Vũ Như Quỳnh - Khát vọng đưa gốm Việt ra thế giới

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tự hào vì được sinh ra trong cái nôi làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với gia đình có 4 đời cha ông làm nghề thủ công truyền thống này, nghệ nhân Vũ Như Quỳnh nối nghiệp như một sứ mệnh được trao truyền. Dù có ưu thế với bề dày truyền thống gia đình, nhưng Vũ Như Quỳnh luôn trăn trở làm sao để kết tinh giữa truyền thống và hiện đại, giữ được nét cổ mà vẫn gần gũi với đương đại, có giá trị với tương lai.

Nữ nghệ nhân tài hoa 

Tâm đắc với câu “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân đi. Bởi vậy hãy bước về phía trước, mở rộng lòng ra, rồi đất trời mênh mông sẽ ôm lấy tất cả tin yêu trong bạn”, Vũ Như Quỳnh đã đi học tập, trải nghiệm, mở mang trí tuệ và rồi lại trở về với nghề quý cha ông truyền lại.

Vũ Như Quỳnh chia sẻ: “Từ nhỏ đã quen với mùi hương của đất sét khi chứng kiến bố mẹ, người thân làm đồ gốm, nhưng ban đầu, tôi chưa nhận ra tình yêu của mình với gốm sứ. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã đăng ký học ngành thiết kế thời trang ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và có 4 năm làm trong ngành này”. 

Vũ Như Quỳnh - Khát vọng đưa gốm Việt ra thế giới - ảnh 1
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh

Sau những trải nghiệm với ngành thời trang, nhiều lần ngắm những tác phẩm gốm sứ và có những suy nghĩ rằng mình sẽ sáng tạo ra sao trên những tác phẩm này, làm sao để đẹp hơn, phù hợp hơn với đời sống hôm nay, Vũ Như Quỳnh đã nghĩ tới việc trở về nối nghiệp gia đình. Lợi thế của cô lúc này chính là những năm tháng học thiết kế thời trang đã cho cô nhiều kiến thức về mỹ thuật như hình khối, màu sắc, thiết kế sản phẩm… để có thể vận dụng, sáng tạo khi sản xuất gốm. 

Mặc dù có vốn liếng là nghề có từ trong tiềm thức, lớn lên trong nôi làng nghề và ngấm nghề trong từng tế bào, song nghề gốm cũng khiến Vũ Như Quỳnh va vấp không ít, trải qua biết bao thất bại mới làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh. Nhất là khi cô tâm huyết để tạo nên những sản phẩm mới. Sau những lần hụt vốn, Vũ Như Quỳnh lại được bố mẹ và gia đình ủng hộ, động viên cổ vũ để tiếp tục dám làm hơn thế nữa. Từ đây, Vũ Như Quỳnh đã mạnh dạn bước vào con đường mới, đó là làm gốm đắp nổi, dát vàng, vẽ vàng, men rạn. Với những kiến thức thu nhận được từ việc học ngành mỹ thuật, Vũ Như Quỳnh đã làm các sản phẩm nổi 3D đầu tiên trên sản phẩm, mang lại một luồng gió mới cho các sản phẩm gốm tâm linh phong thủy.

Vũ Như Quỳnh - Khát vọng đưa gốm Việt ra thế giới - ảnh 2
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh cùng các nữ nghệ nhân làng nghề gốm Bát Tràng

Vũ Như Quỳnh luôn tâm niệm làm sao để vừa cải tiến, vừa hoàn thiện công nghệ vừa đảm bảo yếu tố truyền thống của gốm Việt - Bát Tràng cổ. Dựa trên họa tiết hoa văn, bài men, các điển tích cổ, được Vũ Như Quỳnh sáng tạo ra những thiết kế mới đưa vào các sản phẩm gốm đương đại, thổi hồn vào sản phẩm để các sản phẩm được người tiêu dùng hôm nay đón nhận.

 Để phát triển và mở rộng sự nghiệp, Vũ Như Quỳnh trở thành Giám đốc công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc đặt tại làng nghề gốm Bát Tràng. Tiền thân công ty mà Quỳnh đang gây dựng thương hiệu là một xưởng sản xuất gia đình nhỏ lẻ, thành lập từ năm 1988. Hồi ấy, Vạn An Lộc chỉ có quy mô là một xưởng gốm nhỏ, với 5 thợ thủ công chính và có 3 cơ sở phân phối sản phẩm, phạm vi chỉ trong khu vực làng nghề Bát Tràng. Các sản phẩm khởi điểm của Vạn An Lộc cũng đơn giản là bộ đồ thờ cúng, chén bát, lọ hoa, chậu cây… đều là dòng sản phẩm phổ thông trong làng nghề.

Tầm nhìn của nữ nghệ nhân trẻ là làm sao đưa gốm sứ truyền thống Việt vươn ra khỏi biên giới, ra các quốc gia trên thế giới và nâng tầm gốm Việt Nam.

