Về thăm nhà xưa

Huyền Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.

Việc về thăm lại nhà là tuân theo ý nguyện của ông tôi. Cách đây 7 năm, khi các con đều đã xuống Hà Nội lập nghiệp, ông bà quyết định bán đi ngôi nhà để đi theo các con. Nhưng từ đó, ông tôi rất hay nhắc về nhà xưa như thể ông đã đánh mất thứ gì quý giá.

Phải qua mấy lần bàn bạc, bác và bố tôi mới có thể sắp xếp đưa ông bà và chúng tôi về thăm lại chốn xưa. Đến nơi, ông tôi nói xe dừng ở đầu ngõ, để ông được tự đi bộ vào thăm nhà. Người chủ hiện tại của ngôi nhà, vốn là hàng xóm thân thiết của gia đình tôi khi xưa. Vì vậy, thấy ông tôi gọi cửa, bác cũng vui mừng mà chạy ra đón.

Chúng tôi bước vào sân. Sừng sững trước mặt là một ngôi nhà cao 2  tầng xây theo kiểu biệt thự. Tôi thấy ông hơi sững lại một chút. Bởi, trước kia, cũng vị trí ấy, có một ngôi nhà cấp 4, mái ngói đỏ, tường gạch đá ong, nơi ông bà tôi đã gắn bó già nửa cuộc đời. Có lẽ, hiểu tâm trạng của ông, bác hàng xóm vội kể:

- Sau khi mua lại nhà của bác, gia đình cháu vẫn sống ở nhà cũ mấy năm. Rồi mới đây, cũng nhờ các cháu làm ăn phát đạt nên gửi tiền về để bố mẹ xây nhà mới. Các cháu không muốn bố mẹ phải ở khổ những năm tháng cuối đời.

Bác hàng xóm kể vậy, chứ chúng tôi nào có quyền gì mà trách cứ bác đã đập ngôi nhà năm xưa đi để xây nhà mới. Giờ đây bác mới là chủ của ngôi nhà và mảnh vườn, chứ không phải chúng tôi.

Về thăm nhà xưa - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông tôi nghe bác nói xong, thì gật đầu rồi bảo: “Vâng, tôi hiểu lắm. Gia đình ta cũng phải nâng cấp cuộc sống lên. Chỉ là với tôi, ngôi nhà xưa có quá nhiều kỷ niệm nên tôi thấy hơi hụt hẫng một chút. Giờ, tôi xin phép bác cho tôi đi thăm lại một vòng mảnh vườn, cũng chẳng biết bao giờ tôi mới quay lại đây lần nữa”.

Được sự đồng ý của bác chủ nhà, ông bà dẫn chúng tôi ra thăm vườn. Thật may, trong vườn vẫn còn giữ được mấy cây ăn quả do đích thân ông tôi trồng thời trẻ. Bà tôi chỉ vào cây bưởi, nói đây là giống bưởi vừa ngọt, vừa thơm. Trung thu năm nào, bà cũng chọn những quả to, mọng nhất để cắt vào bầy cỗ cho các cháu.

Rồi cạnh đó là cây hồng ngâm sai quả lắm. Hồi bố tôi còn nhỏ, vì tham ăn đã trèo lên cây bứt hồng ăn, bị chát khé cổ mà khóc thút thít. Lại có cả cây mít đã chứng kiến không biết bao lần bác và bố tôi bị ông bà phạt do phạm lỗi gì đó, phải đứng úp mặt vào gốc cây để tự kiểm điểm bản thân. Đứng dưới những gốc cây ấy, ông tôi như chẳng muốn về. Ông bảo, xa nhà bao nhiêu năm rồi, vậy mà ông vẫn thấy như chỉ vừa mới hôm qua.

Trên đường về nhà, ông tôi trầm ngâm hơn. Rồi ông bảo với bà: “Không biết ngày xưa, việc chúng ta bán nhà là đúng hay sai, bà nhỉ”.

Nghe vậy, bố tôi liền thưa với ông: “Bố hãy coi đó là một giai đoạn đẹp trong cuốn nhật ký của gia đình mình. Còn cái gì đến sẽ phải đến. Năm đó, bố mẹ bán nhà để xuống ở gần cho chúng con tiện bề chăm sóc. Bố mẹ nghĩ xem, liệu chúng con có thể an tâm làm việc, các cháu có thể an tâm học hành không khi mà chúng con để bố mẹ già ở nơi xa vò võ một mình. Bố thông cảm cho chúng con, bố nhé”.

Bà tôi cũng an ủi ông: “Con nói vậy là đúng đấy ông ạ. Đôi khi, chúng ta cũng cần phải chấp nhận hy sinh. Ngôi nhà bán đi, nhưng đổi lại, tôi và ông lại có thêm nhiều thời gian được ở gần bên con cháu. Nếu tôi và ông vẫn ở lại nhà cũ, rồi có khi, ông ân hận khi không được thấy các con mình đã trưởng thành, các cháu đã lớn khôn thế nào. Khi chúng ta chân chậm mắt mờ, các cháu chúng ta đều bay cao, bay xa, lúc ấy, mình muốn được quay lại lúc chúng còn thơ bé cũng không được nữa”.

Tối hôm đó, bác chủ nhà gửi cho ông tôi một số bức ảnh chụp khu vườn. Rồi bác hứa, sẽ thay ông chăm sóc thật tốt những cái cây ông trồng, giống như lúc ông tôi còn ở đó.

Tôi thì muốn nói với ông rằng: Ông ơi, nhà tuy bán đi nhưng tình thân trong gia đình mình vẫn sẽ luôn còn mãi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.