Trước khi cháu đi học xa
(PNTĐ) - Khi cháu trai thứ 2 của tôi báo tin tháng tới sẽ vào TP Hồ Chí Minh học đại học, tôi nhắn cho mẹ cháu: “Con bố trí thời gian, cuối tuần đưa cháu đến ở với mẹ và mấy đứa nhỏ ít hôm. Mẹ muốn trước khi cháu đi học xa có thời gian hàn huyên với các cháu của mẹ”.
Con gái tôi cười bảo: “Mẹ ơi, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh gần lắm. Mẹ nhớ cháu thì con mua vé cho mẹ bay vào thăm cháu. Mà cháu nhớ bà thì cháu lại bay ra ngoài này. Bây giờ các phương tiện liên lạc cũng thuận tiện. Nếu muốn, tối nào, mẹ con, bà cháu cũng nói chuyện với nhau như thể đang ở cùng nhà, mẹ không cần phải lo lắng quá đâu”.
Nhưng tôi không đồng ý. Tôi nói với con: “Đó là tâm nguyện của mẹ, con cứ sắp xếp để mẹ vui lòng”.
Thực ra, tôi hiểu việc cháu tôi vào TP Hồ Chí Minh học đại học không phải cách trở gì lớn. Tôi cũng biết nói thì nói vậy nhưng cuộc sống này bận rộn lắm, có phải thích là bà cháu tôi sum họp được ngay đâu. Cách đây ít năm, tôi đã từng phải ân hận vì đã không lưu giữ lại kỷ niệm với cháu gái khi cháu đi du học.
Còn nhớ năm đó, cháu tôi được học bổng du học ở Mỹ. Cả nhà ai cũng vui mừng. Tôi có ý định trước khi cháu đi, cả đại gia đình sẽ tổ chức một cuộc đi chơi ở đâu đó để gắn kết tình cảm vì gia đình tôi ít khi đi chơi cùng nhau. Bình thường tôi và ông của cháu ở một nhà, các con tôi đều có gia đình riêng và ở nhà của chúng. Cuối tuần, các con dẫu có về thăm ông bà thì cũng chỉ chốc lát rồi lại hối hả đi ngay.
Tôi đã nghĩ, chỉ có cơ hội này để các con cháu gác lại lo toan mà vui vầy bên nhau. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do mà cuộc sum họp không tổ chức được. Vợ chồng con gái tôi nói còn bận chuẩn bị cho cháu lên đường. Con cũng an ủi tôi là cháu gái chỉ du học có 2 năm thôi, khi nào cháu bảo vệ thạc sĩ thì gia đình cháu sẽ mời cả ông bà sang chứng kiến.
Năm đó, chồng tôi mới bước vào tuổi 70, hãy còn khỏe mạnh, da dẻ đỏ au, căng bóng khiến thanh niên còn phải ghen tị. Tôi nghĩ thế cũng được nên đồng ý. Thế rồi thoáng một cái đã tới ngày cháu tôi lên đường. Cả đại gia đình chỉ kịp ăn cùng nhau bữa cơm. Sau đó, lúc cháu ra sân bay thì chỉ có một vài thành viên đi tiễn.
Ông cháu ở lại nhà, vẫy tay chào và hẹn sẽ gặp lại cháu sau 2 năm khi cháu hoàn thành khóa học. Lúc đó, ông cháu sẽ lại hàn huyên, tâm sự.

Chúng tôi đều nghĩ mọi việc sẽ theo kế hoạch đặt ra. Không ngờ, chưa đầy một năm sau, ông cháu bị đột quỵ rồi qua đời dù các bác sĩ đã hết lòng cứu chữa. Ngày tiễn ông cháu đi, tôi bỗng nhớ đến lời hẹn năm nào. Vậy là hai ông cháu đã chẳng bao giờ còn có thể gặp nhau nữa. Ông cháu vẫn còn nhiều điều muốn nói với cháu mà chẳng thể.
Vì thế lần này, tôi sẽ không tiếp tục trì hoãn cơ hội được ở bên cháu trai của tôi nữa. Cuối tuần đó, theo đề nghị của tôi, cả đàn cháu được bố mẹ đưa về nhà tôi chơi. Tôi trải 2 chiếc chiếu xuống sàn phòng khách, rồi bê ra 6 chiếc gối cho tôi và 5 đứa cháu.
Tôi nói các cháu nằm xuống, thích nói chuyện gì với nhau, kể cả chành chọe, trọc ghẹo nhau thì cứ thoải mái đi. Chẳng mấy chốc mà ngôi nhà của tôi trở thành một nhà trẻ với đầy ắp tiếng nói cười giòn tan. Tôi bỗng thấy mình như được trở về với ngày xưa, khi các cháu tôi còn bé.
Vợ chồng tôi nhận trông cháu cho các con đi làm. Chúng tôi cũng trải chiếu trên sàn để cháu nằm, còn hai ông bà thì nằm chặn ở hai đầu. Giờ ông các cháu đã đi xa, các cháu đã lớn lắm rồi, tôi phải trải hai chiếc chiếu hoa mà cháu nằm vẫn bị chật. Tôi thì nhỏ thó, như thể là đang nằm đó để cho các cháu trông mình.
Đợi cho các cháu đùa vui thỏa thích xong, tôi mới nói với các cháu: “Bà mong các cháu hãy nhớ khoảnh khắc này. Sau này có thể bà sẽ theo ông, các cháu rồi đây mỗi đứa sẽ đi một nơi và chẳng còn ai nằm trên chiếc chiếu này như tối nay nữa. Nhưng, chúng ta vẫn sẽ luôn là người một nhà, vì vậy phải giúp đỡ, đùm bọc nhau nhé”.
Các cháu tôi lặng im, rồi tôi nghe có tiếng sụt sùi. Cháu trai thứ của tôi quay sang ôm chầm lấy tôi, thủ thỉ: “Giá như thời gian ngừng trôi, để chúng cháu đừng lớn và bà đừng già đi bà nhỉ. Nhưng điều đó không thể. Tháng sau cháu đã phải xa nhà rồi, nhưng dù đi đâu, cháu vẫn sẽ nhớ về mảnh chiếu này. Nhất định chúng cháu sẽ làm theo những gì bà dặn”.