Nếu như lựa chọn làm thương mại với nghề gốm là con đường an toàn hơn. Tuy nhiên, Vũ Như Quỳnh đã trăn trở làm thế nào để làm mới và để tạo ra những giá trị ngoài vật chất. Từ đó Vũ Như Quỳnh đã tìm ra hướng đi riêng. Trên nền tảng mà bố mẹ cô đã đầu tư kỹ thuật, công sức, mồ hôi nước mắt để tạo ra, Vũ Như Quỳnh đã tiếp bước truyền thống và đi xa hơn nữa. Tầm nhìn của nữ nghệ nhân trẻ là làm sao đưa gốm sưa truyền thống Việt vươn ra khỏi biên giới, ra các quốc gia trên thế giới và nâng tầm gốm Việt Nam.

Vũ Như Quỳnh - Khát vọng đưa gốm Việt ra thế giới - ảnh 3
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh

Đưa Vạn An Lộc vươn xa

Nhờ hiểu biết hồn đất, cốt đất, da đất, về nghề Vũ Như Quỳnh đã quyết tâm sáng tạo để phát triển các dòng sản phẩm mới, tìm những hướng đi mới với những thách thức trên nền sản phẩm cũ. 

Vũ Như Quỳnh cho biết: Nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm men rạn đắp nổi vẽ vàng và thếp vàng đòi hỏi sự kết hợp tinh xảo giữa nước men cũ và những yếu tố mới như vàng trong vẽ vàng và dát vàng lên sản phẩm. Màu sắc của sản phẩm phải hài hòa, đa dạng, không chỉ đơn sắc như trước, nhờ việc tạo ra các khối sáng tối đậm nhạt khác nhau trên họa tiết để có hiệu ứng thị giác 3D. Sau khi nghiên cứu thành công, công ty bắt đầu sản xuất với số lượng lớn hơn, với kiểu dáng được cải tiến đa dạng theo thời gian. 

“Vì vậy, nếu không sáng tạo trên những nền tảng cũ và kiên trì đi theo con đường đó, Vạn An Lộc sẽ không thể ra đời những sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng cao cấp đón nhận như hiện nay”- Quỳnh chia sẻ. 

Vũ Như Quỳnh - Khát vọng đưa gốm Việt ra thế giới - ảnh 4
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh hướng dẫn cho du khách làm gốm

Các đồ thờ cúng tâm linh ở Việt Nam rất ưa chuộng dát vàng. Không chỉ sử dụng trong thờ cúng, các vật phẩm trang trí tâm linh dát vàng cũng ngày càng được ưa chuộng và phát triển thành một dòng sản phẩm riêng. Hiểu nhu cầu đó, từ năm 2017, Vạn An Lộc đã phát triển phân khúc đồ tâm linh cao cấp dát vàng và vẽ vàng kỹ thuật cao. Sự kết hợp tinh tế giữa gốm và vàng, giữa chất liệu chịu nhiệt và đẹp lên qua những lần thử lửa, cùng sự tìm tòi chịu khó của người nghệ nhân, tích lũy tinh hoa qua nhiều đời làm nghề đã làm nên thương hiệu Vạn An Lộc được ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Vạn An Lộc đã và đang nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo như một cách để nhắc mình không dừng lại và không ngủ quên trên những thành công. 

 Thấm thoắt cũng đã 7 năm khởi nghiệp, sớm có được những thành công với dòng gốm sứ đắp nổi, Vũ Như Quỳnh thấy tâm đắc nhất là một khi đã yêu và dám hết mình với điều mình yêu thì sẽ gặt hái được nhiều trái ngọt. “Tình yêu với gốm luôn là động lực để vượt qua mọi khó khăn giúp tôi luôn vững bước trên con đường phía trước. Không gì hạnh phúc bằng được làm công việc mà mình yêu thích- Vũ Như Quỳnh nói.

Việc làm gốm, phát triển dòng gốm mới độc đáo và được người tiêu dùng đón nhận, có chỗ đứng trên thị trường, Vũ Như Quỳnh đã tạo ra giá trị vật chất và tinh thần đáng trân quý. Tháo vát sự nghiệp là vậy, Vũ Như Quỳnh vẫn giữ được nét đằm thắm của người phụ nữ đảm việc nhà. Vũ Như Quỳnh chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ tôi đã nghe câu chuyện từ bà nội về sự đảm đang tháo vát của người phụ nữ Bát Tràng xưa. Vì vậy, ngoài việc làm gốm, tôi cũng “giữ lửa” cho gia đình để nuôi dạy các con và vun vén gia đình êm ấm”.

Nữ nghệ nhân – doanh nhân xinh đẹp Vũ Như Quỳnh hiện còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Doanh nhân & Nghệ nhân Bát Tràng. Trước thềm năm mới 2023, Vũ Như Quỳnh chia sẻ, trong năm mới cô sẽ cho ra mắt thêm dòng gốm sứ Decor (trang trí) để phục vụ khách hàng, tiếp tục đưa gốm sứ Vạn An Lộc lên một nấc thang mới. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.