi bị gia đình nhà chồng dằn hắt, chê trách. Tôi cũng chịu sự ghẻ lạnh từ chính ông bà nội vì là… con gái.

Bà nội tôi ra lệnh cho mẹ: “Phải có con trai, bằng giá nào đi nữa”. Bà ép bố tôi lấy vợ mới. Bữa cơm tối nào, bà cũng mặt nặng, mày nhẹ, rồi buông đũa thở dài, quệt nước mắt, than trách bản thân. Bà kể nhìn gia đình khác sinh ba, sinh bốn vẫn là con trai mà… bà thèm. Bà bóng gió chê “con dâu không biết đẻ”, săm soi  mẹ tôi từ dáng đi, nước bước, chỗ ngồi, cách ăn mặc… Bà nói với hàng xóm: “Phải kiếm vợ khác cho con trai, chứ nhà tôi không thể vô phúc thế này”. Những năm tháng đó, bữa cơm của mẹ con tôi chan đầy nước mắt.

Rồi bà nội lặng lẽ tìm vợ mới cho bố tôi. Vợ mới của bố không hôn thú, nhưng được tổ chức đám cưới đàng hoàng. Mẹ tôi chấp nhận cuộc sống chung chồng vì với mẹ, nếu ly hôn sẽ không còn chỗ nào để đi nữa. Suốt bao nhiêu năm làm dâu, mẹ tôi chẳng để ra được đồng nào. Đất đai, tài sản đều đứng tên bố mẹ chồng. Căn nhà mái bằng mà gia đình chúng tôi đang ở nay được ngăn đôi. Mẹ con tôi ở 1 nửa, còn bố và vợ mới ở một bên. 

Tôi đã vượt qua cú sốc trong cuộc sống như thế nào? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chẳng mấy chốc, dì hai sinh một cậu con trai. Ông bà nội tôi mừng ra mặt. Trong lễ đầy tháng cháu đích tôn, ông bà hứa sẽ chia đất cho cháu trai, đứng tên của dì. Mẹ tôi nuốt trọn cay đắng, bao năm chăm sóc, phụng dưỡng nhà chồng, đến cuối cùng vẫn phải tay trắng. Mỗi đêm, tôi đều chứng kiến cảnh mẹ khóc ướt gối. Tôi áp lực vô cùng, thương mẹ mà không biết phải làm sao. Trước những biến cố gia đình, tôi sống trầm lặng, khép kín, không giao tiếp với mọi người. Tôi sợ những lời dị nghị, đàm tiếu, sợ lũ bạn chê cười vì có một gia đình không hạnh phúc. Đôi lúc, tôi trốn ở một nơi kín đáo, âm thầm và nghĩ đến cái chết để giải thoát. Nhưng nhìn thấy mẹ đau khổ, tôi lại gắng gượng mạnh mẽ để trở thành điểm tựa tinh thần cho bà…

Nợ nần chồng chất

Năm 22 tuổi, tôi yêu một chàng trai cách nhà khoảng 20km. Biết hoàn cảnh gia đình tôi, bố mẹ anh ấy ra sức phản đối. Thế nhưng, tình yêu của chúng tôi quá lớn, cuối cùng, bố mẹ anh ấy đành chấp nhận tôi là con dâu. Sau khi kết hôn, tôi về chung sống với bố mẹ chồng. Mẹ chồng tôi dù kỹ tính, nhưng lại là một người thấu hiểu và tốt bụng. Bà dạy tôi những lễ nghi, quy tắc trong gia đình, giúp tôi hòa nhập với nếp sống nhà chồng. Tôi cứ tưởng, cuộc sống của tôi đã có những tia sáng mới. Nào ngờ…

Ba năm liền, tôi sinh hai đứa con, một nếp một tẻ. Đó cũng là lúc chồng tôi quyết định mở quán ăn. Sau khi bàn bạc, xem xét các địa điểm mở quán, được nhiều người khuyên, vợ chồng tôi muốn mượn mảnh đất ở mặt đường đang bỏ không đang đứng tên bố đẻ tôi để làm nơi mở quán. Thế nhưng, ông từ chối thẳng thừng. Thậm chí, bố còn bóng gió lo ngại về việc sau này sẽ bị con gái và con rể chiếm mất. Những lời của bố tôi như nhát dao đâm vào lòng tự trọng của chồng tôi. Anh ấy thuê căn nhà bên cạnh để mở quán với mức giá 10 triệu đồng/tháng.

