Tự hào với làng nghề hơn ngàn năm tuổi

thục nhi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc nằm cạnh đường trục chính của làng rèn nổi tiếng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội). Ngôi nhà nhỏ ấy đã chứng kiến sự cống hiến của ba thế hệ thợ lành nghề của làng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ba đời làm thợ: Từ ông nội tôi truyền cho bố tôi, bố tôi truyền lại cho tôi. Hiện nay chúng tôi tiếp tục có đời thứ tư, đó là tôi truyền lại cho con trai lớn của tôi”.

Bác Mộc rất tự hào về truyền thống của làng, bác hồ hởi kể: “Thành hoàng làng tôi là một cụ sinh ra và lớn lên tại làng. Cụ rất giỏi nghề thuốc. Cụ lấy công chúa con vua Lê rồi hai người về làng bốc thuốc cứu dân được dân làng tôn lên làm Thành hoàng. Còn hai cụ tổ nghề rèn của làng lại là người từ Thanh Hóa ra truyền bí thuật nghề rèn cho con dân có kế sinh nhai và gìn giữ tới bây giờ”.

Tự hào với làng nghề hơn ngàn năm tuổi - ảnh 1
Đình làng Đa Sỹ Ảnh: Int

Trong câu chuyện buổi sớm, bác Mộc say sưa nói về lịch sử và truyền thống của làng Đa Sỹ, bác cho biết: Làng của bác đã ra đời cả hơn ngàn năm về trước, từ thời Vua Hùng Vương thứ 18, dân làng đã biết làm đao, kiếm, vũ khí đánh giặc. Nhưng tới thời nhà Trần, làng bác mới biết làm những đồ gia dụng, đồ rèn tinh xảo phục vụ đời sống nhân dân khi có hai cụ là tổ nghề rèn được thờ tại đình làng từ trong Thanh Hóa ra dạy cho bà con. Kể từ đó làng có sự thay da đổi thịt, thịnh vượng và sung túc tới ngày nay.

“Nhưng nghề lao động chân tay, ai chịu khó, yêu nghề, bán đắt hàng mới có cuộc sống ung dung. Còn cứ đều đều, bình bình thì phải tiêu dùng hợp lý mới mong đủ ăn. Anh nào lười, không chịu làm thì chỉ có chết!”, bác Mộc chia sẻ và bật cười vui vẻ.

Bác Mộc cũng nói, gia đình bác  may mắn khi có con nối nghề. Bởi theo bác, giới trẻ trong làng hiện nay không thiết tha với nghề truyền thống nữa, do vừa vất vả, vừa nhem nhuốc, khó giàu có.  

Nhìn những chiếc dao của làng rèn Đa Sỹ sắc lẹm mà đơn sơ với cán gỗ, màu sắc gần gũi khác biệt với những chiếc dao công nghiệp sáng bóng, tôi không khỏi ngần ngại trước sự cạnh tranh giữa những sản phẩm thủ công truyền thống với những mặt hàng công nghiệp. 

Tự hào với làng nghề hơn ngàn năm tuổi - ảnh 2
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc đang làm việc tại hiên nhà
Ảnh: Thục Nhi

Như hiểu được suy nghĩ của tôi bác Mộc cho biết: “Nhân dân ta vốn có thói quen “ăn chắc, mặc bền” nên dùng cái gì là phải tận dụng đến không thể dùng được nữa mới thôi. Thậm chí hỏng rồi lại sửa chữa, dùng lại. Mà dao Đa Sỹ thì bà con tha hồ quăng quật, không lo lắng hỏng hóc gì cả. Có gỉ, mài đi lại sáng đẹp, sắc nước như mới. Còn dao nhập khẩu đẹp, mẫu mã phong phú nhưng độ sắc bén không bằng dao Đa Sỹ. Giá thành của các “dòng” dao này lại rất đắt, không hợp với đa số túi tiền của nhân dân ta. Trong khi đó, bên cạnh làm bếp, bà con ta còn dùng dao để chặt củi, phát cây, chẻ tre, làm vườn… không ai dám mang con dao đắt tiền ra dùng nên dao Đa Sỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu”.

Tuy vậy, trước những tác động mạnh mẽ của sự phát triển, những nghệ nhân làng nghề Đa Sỹ không vỗ về bản thân khi nền kinh tế chung của bà con nhân dân trong nước còn hạn chế nên lựa chọn sản phẩm của làng nghề mình, họ vẫn tìm tòi và học hỏi cách thức sản xuất dao của các nước bạn để cải tiến cách làm dao truyền thống của làng cho phù hợp với nhu cầu đời sống hiện đại.  Như thay thế các khâu rèn dao, cắt sắt, mài… bằng máy móc hiện đại để giảm thiểu sức người mà sản phẩm đẹp, hiện đại hơn.

Ở tuổi 70, với lòng yêu nghề và thiết tha mong muốn làng nghề được duy trì, tiếp nối và phát triển ở các thế hệ kế tiếp Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc vẫn ao ước khu công nghiệp làng rèn Đa Sỹ sớm được đưa vào hoạt động để bà con đầu tư trang thiết bị làm nghề nhanh chóng tạo ra những sản phẩm hợp thời đại vừa phục vụ bà con trong nước, vừa xuất khẩu ra nước ngoài, tránh ô nhiễm môi trường...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.