Diễn viên Anh Đào:

“Tôi sợ nhất là giậm chân tại chỗ”

T. H (thực hiện).
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ phim truyền hình “Đấu trí” dự kiến sẽ nối sóng phim “Lối nhỏ vào đời” ở khung sóng 21h các tối thứ Hai tới thứ Sáu hàng tuần trên VTV1. “Đấu trí” là phim cảnh sát hình sự xoay quanh những vụ án chấn động như vụ việc bộ sinh phẩm kit test virus corona bị đẩy giá cao khiến dư luận hoang mang. Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của “Vũ trụ VFC”. Nữ diễn viên Anh Đào cũng may mắn tham gia vào dự án phim này, cô bày tỏ rất thích vai diễn trong phim bởi đây là lần đầu tiên cô được mặc sắc phục…

Sau vai Thanh trong “Lối về miền hoa”, sự trở lại của Anh Đào với màn ảnh nhỏ ở “Đấu trí” có gì đặc biệt? Anh Đào có thể tiết lộ một chút về vai diễn mới này. 

Trong “Đấu trí”, tôi sẽ vào vai Thiếu úy Phương Linh. Thường thì mọi người thấy ngành công an hầu như ai nấy đều có phong thái rất nghiêm nghị và có chút lạnh lùng, và Phương Linh cũng vậy. Bên cạnh đặc thù của nghề nghiệp thì Phương Linh cũng sẽ có một cuộc sống bình thường giống như bao người khác.

Tôi rất háo hức với vai diễn này. Có nhiều người hỏi tôi đây có phải vai diễn “lột xác” không? Tôi nghĩ để có một vai diễn để đời hay lột xác không phải dễ dàng đối với một diễn viên. Có những người nghệ sĩ đến khi về hưu họ mới có được một vai diễn lột xác, để đời dù họ diễn rất tốt, là người nổi tiếng. Phương Linh là một vai diễn tôi cảm thấy thú vị vì có khác mình một chút. Trong sự nghiệp, tôi cảm thấy may mắn khi được hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau.

“Tôi sợ nhất là giậm chân tại chỗ”  - ảnh 1
Diễn viên Anh Đào (Ảnh: NVCC)

Một vai diễn như thế nào sẽ hấp dẫn được Anh Đào? 

Thực tế, vai diễn nào cũng tạo cho tôi sự hấp dẫn nhất định để thể hiện được tốt nhất. Song nếu nói về sở thích, với cá tính của tôi thì tôi thích làm những vai diễn có sự phức tạp nhiều hơn trong tâm lý, một vai diễn có cá tính. Cá tính ở đây không phải chỉ riêng mạnh mẽ, yếu đuối cũng là một cá tính. 

Anh Đào đang chứng tỏ mình là một diễn viên có khả năng diễn xuất đa dạng, thậm chí những dạng vai đối lập hẳn nhau qua nhiều bộ phim mà khán giả đã thấy. Vậy đâu là dạng vai “đinh” mà Anh Đào muốn gây dựng?

 Đến thời điểm này, tôi không có khái niệm vai diễn để đời hay chọn vai “đinh”. Mà chỉ có khái niệm vai diễn sau phải hơn vai diễn trước. Thực ra với đội ngũ diễn viên trẻ như chúng tôi khi được các đạo diễn mời vào các bộ phim, được thể hiện nhiều dạng vai khác nhau đó là cơ hội, là may mắn. Bởi đó là cơ hội để chúng tôi được trải nghiệm, được cọ xát, được lột tả cảm xúc để vào vai “ngọt” hơn. Còn dạng vai “đinh” hay không thì điều đó không quá quan trọng. Quan trọng nhất là việc mình nhận vai đó mình sẽ diễn xuất thế nào, có đáp ứng được yêu cầu của nhân vật không.

Ví dụ như cá nhân tôi khi nhận kịch bản phim “Đấu trí”, tôi thấy khó khăn và áp lực gấp đến 10 lần so với phim “Lối về miền hoa” mà tôi đã từng tham gia. Vì gia đình tôi không có ai làm công an, tôi không hề có trải nghiệm về công việc này. Để có chất liệu cho vai diễn tôi đã phải đã phải xem khá nhiều tài liệu, nhiều bộ phim nói về ngành công an, nghe chia sẻ của các chiến sĩ công an và nhiều yếu tố khác nữa mới tự tin cho vai diễn của mình.

Cách nghiên cứu kỹ lưỡng nghề nghiệp của nhân vật như vậy có thể cho thấy Anh Đào khá thận trọng và để tâm nghiên cứu kỹ nhân vật mà mình đảm nhận… 

Kể từ khi chạm ngõ phim truyền hình tới bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen đọc trọn kịch bản, nghiên cứu thật kỹ nhân vật trước khi vào phim để nắm bắt được diễn biến tâm lý của nhân vật trong từng tập, từng đoạn, từng cảnh quay. Làm phim không giống như diễn kịch. Khi ê-kíp sắp đặt một bối cảnh nào đó, tức là chúng tôi sẽ quay một lèo tất cả các cảnh diễn ra ở không gian này từ đầu tới cuối phim. Nếu diễn viên không nghiên cứu kỹ kịch bản sẽ không thể nào diễn tốt được.