Ban đầu, quán ăn khá đông khách, nhưng lâu dần, xung quanh có nhiều nhà hàng mở ra, việc làm ăn không được thuận lợi như trước. Thu nhập hàng tháng chỉ đủ chi trả nguyên liệu, thuê nhân công và tiền thuê nhà. Cứ như vậy, sau 1 năm mở quán ăn, vợ chồng tôi thua lỗ hơn 500 triệu đồng. Sau khi thanh lý quán ăn, chồng tôi chán chường, thường xuyên đàn đúm bạn bè, bia rượu rồi vướng vào cá độ, cờ bạc khiến nợ chồng lên nợ. Vì mắc nợ “dân anh chị” với số tiền cả tỷ đồng, nên họ tìm đến dồn ép, đòi nợ. Bố mẹ chồng tôi phải bán đất đi để trả nợ cho con trai. 

Tôi đã vượt qua cú sốc trong cuộc sống như thế nào? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thấy chồng mang nợ, tôi muối mặt vay bố đẻ một khoản tiền để trả nợ. Nhưng một lần nữa, bố tôi thẳng thừng từ chối. Điều này khiến chồng tôi càng đổ hết lỗi làm ăn thua lỗ lên đầu tôi. Mỗi lần anh ấy đi uống rượu về đều trút hết bực dọc lên tôi. Tôi âm thầm chịu đựng không biết bao nhiêu lời cay nghiệt từ chồng mà không dám nói cho ai…
Nỗ lực vượt qua

Cảm giác tiếc nuối, cùng sự căng thẳng, bất hòa… trong gia đình khiến tôi bị sốc. Suy nghĩ nhiều khiến tôi thiếu ngủ, cộng với sau sinh tâm lý bất ổn nên sinh ra ảo giác, hoang tưởng. Tôi thường xuyên đau đầu, tức ngực, khó thở, có lúc khóc, có lúc lại cười, có lúc bần thần, rồi có ý định tự tử… Mẹ tôi đau khổ vô cùng. Bà cùng bố mẹ chồng đã đưa tôi đi khám nhiều nơi nhưng đều không khỏi… 

Giờ đây, khi đã bình tâm lại, tôi nhận ra, trầm cảm không giống như những gì chúng ta vẫn hay đọc được. Trầm cảm không phải chỉ là chuyện bạn buồn, không giao tiếp, tâm trạng u uất mà nó từ từ gặm nhấm niềm ham sống trong mỗi con người. Tôi luôn cảm thấy tự ti, bế tắc, quẫn trí. Tôi không tìm thấy sự ủng hộ hay đồng cảm từ mọi người. Tôi thấy mình bất lực và vô dụng. Khi tỉnh táo, tôi vẫn luôn dặn mình phải cố gắng, nỗ lực lên để sống thật mạnh mẽ, làm chỗ dựa cho các con và cho mẹ mình. Nhưng rồi, tôi vẫn lặp lại những cảm xúc tiêu cực ấy. Tôi không có động lực để cố gắng, không tìm được ý nghĩa để tiếp tục sống mỗi ngày. Rồi tôi nghĩ đến cái chết… 

Tôi đã vượt qua cú sốc trong cuộc sống như thế nào? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mẹ là người tác động tới tôi nhiều nhất để vượt qua tất cả. Những lúc tôi không thể gượng dậy, mẹ là người chăm sóc thuốc men. Bố mẹ chồng chăm sóc hai cháu nhỏ, đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi để chữa bệnh cho tôi. Tôi đi khám ở bệnh viện tâm thần, uống thuốc theo đơn bác sỹ, vừa trị liệu tâm lý. Hành trình đó kéo dài suốt 1 năm trời. Thời gian đó, cùng với nỗ lực của mọi người, của bản thân, tôi đã dần dần ổn định trở lại. Tôi học cách gia tăng giá trị bản thân, học cách mỉm cười thật nhiều. Dù sức khỏe đã ổn định tôi vẫn đến thăm khám tại Viện sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai), hỗ trợ tâm lý khi có điều gì đó khiến tôi suy nghĩ tiêu cực. 

Nhờ sự giúp đỡ của anh chị chồng, chồng tôi đi xuất khẩu lao động và bắt đầu có thu nhập gửi về, chúng tôi trả hết các khoản nợ sau 2 năm. Cuộc sống dần dần ổn định. Vợ chồng tôi nhận ra, điều quan trọng là cả nhà chúng tôi đều nỗ lực, quyết tâm không để tổ ấm rạn nứt. Khi gia đình gặp biến cố xấu, sự đồng lòng là vô cùng quan trọng.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.