Trở lại mái trường

Chia sẻ

LÊ THỊ XUYÊN

- Hiền! Lấy cái cặp giùm Bình với!

- Ơ…! Bình lại về à?

- Ừ.

- Sao không ở lại học? Thầy chủ nhiệm trách bây giờ.

- Bình… Bình có việc. Bình nhận lấy cặp từ tay Hiền đưa rồi lủi thủi bước ra khỏi lớp giữa tiếng ồn ào cười nói cùng một vài ánh mắt ngạc nhiên của các bạn trong lớp. Hiền cũng nhìn Bình với vẻ khó hiểu. Thầy Tiến chủ nhiệm lớp thấy Bình về giữa buổi học, liền hỏi:

- Bình! Sao em lại về? Em mệt hay là nhà có chuyện gì?

- Em… em có việc bận, xin thầy cho em nghỉ hai tiết cuối ạ. Bình cười gượng gạo, chào thầy rồi dấm dúi bước nhanh xuống cầu thang. Thầy Tiến khẽ lắc đầu, đứng nhìn theo Bình cho đến khi bóng cậu hòa vào đám đông đang nô đùa giữa sân trường.

- Nay, mày kiếm được bao nhiêu tiền? - giọng anh Tánh, ba của Bình hỏi dồn.

- Nay ít khách nên anh chủ quán chỉ trả cho 80.000 thôi ạ - Bình lí nhí.

- Làm 5, 6 tiếng đồng hồ mà không có đủ trăm ngàn. Lo tìm việc khác mà làm chứ!

- anh Tánh càm ràm. Từ trong phòng, chị Thuần, vợ anh bước ra, tỏ vẻ hờn trách:

- Anh vui lắm khi thấy con đang tuổi ăn tuổi học đã phải đi kiếm tiền thế này hay sao mà còn nói vậy? Anh nhìn lại mình xem, suốt ngày chỉ biết có rượu chứ đã ăn nên làm nổi được gì!

- A… cái con mẹ này. Tao uống rượu thì có gì sai nào? anh Tánh, miệng lầm rầm, tay rót rượu đưa lên uống một hơi rồi lại lèm bèm chửi…

Bình dắt xe vào nhà cũng vừa lúc đồng hồ điểm 10 giờ rưỡi đêm. Đói lả vì bưng bê, dọn rửa cho quán nhậu từ 3 giờ chiều đến giờ, Bình xuống bếp lục tìm cơm ăn. Hôm nào cũng giờ này… Bình mới được ăn cơm chiều.

- Bình! Bình… dậy đi học! Sao sáng bảnh mắt rồi còn nằm ngủ thế kia hở con?

- Nay con hơi mệt. Con nghỉ học một buổi mẹ ạ - Bình trả lời mẹ trong cơn ngái ngủ rồi kéo chăn trùm kín đầu. 6 giờ rưỡi sáng, ngôi nhà vắng vẻ, nghe rõ cả tiếng xoạc chân lấy đà nhảy lên đống rơm và tiếng gáy chưa tròn vành của chú trống choai nơi góc vườn. Cùng với đó là tiếng lục tục, liếp chiếp liên hồi của mẹ con gà mái mơ đã thức dậy kiếm ăn từ lúc nào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Những ngày đầu xuân, vạt nắng mỏng tang đậu trên cội mai già ngoài hiên đánh thức vài búp mai còn sót lại đang ngủ vùi trong sương. Chị Thuần đánh tiếng đuổi con gà trống choai đang mon men bước lại gần mẹt củ kiệu, đu đủ, cà rốt đã xắt mỏng hong khô giữa sân. Chị xắn tay áo dọn dẹp cửa nhà bề bộn. Bãi chiến trường đêm qua chồng uống rượu một mình vẫn nguyên xi. Chỉ có người là đã đi đâu mất. Chị đoán chắc chồng lại ra quán cháo lòng bánh hỏi của nhà bà Tám đầu đường ngồi chung với đám người làng vô công rồi nghề. Ngày nào chả thế. Chị Thuần khẽ lắc đầu. Chị nhanh tay làm cho xong việc nhà để ra thăm mấy ruộng lúa ngoài đồng, bữa trước đã thúc phân, không biết giờ sao rồi.

- Alo! Dạ, tôi nghe đây thầy chủ nhiệm!... À, sáng nay thằng Bình nhà tôi nó mệt nên… Xin phép thầy cho em nó nghỉ một bữa. Ngày mai… Dạ… thầy nói sao ạ? Thằng Bình nhà tôi… nó thường xuyên nghỉ học ạ? Sao có thể… Dạ… Để tôi sắp xếp thời gian lên trường gặp thầy. Dạ… Cảm ơn thầy! Chị Thuần sững người sau khi nghe thầy Tiến thông báo tình hình học tập của con trai.

