Tôi nâng niu từng đốt sống của mẹ

Chia sẻ

Tôi cam đoan nếu đọc được mấy dòng này mẹ tôi sẽ cười ngượng mà bảo “Thôi, con gỡ xuống đi” nhưng tôi vẫn sẽ viết vì sự thật, và viết cho cả tình yêu của tôi dành cho mẹ!

Mẹ tôi chưa bao giờ là một mẫu phụ nữ đảm đang theo chuẩn mực của xã hội. Mẹ vụng về, nấu ăn hiếm khi ngon. Nếu có một nồi xôi đang đồ trên bếp, không cần nếm tôi cũng biết tỏng là xôi rớt. Nếu hôm nay món cá trắm kho sao bỗng đưa cơm thế, tin tôi đi là bố canh lửa đấy. Và nếu hôm nay có món thịt bằm xào rau củ thập cẩm, đấy đích thị là phần nhân chả nem hôm qua mẹ lười cuốn nốt.

Cái vụng của mẹ tôi là một kiểu “chuyện cũ nhắc lại cho mới” trong mỗi bữa cơm gia đình, nhất là trong những chuyến cả nhà về quê thăm ông bà. Cũng phải thôi, trong khi các bác, các cô, các chú xắn tay bắc chảo xào bò, khênh thớt chặt gà thì cô con dâu trưởng là mẹ tôi lại chỉ có thể hỗ trợ việc nhặt rau, hay tiếp khách uống trà. Nhiều khi, tôi cũng ngẫm nghĩ: “Phụ nữ “vụng” tí thì đã sao mà mọi người nói nhiều thế nhỉ?”. Mẹ tôi chẳng hoàn hảo, không “đảm việc nước, giỏi việc nhà” nhưng luôn biết vun đắp và chăm sóc gia đình theo cách riêng của mẹ. Mỗi dịp 20/10, mẹ là người chủ động dẫn bà đi may quần áo mới. Khi con của các bác, các cô trong nhà chuẩn bị thi cấp ba, mẹ luôn in sẵn những tập tài liệu ôn tập để gửi về quê vì mẹ tôi là cô giáo. Và nếu anh em tôi bị ốm, yên tâm là mẹ đã nằm lòng hàng cháo hàu giải cảm.

Tác giả đang diễn thuyết về chủ đề định kiến giới bắt đầu từ việc rửa bát với các học sinh THPT tại Chung kết cuộc thi “Học sinh tài năng-Thanh lịch” THPT Thái Phiên, Hải Phòng, tháng 1/2020Tác giả đang diễn thuyết về chủ đề định kiến giới bắt đầu từ việc rửa bát với các học sinh THPT tại Chung kết cuộc thi “Học sinh tài năng-Thanh lịch” THPT Thái Phiên, Hải Phòng, tháng 1/2020

Vì không thể góp sức vào việc nấu nướng, nên trong những bữa cỗ, mẹ tôi luôn xung phong nhận phần rửa bát sau mỗi bữa ăn. Thế nhưng, nhà ông bà tôi rửa bát lại chẳng giống ngoài phố: không có máy rửa bát, cũng chẳng có vòi nóng lạnh hay nước rửa bát hữu cơ thân thiện cho da tay. Chỉ đơn giản là một chỗ ngồi xổm con con, thêm cái vòi dẫn thẳng từ bể nước mưa, nằm sát cái ao sau nhà. Bữa ăn 6 người thì đĩa bát chẳng đáng là bao, nhưng 5 gia đình tụ họp lại thì cũng là đáng kể. Mùa hè thì đỡ vất hơn chút đỉnh, chứ cái mùa đông miền Bắc rét run rét dế thì quả là khó nhọc. Ấy thế mà suốt những năm tháng tôi học tiểu học – đầu cấp 2, tôi thấy từng sấp từng sấp, từng chồng từng chồng, từng đống từng đống bát đĩa đều qua bàn tay mẹ.

Thời gian cứ thế trôi đi, và chuyện cũng trở thành một điều hiển nhiên. Tôi chẳng buồn đếm những mảng da tróc từ 10 đầu ngón tay nứt nẻ như những cánh hoa tàn vì dị ứng nước rửa bát trên tay mẹ.

