Vua Lê Hoàn và mối duyên bên dòng Nhuệ giang

Chia sẻ

Trong đời sống, Vua Lê Hoàn là bậc hào hoa, phong lưu bậc nhất so với các vị vua trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông còn có những mối tình lưu danh sử sách như mối tình với Hoàng hậu Dương Vân Nga hay mối tình với Đô Hồ phu nhân, thánh nữ vùng Tả Thanh Oai mà tới nay nhân dân trong vùng vẫn lưu giữ.

Thật bất ngờ khi xuống vùng Phú Diễn - Tả Thanh Oai, dọc hai bên bờ Nhuệ giang chúng tôi bắt gặp nhiều ngôi đình uy nghi mà nên thơ dưới những tán đại thụ xum xuê cành lá, ngan ngát hương hoa thờ Đức Vua Lê Hoàn, trong đó có những nơi thờ đức Vua Lê Hoàn và bà Chúa Hến.

Ở Thanh Trì, trên gò Ngũ Nhạc cũng có một ngôi đình thờ Đức Vua Lê Hoàn và bà Chúa Hến, địa danh này đã đi vào sử sách - thơ ca: “Thanh Trì có bánh cuốn ngon/ Có gò Ngũ nhạc có con sông Hồng/ Thanh Trì cảnh đẹp người đông/ Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh”.

Bà Chúa Hến là Phạm Hoàng hậu, một trong 5 Hoàng hậu của đức Vua Lê Hoàn, bà còn được gọi là Đô Hồ phu nhân. Chuyện tình của bà không được biết đến nhiều như chuyện tình của đức Vua Lê Hoàn với Thái Hậu Dương Vân Nga nhưng là một chuyện tình đẹp được nhân dân trong vùng truyền tụng và lưu lại trong thần phả của đình Hoa Xá: Khi Vua Lê Hoàn dẫn quân đi đánh giặc qua đây đã dừng lại và được nhân dân ủng hộ. Trong đoàn người nô nức gánh thóc gạo tới có cô thôn nữ, tuổi tròn đôi tám, mặt sáng như ngọc, dáng vóc tươi xinh sau làn vải gụ, Vua Lê Hoàn để mắt dõi theo. Khi nàng dừng chân bên bến sông vốc nước rửa mặt vua thấy vầng mây ngũ sắc che trên đầu, biết đó là bậc thánh nhân ẩn dật trong thiên hạ nên đã ngỏ lời đón nàng về cung. Tên bà là Phạm Thị Hến nên bà con trong vùng gọi bà là bà Chúa Hến.

Đền thờ đức Vua Lê HoànĐền thờ đức Vua Lê Hoàn

Từ đó, nhân dân Tả Thanh Oai lập đình thờ đức Vua Lê Hoàn cùng bà Chúa Hến tại đình Hoa Xá. Mảnh đất nhà riêng của bà được xây lăng thự, gọi là “Minh Ngự lâu” (lầu ngự sáng) và sau này trở thành miếu thờ bà cùng đức Vua Lê Hoàn.

Đối diện Tả Thanh Oai là Hữu Thanh Oai cũng có một ngôi đình thờ đức Vua Lê Hoàn, tương truyền, khi qua vùng đất này, thấy một gò đất đẹp hình con rùa nổi lên, tục gọi là gò rừng Mơ, vua dừng lại nghỉ ngơi. Nhân dân biết tin đã ra chúc tụng, dâng cỗ chay và xin duệ hiệu, định hướng đình để được thờ phụng.

Còn đối diện với đình Hoa Xá, chếch qua sông Nhuệ là làng Phú Diễn, Hữu Hòa, Thanh Oai, Hà Nội cũng có 2 ngôi đình thờ đức Vua Lê Hoàn: một ngôi đình có ban thờ Thần Nông, một ngôi đình phối thờ ngài với đức Thánh Hoàng Thông. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Chu, một trong những thủ từ trông coi đình Phú Diễn cho biết: “Làng tôi vô cùng tự hào và hãnh diện khi có vinh dự được Vua Lê Hoàn đặt chân tới và nghỉ lại trên đường đi chiến trận xa. Làng tôi có hai ngôi đình thờ ngài và cả hai ngôi đình đều là di tích đã xếp hạng.

Ngôi đình này thờ đức Vua Lê Hoàn và đức Thánh Hoàng Thông, cậu ruột của Hai Bà Trưng. Việc phối thờ này được lưu trong Thần tích là khi vua Lê Hoàn đi đánh giặc, đã dừng chân ở đây và được đức Thánh Hoàng Thông báo mộng sẽ phù giúp việc đánh giặc. Khi chiến thắng trở về, đức Vua Lê Hoàn đã trở lại đây, mở tiệc khao quân, thưởng dân và cảm tạ Thánh thần. Nhân dân cảm kích lập đền thờ, tôn đức Vua Lê Hoàn và đức Thánh Hoàng Thông làm Thành Hoàng làng. Cứ mùng 8 tháng 3 hàng năm, nhân ngày mất của đức Vua Lê Hoàn, dân làng lại mở hội, làm lễ tưng bừng!”.

Là vị vua lên ngôi đúng vào khi đất nước rối ren, rơi vào tình thế cấp bách, Vua Lê Hoàn đã được nhân dân và Thánh Thần khắp nơi tin yêu, phù giúp mà vùng Thanh Oai là một ví dụ sinh động.

Trong “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” nhà sử học Lê Văn Hưu đã nhận xét về Vua Lê Hoàn: “Chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được” hay: “Lê Hoàn có công làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống”. Trong khi vua Tống coi dân ta là “ngu tối, ru rú ở bốn góc nhà” xem nước ta là “chốn đảo di” thì Vua Lê Hoàn đã thay đổi diện mạo Hoàng cung bằng “chiến lợi phẩm” thu được từ các cuộc chinh phạt: “Dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột giát vàng bạc, làm nơi coi chầu” lại “dựng điện Long Bộc, mái lợp ngói bạc”. Ông ngầm thể hiện sức mạnh khi tiếp sứ thần: “Hàng ngày đem những thứ quý lạ bày chật cả sân, để tỏ sự giàu có”, “Bày thủy quân và chiến cụ để khoe” và “Bày yến tiệc để thết đãi”. Sau đó, ông cáo lỗi không quỳ khi nhận chế thư và bảo sứ thần “Lần sau có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới” vua Tống cũng phải nghe.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.