Vì sao bà tôi sợ bác sĩ

Chia sẻ

Trong mắt tôi, bà nội từng là một người nhút nhát. Bởi, bà rất sợ phải đi khám bác sĩ. Mỗi lần bị ốm, bà thường bảo con cháu cứ để cho bà nằm nghỉ rồi bà sẽ tự khỏi.

Bình thường, bà luôn là người dậy sớm nhất nhà. Sau đó, bà đi quét sân, cho gà ăn, ra vườn chăm sóc mấy luống rau. Cho đến khi con cháu dậy thì sân bãi đã sạch tinh tươm.

Vì thế, chỉ cần hôm nào trở dậy mà nhìn sân vẫn còn vương lá rụng, chúng tôi biết ngay là bà bị ốm. Quả nhiên, khi vào giường thì bà vẫn nằm đó, mặt quay vào bên trong. Mẹ tôi hỏi thăm sức khỏe của bà, rồi bảo sẽ đưa bà đi bệnh viện. Nhưng bà gạt đi, bảo không sao. Bà biết cơ thể mình như thế nào. Các con cháu cứ để cho bà nằm nghỉ rồi bà sẽ tự khỏi.

Lần nào ốm nhẹ thì bà chỉ nằm đến trưa là có thể túc tắc trở dậy, rồi bà lại làm việc nhà giúp con cháu. Lần ốm nặng hơn thì bà nằm đến ngày hôm sau. Đến bữa, bà ăn rất ít hoặc không ăn. Có lần ốm nặng, bà nằm thiêm thiếp trên giường hai ngày liền. Con cháu nói kiểu gì bà cũng không đi viện. Đến ngày thứ ba thì bà đỡ dần rồi khỏi hẳn bệnh.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mấy lần, tôi có dịp thủ thỉ hỏi vì sao bà không chịu đi khám bệnh. Bà bảo: Vì bà sợ bác sĩ lắm. Bà rất sợ tiêm. Tôi cười bảo bà: Cháu là trẻ con mà còn không sợ tiêm. Bà gật đầu: Bà nhát lắm nên đừng bao giờ bảo bà đi viện.

Khi tôi lên cấp 2, bà nội bị ốm một trận khá nặng. Lần này không như những lần trước, bà bị sốt cao, đau bụng mỗi lúc một nhiều. Khi bố mẹ quyết định áp tải bà đi viện, bà vẫn khăng khăng từ chối: “Mẹ không đi. Các con cứ cho mẹ nằm nhà thêm mấy hôm nữa. Mẹ mới bị đau bụng thôi à”. Không thuyết phục được bố mẹ tôi, bà lại nói: “Thôi thì các con lại đi mua thuốc cho mẹ uống là được. Lần trước, mẹ nó mua cho mẹ mấy viên vàng vàng uống rất hiệu nghiệm”. Tất nhiên là bố mẹ tôi không thể lui bước. Cuối cùng, bà cáu quá, đành nói thật lý do: “Đi bác sĩ tốn tiền lắm, thôi, cho mẹ ở nhà”.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết được lý do thật vì sao bà không chịu đi bác sĩ. Không phải vì bà sợ tiêm mà bởi bà sợ làm tốn tiền của con cháu. Bà vẫn theo cách nghĩ cũ, tiếc mấy đồng tiền bỏ ra còn hơn cả sức khỏe của mình.

Rất may nhờ đi viện kịp thời mà bà không bị ảnh hưởng tới tính mạng. Bác sĩ nói, bà bị đau ruột thừa.

Sau lần đó, tưởng bà đã rút ra kinh nghiệm xương máu. Nào ngờ, bà vẫn giữ thói quen cũ, hạn chế tối đa việc đi bệnh viện. Nhưng, bà không biết rằng, tuổi bà ngày một cao, sức đề kháng sẽ yếu dần. Cơ hội để bà tự chống chọi với bệnh tật không thể tốt như lúc bà còn trẻ, khỏe.

Còn tôi thì từ lúc nào đã ấp ủ ý nghĩ sau này phải thành đạt, phải kiếm được tiền để bà không còn sợ đi viện làm tốn tiền của con cháu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tháng trước, sau sinh nhật lần thứ 80, bà tôi bị một trận ốm sốt. Bố mẹ từ quê gọi điện báo tin để tôi về chăm bà. Giờ đây, tôi đã tốt nghiệp đại học, có công việc tốt ở thành phố. Bố mẹ hy vọng tôi về sẽ khuyên được bà đi bệnh viện.

- Bà ơi, để cháu đưa bà đi viện nhé, tôi nói với bà.

- Không, bà không đi, cháu biết bà rất sợ bác sĩ, sợ đau còn gì, bà trả lời.

- Không phải. Cháu biết bà không sợ đau mà bà sợ tốn tiền đi viện. Nhưng bà ơi, giờ cháu đã đi làm, cháu của bà còn kiếm được rất nhiều tiền, đủ để chăm lo cho sức khỏe của bà.

Bà nội nghe vậy thì im lặng rồi đồng ý để “đứa cháu giàu nhất” đưa đi viện. Tuy nhiên, bác sĩ ở bệnh viện nói bà tôi sẽ khó bình phục được như trước vì bà đã già rồi, giống như ngọn đèn trước gió, chẳng biết tắt lúc nào.

Nghe bác sĩ nói vậy, tôi bỗng òa khóc. Cả đời bà tôi không dám đi viện vì sợ tốn tiền của con cháu. Giờ, tôi có đủ tiền đưa bà đi viện thì bà lại sắp gần đất xa trời…

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.