Bước ngoặt chỉ đến vào một ngày, mẹ mang về nhà kết quả khám bệnh của bệnh viện. Bên trong phong bao xi măng to đùng là một tờ chụp X-quang và một mảnh kết luận con con hình chữ nhật, mực in đen ngòm ghi rõ: “Thoái hoá đốt sống L4 & L5”. Cũng chẳng khó hiểu tại sao mẹ tôi lại mắc bệnh này. Sáng chiều đứng mỏi lưng trên bục giảng, tối về cơm nước, đêm đêm lại ngồi máy vi tính soạn giáo án cho ngày mai. Và cũng bởi dù cho dáng mẹ, mắt mẹ, mặt mẹ trong tôi bao năm vẫn thế, thì thời gian vẫn đem đến những sự đổi thay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyến đi về quê đầu tiên sau khi được chẩn đoán bệnh, như thường lệ, mẹ vẫn nhận phần rửa bát. Và đấy cũng là lần đầu tiên “đứa cháu đích tôn được cả nhà nuông chiều” là tôi tinh ý hướng mắt ra phía cầu ao xót xa nhìn dáng mẹ mảnh khảnh ôm những mâm bát to, giữa những cơn gió khô lạnh cắt từng cơn, cẩn thận rửa từng cái bát bằng mười ngón tay nứt và một cái lưng đau. Dù không phải là một sự nhận thức ngay tức thì, không đỏ hoen nước mắt rơi xuống từ hai hốc mắt kịch tính như phim Hàn Quốc, nhưng hình ảnh đó rõ là đã “chạm” vào một phần gì đó trong tôi. Tôi mất nhiều sáng lơ mơ và nhiều đêm trầm mặc, thêm cả một chút dũng cảm ngại ngùng để nhiều tháng sau đó mới dám đứng lên nhận phần rửa bát thay cho mẹ.

Những lần đầu có đúng là tôi hơi “xí hổ” kiểu con trai mới lớn, cũng có khi vì chút trêu chọc của mọi người, vừa muốn hành xử cho đúng mô-típ nhân vật “cậu cháu đích tôn được cả họ nuông chiều” mà tính tháo chạy. Nhưng rồi cứ kiên trì “bám trụ” tại chỗ rửa bát thêm một bữa, tôi lại càng muốn ở lại lâu hơn, bởi một lẽ đơn giản: Tôi trân trọng từng đốt sống của mẹ.

Từ sau mỗi lần ngồi xổm rửa bát trong đêm đông, tôi lại vỡ ra một chút về những nhọc nhằn của bao phụ nữ “lệch chuẩn” ngoài kia. Họ có thể là một nữ doanh nhân thành đạt, một nhà đầu tư chứng khoán bận rộn hay một nữ giáo viên giỏi chuyên môn nhưng lại bị gièm pha, đánh giá một cách phiến diện và bất công – đôi khi chỉ dựa vào khả năng bếp núc.

Rốt cuộc, cái đè nặng lên tấm vai gầy của mẹ tôi là chồng bát rửa mãi không hết hay là những định kiến giới nặng trĩu người đời đang áp đặt lên mẹ?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Giờ đây, tôi chẳng còn gì ngại ngần hay “xí hổ” khi tự nhận mình là con trai khéo rửa bát. Và từ chỗ rửa bát “thay cho mẹ”, tôi nhận thức được rằng đấy là nhiệm vụ của mình sau mỗi bữa cỗ, không thể cứ thế ăn xong tót lên phản nằm để những người phụ nữ trong nhà dọn dẹp.

Từ tháng 7/2019, tôi đã cùng những người bạn của mình thành lập dự án đấu tranh với định kiến xã hội Wise Thoughts Vietnam. Nhiều bài viết về phong trào nữ quyền và bình đẳng giới của nhóm nhận được sự quan tâm và đón nhận nồng nhiệt của dư luận. Tính đến nay, Wise Thoughts Vietnam đã có hơn 50,000 người theo dõi trên mạng xã hội. Đồng thời, tôi cũng mang câu chuyện rửa bát lên nhiều sân khấu, diễn đàn lớn, những chương trình trò chuyện, cũng như tổ chức thành công một triển lãm nghệ thuật về định kiến giới vào tháng 8/2020. Cuối cùng, chính những nỗ lực trong việc đấu tranh với định kiến giới, đã góp phần đưa tôi đến với suất học bổng toàn phần của đại học Fulbright Việt Nam.

Tôi tin rằng mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu bằng những bước rất nhỏ, và muốn bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, cái trước nhất cần phải là sự thấu hiểu và tình yêu thương, qua những hành động rất đỗi bình thường - nhỏ nhắn - vừa xinh như chuyện rửa bát.

NGUYỄN ĐẮC HOÀNG
Đại học Fulbright Việt Nam, sáng lập dự án Wise Thoughts Vietnam

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.