Với một nghệ sĩ trẻ như Anh Đào, bạn quan trọng nhất điều gì trong diễn xuất? 

Người ta thường chỉ nhìn người nghệ sĩ lúc họ tỏa sáng mà ít ai biết được đằng sau đó là cả một quá trình nỗ lực đầy gian nan. Làm nghệ thuật phải gắn liền với hai từ “sáng tạo”. Dù bạn làm diễn viên hay ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu... đều phải biết sáng tạo để làm mới bản thân, làm mới những tác phẩm, làm mới phong cách khi thể hiện mình trước ống kính.

Một người diễn viên sẽ chẳng thể thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn nếu họ không có sự sáng tạo trong lối diễn, phong cách diễn để người khác chú ý đến họ. Hơn nữa, việc diễn mãi một phong cách, một dạng nhân vật với tính cách giống nhau mà không tạo điểm nhấn khác biệt thì bạn sẽ nhường chỗ cho những diễn viên khác đi vào tim khán giả. 

“Tôi sợ nhất là giậm chân tại chỗ”  - ảnh 2
Anh Đào (phải) trong “Đấu trí” 
Ảnh: NVCC

Nhiều diễn viên khi nghiên cứu kỹ quá, diễn nhập tâm quá thường bị ám ảnh nhân vật khi bước ra ngoài đời, Anh Đào thì sao, đã từng như vậy? 

Chia sẻ thật với chị là tôi rất hay bị ám ảnh bởi cảm xúc của nhân vật. Khi quay phim, vào “guồng” quay mỗi ngày quay nhiều phân đoạn với nhiều phiên bản khác nhau, phải nói là diễn viên đôi khi cũng bị “tẩu hỏa nhập ma”. Tôi thường xuyên tập trung “nuôi” cảm xúc bằng cách chỉ ngồi một mình, thậm chí có những lúc tôi ngồi đó nhưng không phải là tôi nữa mà tôi đang sống trạng thái của nhân vật.

Nhiều hôm đi quay về, cả quãng đường về nhà, phân đoạn vừa quay xong cứ ong ong trong đầu, đôi lúc cứ một mình thoại lại, rất… không bình thường. Một ngày đối với một diễn viên như tôi trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc, có thể khóc có thể cười, hay khóc xong lại cười, cười xong lại khóc… khiến tinh thần, não bộ nhiều khi cũng bị quá tải, mệt mỏi, không dễ để “thoát” ra được. Phải đến khi được tắm rửa nghỉ ngơi, ngâm chân thư giãn, nghe nhạc vui tươi thì mới có thể thoải mái hơn.

Anh Đào là nghệ sĩ của sân khấu Lệ Ngọc, Anh Đào có phải “đấu tranh” giữa việc diễn kịch và đóng phim không? Rõ ràng đóng phim sẽ nổi tiếng hơn diễn kịch, nếu phải lựa chọn giữa sân khấu và phim ảnh, chị sẽ chọn gì? 

Tôi có quan điểm không phải làm việc mình yêu thích mà yêu thích công việc mình làm, không phải làm việc mình đam mê mà đam mê việc mình lựa chọn. Vì thế, mỗi khi bắt tay vào việc gì đó, tôi tâm niệm phải tự tạo cho mình hưng phấn và sự thú vị để làm việc. 

Tại sao đến giờ phút này tôi vẫn đứng trên sân khấu, vẫn cứ lao vào những buổi tập quên cả giờ giấc, dù kinh tế thu lại có những buổi chỉ là con số không? Tôi không lý giải được vì sao, nhưng cảm giác đứng trên sân khấu lạ lắm, nó có một ma lực nào đó khiến tôi không thể rời bỏ. 

Đến giờ phút này, đối với tôi sân khấu vẫn là thánh đường, mãi mãi là thánh đường. Sự khủng hoảng của sân khấu không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, khi nhiều phương tiện hiện đại được phát minh và sử dụng, sân khấu bị thất sủng. Nhưng tôi tin chắc một thời gian ngắn nữa thôi, sau khi mọi người đã chán với những thứ mới mẻ đó, họ sẽ nhận ra có những giá trị vô cùng to lớn họ bỏ quên bao lâu nay và quay lại với sân khấu. 

Vậy Anh Đào có kế hoạch nào đó cho sự nghiệp trong thời gian tới? 

Tôi mong sẽ có những vai diễn ấn tượng để khán giả nhìn thấy được điểm mới và nỗ lực thay đổi của mình, sẽ thấy một Anh Đào ngày càng phát triển chứ không giậm chân tại chỗ.

Xin cảm ơn Anh Đào đã trò chuyện.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.