Việt Nam đang kỳ vọng về một liên hoan phim lớn như Cannes

Chia sẻ

Đề án đưa Liên hoan phim (LHP) Việt Nam trở thành “thương hiệu quốc gia” với mục tiêu thu hút sự chú ý từ giới điện ảnh và dư luận quốc tế như mô hình LHP Cannes của Pháp đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) triển khai.

Sự cần thiết của LHP mang thương hiệu quốc gia

Đảng và Nhà nước nhận định, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Do đó, nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển.

Đặc biệt, Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Theo đó, mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tạo thêm công ăn việc làm mới cho xã hội. Riêng ngành điện ảnh đóng góp 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD). Kỳ vọng đến năm 2030 tăng lên 7% GDP, riêng ngành điện ảnh 250 triệu USD (phim Việt Nam đóng góp khoảng 125 triệu USD).

Phim “Cánh đồng bất tận” với những cảnh đẹp như tranh vẽ thu hút du lịch đến với miền TâyPhim “Cánh đồng bất tận” với những cảnh đẹp như tranh vẽ thu hút du lịch đến với miền Tây

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, "Đề án Xây dựng và quảng bá thương hiệu LHP quốc gia Việt Nam" đã ra đời với ba mục tiêu cơ bản đó là: LHP Việt Nam phải trở thành thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực điện ảnh, khẳng định vị thế, uy tín ở trong nước và quốc tế. Thứ hai, góp phần quảng bá nghệ thuật điện ảnh, hình ảnh quốc gia, sức hấp dẫn văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Thứ ba, góp phần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 1755 của Chính phủ.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà lý giải, những thông tin về địa lý, lịch sử, sắc màu văn hóa, tập tục truyền thống sẽ được thể hiện rất sinh động, ấn tượng và dễ dàng đi vào lòng người thông qua các tác phẩm điện ảnh được công chiếu tại LHP. Do đó, đây không chỉ là hình thức quảng bá rất tốt mà chiếm lĩnh vị trí trung tâm, trọng yếu trong giới thiệu các sản phẩm điện ảnh không nơi nào thuận lợi, hiệu quả hơn các LHP trong nước và quốc tế.

Mặc dù lượng khán giả xem phim ít hơn so với xem truyền hình và các kênh truyền thông xã hội, nhưng tác phẩm điện ảnh lại có sức cuốn hút, để lại những dấu ấn sâu đậm, bền vững - điều mà các phương tiện truyền thông khó có thể thay thế.

Trước ý kiến cho rằng việc mở cửa hội nhập sẽ khiến các LHP Việt Nam phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhận định, thương hiệu mang tầm quốc gia của LHP Việt Nam cần được xây dựng một cách bài bản, khoa học và mang tính chuyên nghiệp cao, đồng thời phải đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ mới nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà.

Điều đặc biệt mà LHP mang thương hiệu quốc gia Việt Nam hướng tới đó là sẽ được triển khai tương tự như mô hình LHP Cannes của Pháp. Thống kê của Cục Điện ảnh chỉ ra trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, mỗi kỳ LHP của Việt Nam đều đón khoảng hơn 1.000 đại biểu cùng khoảng 3.000-12.000 khán giả xem trực tiếp và giao lưu với nghệ sĩ, lượng khán giả tham dự tuần phim xấp xỉ 8.000-15.000 người.

LHP mang thương hiệu quốc gia Việt Nam hướng tới triển khai tương tự như mô hình LHP Cannes của Pháp. (Ảnh minh hoạ). Ảnh: IntLHP mang thương hiệu quốc gia Việt Nam hướng tới triển khai tương tự như mô hình LHP Cannes của Pháp. (Ảnh minh hoạ). Ảnh: Int

Đánh giá của các chuyên gia về LHP theo mô hình Cannes

Từng có thời gian giữ vai trò giám khảo LHP quốc tế Pune và tham dự nhiều LHP khác nhau, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam là vô cùng quan trọng, nhất là trong thời buổi “nền kinh tế hình ảnh” được chú trọng. “Ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, quốc gia thì điện ảnh sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay.

Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, một số giải pháp phải thực hiện như thành lập Ban Giám đốc LHP Việt Nam cố định hoạt động ổn định, liên tục; xác định tác phẩm điện ảnh là nhân tố cốt lõi để tập trung phát hiện, đầu tư. Bên cạnh đó, LHP Việt Nam cũng cần mời ban giám khảo uy tín, có thương hiệu quốc tế và đầu tư cho một số bộ phim chất lượng, các phim này sẽ tham dự LHP quốc tế để nâng tầm vị thế cho điện ảnh Việt.

Đạo diễn Phan Đăng Di nhận định, các nhà làm chính sách cần phải hiểu rõ vấn đề nếu muốn thúc đẩy điện ảnh có sức cạnh tranh cũng như khả năng hội nhập để trở thành nhân tố mạnh trong xây dựng công nghiệp văn hóa. Đạo diển nhấn mạnh, đó phải là một LHP quốc tế do một quốc gia tổ chức, được thử thách qua thời gian và là điểm đến được tin tưởng, lựa chọn của giới điện ảnh toàn cầu thì mới trở thành một thương hiệu quốc gia được. Cũng theo ông Di, việc cải thiện những vấn đề nội tại của ngành mới là việc cần làm ngay.

Hầu hết chuyên gia đồng thuận về tính cấp thiết của đề án cũng như yêu cầu nâng cao và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, làm như thế nào, thực hiện chuyên nghiệp ra sao, đạt kết quả thực tiễn đến đâu thì cần phải có một chiến lược dài hơi, thực tế hơn. Ngoài ra, các nhà làm điện ảnh Việt Nam cũng cần có biện pháp cụ thể, khả thi trong đầu tư nâng cao số lượng, chất lượng phim tham dự, chất lượng nguồn nhân lực, khâu tổ chức, vận hành, quảng bá mà một LHP quốc tế thực thụ cần có.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.