- Chị Thuần ạ, tôi có nghe các em trong lớp nói về Bình. Em ấy đi làm ở quán nhậu. Ngày nào làm cũng gần nửa đêm mới về. Hôm thì lên lớp nằm gục đầu xuống bàn ngủ. Hôm thì học được hai tiết rồi lại xin về. Có hôm thì nghỉ học không phép. Học kỳ 1, em Bình đã nghỉ 18 buổi rồi. Học kỳ 2 này, mới một tháng đầu, em ấy đã nghỉ cả chục buổi nữa… Tôi mong gia đình hãy quan tâm đến em Bình nhiều hơn.

- Xin lỗi thầy. Tôi… Chị Thuần nghẹn giọng. Nước mắt không mời bỗng chực trào.

Chị nâng vạt áo lên, quay đi, khẽ lau khô, giọng phân trần:

- Chẳng giấu gì thầy. Hoàn cảnh nhà tôi… Câu chuyện gia đình được chị trải lòng thành thật.

Năm nay, Bình đã 19 tuổi, nghĩa là chị Thuần và anh Tánh nên vợ nên chồng cũng đã 20 năm. Thời gian đầu, cuộc sống vất vả, khó khăn, thế nhưng được cái chồng chị tu chí làm ăn, biết lo lắng, biết quan tâm đến gia đình. Vợ chồng chị sinh được hai đứa con. Đứa lớn là Bình, sau là cô con gái, năm nay đang học lớp 8.

Bình thông minh, học giỏi. Em từng nói với ba mẹ rằng, ước mơ lớn nhất đời mình chính là mai mốt sẽ lo cho ba mẹ có được một cuộc sống thật tốt. Ước mơ đẹp đẽ ấy giúp Bình càng nỗ lực học tập và nó sẽ không chùng chình, đứt quãng nếu ba Bình không trở thành con ma men, trở nên vũ phu, suốt ngày chỉ biết lấy việc chửi bới, chì chiết, đánh đập mẹ Bình làm phương thức để giải tỏa sự khó chịu trong người. Áp lực về kinh tế gia đình, thêm vào việc không đủ sức khỏe lao động nặng kể từ khi bị tai nạn lao động khiến ba của Bình thay đổi.

Chuyện gia đình chị Thuần cơm không lành canh không ngọt hàng xóm, họ hàng đều biết và còn trở thành để tài bàn tán của bao người. Điều lạ là ra đường, ai nói gì anh Tánh cũng nghe; còn khi về nhà, anh nói gì, vợ con cũng phải nghe. Không nghe thì anh chửi, anh đánh, anh đập phá đồ. Thằng Bình đã lớn. Nó đủ hiểu chuyện. Bởi vậy, cứ mỗi lần chứng kiến cảnh ba đánh mẹ, nó càng thương mẹ, càng hận ba. Nó cũng đã quen với tiếng cãi vã, xì xầm, tiếng đồ đạc loảng xoảng va vào nhau nhiều hơn là tiếng cười nói ôn hòa, vui vẻ của ba mẹ. Thế rồi nó quyết định bỏ học ở trường phổ thông khi đang học dở lớp 10. Nó theo bạn bè, bỏ nhà đi cả tuần.Chị Thuần khuyên nhủ thế nào, nó cũng im bặt, chẳng nói một lời.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Mày đi học vui không Nam? Chắc tao sẽ học lại… vì… tao nghĩ lại rồi. Thể nào cũng phải học lấy cho được cái bằng tốt nghiệp phổ thông rồi sau này làm gì thì làm. Bình nhắn tin cho Nam (bạn thân của Bình). “Tưởng gì. Vậy mày xin học lại đi… nộp hồ sơ lên Trung tâm Giáo dục thường xuyên, chỗ tao đang học này…”. Nam nhắn lại cho Bình thúc giục. Nam học chung lớp với Bình từ cấp 1, lên cấp 2. Nam quậy, mê game, học hành sa sút. Trong khi Bình dư điểm vào học phổ thông thì Nam lại chỉ vừa đủ điểm tốt nghiệp. Bình nghỉ học giữa chừng. Nam vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên để học tiếp. Nam đang học lớp 11. Còn Bình… nếu học lại, Bình sẽ bắt đầu học lại từ lớp 10.

- Mày đã nghỉ học rồi thì kiếm việc gì đó mà làm đi. Học hành chữ nghĩa cho nhiều cũng chả kiếm ra tiền bằng mấy thằng trải đời sớm. Đã thế, học ở đâu chứ học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên thì học làm gì… - anh Tánh từ sáng tới giờ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện Bình xin đi học lại. Thêm rượu vào, lời nói lại càng dửng dưng, lạnh lùng.

