Việc lớn của con trai

Chia sẻ

Hôm đó, ngay trong ngày giỗ ông, bà nội tôi đã nổi giận với mẹ. Từ ngoài sân, tôi nghe thấy bà nói: “Lần sau, nếu con không làm thì để mẹ làm. Thằng Thắng sinh ra không phải để đứng ở đây”.

Thằng Thắng chính là tôi, cháu nội đích tôn của bà. Còn nơi bà nói tôi sinh ra không phải để đứng ở đó, chính là trước bồn rửa bát. Sau bữa giỗ, tôi đã nhanh nhảu giúp mẹ dọn bàn, bê bát ra bồn rửa và rửa bát thay mẹ. Tôi thấy việc này hoàn toàn bình thường. Mẹ tôi đã phải dậy sớm đi chợ, nấu cỗ cho mấy chục người ăn. Chị gái tôi thì bận học nên sau bữa cỗ đã vội tới trường. Chỉ còn tôi là khỏe chân khỏe tay, lại chẳng vướng bận gì nên tôi nhận rửa bát. Không ngờ, việc này lại làm bà tôi nổi giận.

Bà vội chạy ra sân, không cho tôi tiếp tục chạm vào những chiếc bát bẩn. Bà bảo: “Cháu lên nhà uống nước với các bác. Bà sẽ rửa bát thay cho cháu”. Thấy tôi ngần ngừ, bà kéo tuột tôi vào nhà. Sau đó thì đến câu chuyện giữa bà và mẹ. Tất nhiên là mẹ tôi không bao giờ để cho bà rửa bát được. Mẹ tôi nói: “Thôi mẹ để con rửa, mẹ cứ lên nhà đi ạ”.

Tôi nghe tiếng bước chân nặng nề của bà thì biết là bà đang rất giận mẹ. Tôi cũng biết mẹ tôi lúc đó cũng buồn lắm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngày còn nhỏ, gia đình tôi sống cùng ông bà nội. Tôi đã quen nhìn bà nội và mẹ tôi, sau này là chị gái tôi tất bật với công việc nội trợ. Ông nội, bố tôi và tôi thì gần như không phải đụng chân đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Bởi ông bà nội tôi quan niệm, bếp núc là chuyện của đàn bà. Còn đàn ông con trai sinh ra là để làm những việc lớn ngoài xã hội. Bà nội tôi dù có mệt đến mấy, ốm đến mấy cũng chưa từng nhờ ông tôi nấu giúp bà một bữa cơm.

Cách đây 3 năm, gia đình tôi dọn ra ở riêng tại một căn hộ nhỏ ở gần nhà bà. Cũng từ đó, chúng tôi bắt đầu sắp xếp cuộc sống của riêng mình. Bố tôi làm trong lĩnh vực cầu đường nên thường xuyên phải xa gia đình. Mẹ tôi đóng vai trò vừa làm mẹ, vừa làm bố của hai chị em tôi. Mẹ tôi giỏi đi chợ, biết nấu ăn ngon và cũng biết tự tay sửa đường ống nước, thay chiếc đèn điện bị cháy, thau bể nước ăn… Trong mắt bà tôi, những việc mà một người phụ nữ như mẹ có thể làm ấy là đương nhiên. “Người phụ nữ phải lo quán xuyến gia đình để người đàn ông yên tâm đi kiếm tiền”, bà tôi nói. Thi thoảng, bố tôi có về chơi thì bà cũng luôn có ý dặn mẹ tôi phải chăm sóc bố, để bố được nghỉ ngơi. Bà không muốn mẹ tranh thủ có bố về là nhờ bố việc này việc kia.

Thế nhưng, nhìn mẹ vất vả, một đứa con trai như tôi thấy mình sao đó. Tôi không thể an lòng nằm khểnh xem ti vi trong khi mẹ tôi phải vất vả một mình dưới bếp. Tôi cũng chẳng thích thú gì khi chị gái tôi luôn bị nhắc nhở vì để nhà cửa không gọn gàng trong khi tôi cũng là người bày bừa. Thế là tôi quyết định mình cần giúp đỡ mẹ và chị gái. Chiều đến, tôi thay chị gấp quần áo, quét nhà. Sau bữa cơm, tôi bê mâm bát đi rửa. Mẹ và chị gái bận, tôi có thể vào bếp nấu cơm, dù là không ngon như mẹ và chị nấu. Tôi cảm thấy khi chúng tôi cùng nhau chia sẻ việc nhà thì mọi người đều thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Nhưng, đó là khi chúng tôi ở riêng. Còn với bà nội tôi, việc này không thể chấp nhận. Sau lần đầu tiên thấy tôi rửa bát, bà không chỉ phê bình mẹ mà còn gọi điện cho bố tôi, nó bố phải để mắt đến tôi nhiều hơn. Bà muốn bố dạy cho tôi hiểu rằng, tôi là đàn ông và đàn ông thì không làm việc nhà.

Hôm đó trở về nhà, mẹ tôi nói tôi hãy thông cảm cho bà. Thế hệ của bà đã lớn lên với suy nghĩ như vậy. Bà tôi đã ngoài 80 tuổi, gần như trọn cuộc đời bà đã hoàn thành xuất sắc vai trò của người nội trợ của gia đình. Giờ, để có thể thay đổi được bà thật khó. Tuy nhiên, mẹ tôi mừng vì tôi đã có suy nghĩ tiến bộ, tự tôi thấy rằng việc áp đặt phụ nữ sinh ra chỉ để rửa bát quét nhà là không công bằng. Và cũng không thể nói rằng, đi làm kiếm tiền là cao quý hơn ở nhà nội trợ.

Tôi đồng ý với mẹ là không nên giận bà. Tôi cũng biết, sẽ còn nhiều việc phải làm để có thể “lấy lại công bằng” cho người phụ nữ cũng như giúp những người phụ nữ nào còn suy nghĩ như bà tôi thay đổi quan niệm. Nhưng, không sao, tôi tin rằng, mọi sự thay đổi đều cần có điểm khởi đầu và tôi muốn mình sẽ là một trong những điểm khởi đầu ấy.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã sáng tạo, đổi mới, thành lập và nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hay, triển khai thực hiện hoạt động phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 1/1/2025.
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

(PNTĐ) - Hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Thành phố không ngừng được nâng cao. Cùng với đó, đồng bào các DTTS, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 đã thành công tốt đẹp, qua đó, nhiều kỳ vọng, kiến nghị, đề xuất được đưa ra để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô trong 5 năm tới.
Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

(PNTĐ) - Nhận thức tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển Thủ đô, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt công tác gia đình. Qua đó, nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ ở Hà Nội được triển khai hiệu quả.
Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

Đặt tên con theo tiếng nước ngoài, được không?

(PNTĐ) -  Câu hỏi: Chồng em là người nước ngoài, còn em vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Khi em sinh con ở Việt Nam thì con em đương nhiên có quốc tịch Việt Nam hay không? Vợ chồng em muốn đặt họ tên con trên Giấy khai sinh bằng tiếng nước ngoài theo bố thì có được cơ quan Nhà nước chấp nhận hay không? Hà Phương Lan (Quốc Oai)