- Con thấy thằng Nam bảo, học ở Trung tâm cũng tốt mà ba. Cũng chương trình, thi cử như phổ thông. Thầy cô giảng dạy, ai cũng bằng cấp đàng hoàng và nhiệt tình cả. Vả lại, học ở đó, không phải đóng học phí…

- Mày xem… mấy đứa bạn mày, tao thấy đi làm công nhân hết cả. Tháng nào chúng cũng đem về cho ba mẹ 4-5 triệu bạc. Đấy. Chúng có cần học hành nhiều nhặn gì đâu mà vẫn làm ra tiền đó thôi.

- Nhưng con muốn đi học lại… Con muốn sau này có cái nghề ổn định.

- Ừ. Con quyết định như vậy là đúng đắn. Chị Thuần nhìn con trai, gật đầu.

- Vậy mày vừa học vừa kiếm thêm việc gì đó làm đi! Lớn rồi. Cũng phải biết lo cho gia đình. Sao có thể chỉ biết ăn với học…

- Con nó cũng còn nhỏ… Sao anh lại nói thế!

- Dạ, để con sẽ tìm việc làm thêm.

Bình lên lớp buổi sáng, chiều và tối, cậu xin làm thêm ở quán nhậu cách nhà vài cây số. Chị Thuần thương con trai nhưng không biết làm sao. Cái thân chị cả ngày quần quật hết việc ngoài đồng lại cửa nhà, vườn tược, thế mà cứ bị chồng chửi, chồng đánh như cơm bữa. Chị nhẫn nhịn, chịu đựng, nhiều lúc tặc lưỡi chấp nhận “Thôi thì… tất cả vì con”. Vả lại, chị cũng nghĩ đến khoảng thời gian trước đây, thực sự anh Tánh hiền như đất và cũng yêu thương chị thực lòng. Bao nhiêu đòn roi, chị nhận hết. Chị cam chịu, không một lời trách móc hay oán hờn. Cũng chưa bao giờ chị có ý nghĩ rằng sẽ bỏ anh, sẽ rời xa anh.

- Cái thằng… sao bữa nay lại về muộn thế! Chị Thuần lo lắng cho con nên đứng ngồi không yên. Mọi hôm, cứ tầm hơn 10 giờ tối, chị lại ra ngõ đứng chờ con. Chờ khi nào Bình về đến đầu ngõ, chị mới thở phào nhẹ nhõm trở vào. Nhưng hôm nay… chị có linh cảm chẳng lành. Phần vì nãy giờ gọi cho con không được, phần vì trời mưa, rồi thì đã qua 11h đêm mà chưa thấy con đâu. Lòng chị thắc thỏm. Chuông điện thoại trên tay chị reo. Chị bắt máy:

- Alô! Cô Thuần… Cô ơi… Bình…

- Cháu bảo sao, thằng Bình… nó… Nghe giọng Nam hốt hoảng, chị Thuần cứng đơ cả người. Rồi chị lật đật chạy, bước chân líu ríu, hoảng loạn. Anh Tánh đang cơn ngủ say sau cuộc rượu cũng bật dậy trước tiếng gọi thất thanh của vợ. Chẳng nói chẳng rằng, anh dắt xe ra, hối vợ và con gái lên xe. Chị Thuần chỉ kịp đem theo ít tiền mặt đã dành dụm lâu nay.

Khoảnh khắc đứng bên ngoài cửa sổ phòng cấp cứu nơi bệnh viện nhìn con trai đau đớn, vật vã, chị Thuần khóc không thành tiếng. Còn anh Tánh, chưa bao giờ, cái cảm giác ân hận, dằn vặt lại cồn cào tựa xát muối, xoắn lấy gan ruột anh như lúc này. Anh đứng như tượng, đôi mắt bơ phờ hiện rõ trên khuôn mặt xanh nhợt nhạt. Đôi bàn tay anh đan chéo vào nhau. Rồi anh vò đầu bứt tóc. Miệng anh lẩm nhẩm câu gì không rõ. Anh nhìn về phía vợ và con gái. Ánh mắt họ bao trùm một nỗi sợ hãi, đau đớn.

- Bình đang trên đường đi về thì chiếc xe tải áp sát, vụt qua từ phía sau khiến nó giật mình, mất tay lái và ngã. Tại… tối nó có kể với cháu chuyện gia đình. Tính nó hay suy nghĩ nên chắc trên đường về nó đã không mấy chú ý quan sát… - Nam kể cho anh Tánh nghe sự thể.

- Cháu nó đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe vẫn còn rất yếu, cần được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ thông báo ngắn gọn với vợ chồng anh Tánh về tình hình sức khỏe của Bình.

Anh Tánh ngồi bên giường bệnh, khẽ lần đôi bàn tay thô ráp, nặng trịch nắm lấy tay con trai. Đôi mắt anh rưng rưng, giọng anh trầm ấm hướng về Bình:

- Nhanh khỏe lại để đi học nghe con!

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.