... Vương thì tội

Chia sẻ

Có thể khi lớn lên, con gái cô sẽ hiểu được để giữ được một người cha cho nó nũng nịu, ôm ấp, mè nheo… mẹ nó đã phải đánh đổi bằng rất nhiều của cải vật chất, bằng bao đêm khóc thầm và sự héo hon của tuổi thanh xuân. Một cái giá quá đắt trong đời người nhưng vì con, cô sẵn sàng và chấp nhận đánh đổi.

Điệp vịn vào thành cây cầu, nhìn xuống bờ sông nơi người đánh cá vừa vớt được đôi dép xốp, lòng cô bâng khuâng. Đêm qua, cả khu phố này náo động vì một cô gái dại dột nhảy cầu tự tử, may mà lực lượng chức năng và người dân đã cứu được. Nghe bảo, vì đứa con sinh ra không giống cha, bị nhà chồng hắt hủi, cô gái trẻ ấy thấy tủi hổ nên có ý định quyên sinh.

Thực ra Điệp còn đang sống trong một hoạt cảnh éo le hơn thế nhưng không thể hành động như người con gái đó vì lòng cô vẫn đầy vương vấn. Ngay cả những người thân như cha, mẹ, họ hàng và bạn bè thân thiết cũng đâu ngờ đến nỗi éo le mà cô gặp phải. Họ thấy cô được làm dâu ở một gia đình gia giáo, quanh năm không thấy vợ chồng to tiếng, nhà cửa khang trang, con cái ngoan ngoãn… thế là lý tưởng rồi. Nhưng, phải “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Điệp và chồng học cùng nhau từ thời sinh viên. Thanh là chàng trai hiền lành, ít nói, thường nhường nhịn người yêu mỗi khi hai người xảy ra cãi vã. Phải đến những ngày tháng cuối cùng của đời sinh viên, cả bố mẹ Thanh và Điệp mới ngã ngửa dù Thanh có nhận được bằng tốt nghiệp loại khá cũng khó mà ra được nổi cổng trường vì… còn nợ các quán ở gần trường khá nhiều tiền.

Sau tấm bằng đại học được “chuộc” bằng khoản tiền khá lớn, đám cưới của hai người được tổ chức trong sự vui mừng của người thân và bạn bè. Lúc ấy, Điệp đã nghĩ khi “về tay mình”, Thanh sẽ phải khác. Người ta bảo đàn ông đa phần đều lêu lổng khi độc thân còn khi đã yên bề gia thất sẽ phải tu chí làm ăn. Chỉ cần người vợ có uy một chút, biết khéo léo vừa đấm vừa xoa là mọi chuyện sẽ êm xuôi.

Nhưng với suy nghĩ của một cô gái hai mươi ba tuổi khi đó, Điệp làm sao ngờ được hết các dữ kiện còn lại trong bài toán hôn nhân này. Quả thật, Thanh rất nghe lời cô, luôn sợ cái uy của cô nhưng đó là khi chỉ có hai người. Còn ở trong nhà này, anh là cậu ấm, là cục cưng. Lúc sắp cưới, Điệp từng nghe loáng thoáng bạn bè và các anh chị khuyên: “Mày nên xin ra ở riêng, vừa tránh xung đột, va chạm mẹ chồng - nàng dâu, vừa dễ “dạy” chồng”.

Ấy vậy mà Điệp lại không làm được điều đó. Khi biết căn bệnh rối loạn tiền đình của mẹ chồng và nghĩ đến cảnh bà bao năm vất vả bếp núc vì sinh toàn con trai, cô đã tự nguyện sống chung với bố mẹ chồng. Như “hổ” được “thả” về rừng, ngoài giờ đi làm Thanh bắt đầu “khởi động” lại những cuộc cá độ. Ban đầu chỉ là đôi triệu “bắt” các trận ở vòng loại trực tiếp Cúp C1 (Champions League), dần dần là cả chục triệu vay thấu chi được ném vào các trận đấu rồi đến lúc Thanh phải vay thế chấp cả lương.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một lần, vì chị kế toán của cơ quan phải mổ ruột thừa nên làm thủ tục đối ứng trả lương chậm, định mượn thẻ ATM của chồng, Điệp mới vỡ lở ra điều ấy. Trước cú sốc, cô bế con ra ở nhờ căn hộ bỏ không định cho thuê của đứa bạn thân. Nhưng với một cô gái trẻ giữa thành phố này, làm sao có thể tự lập được, cô đành phải trở về như một người có lỗi. Thanh thì ngược lại, anh càng được nước lún sâu hơn vào các trận cá độ và lô đề.

Điệp dần nhận ra, bố chồng cô tuy là người đạo mạo, hiền lành nhưng ngoài những lời giáo huấn khô khan, máy móc ra ông chẳng có hành động nào cụ thể để chấn chỉnh cậu con trai. Ngược lại, bà mẹ chồng tuy ngoài miệng tỏ ra nghiêm khắc (bà vốn là một nhà giáo) nhưng sau lưng chồng và con dâu lại dung túng cho con trai mình.

Khi số nợ tín dụng đen của Thanh đã lên con số vài tỉ, Điệp hỏi đến mới biết bà đã đem số tiền tiết kiệm và trang sức bán đi để lấy tiền ngấm ngầm trả nợ cho con nhưng vẫn không lại được với khả năng “sinh nở” của lãi suất. Khi bắt đầu xuất hiện những kẻ đòi nợ có mặt mày gớm ghiếc và xăm trổ trên tay, Thanh đã nhanh chóng biến vào Nam ở với gia đình bà dì. Thế là, một mình Điệp hàng ngày vừa đi làm vừa nơm nớp lo các cuộc điện thoại đòi nợ, vừa lo gom góp tiền trả nợ cho chồng. Ngay cả đến bố mẹ đẻ của cô ở dưới quê cũng phải bán dần đàn bò, trâu, dê và một mảnh đất cũng như phải đi “vay nóng” mấy ông chú, bà bác trong họ để ứng cứu cho chàng rể ham chơi này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuối cùng cũng đến lúc Điệp và gia đình phải bán nhà. Căn nhà xây bề thế khang trang đáng giá mấy tỉ nhưng bị cánh cò đất đồn thổi là “có vong”, “hướng xấu” nên bị ép giá xuống chỉ còn gần hai tỉ. Từ một gia đình có máu mặt, giờ cả nhà chịu cảnh chui rúc nơi phòng trọ ẩm thấp. Nhìn vào đó ai cũng hiểu với tốc độ phi mã của giá đất hiện nay không biết đến đời nào gia đình cô mới có thể mua lại được nhà tử tế để ở.

Cô bạn thân làm ngành luật đã nhiều lần khuyên Điệp nên cắt phăng “khối u tinh thần” đó, thà đau một lần để thoát nợ. Điệp biết bây giờ nếu cô chủ động ly hôn, cả cơ quan và bố mẹ, họ hàng cũng như bạn bè ngoài xã hội sẽ không ai xì xào trách móc gì được cô. Bỏ chồng, rảnh nợ, có khi cô còn tìm kiếm được một hạnh phúc khác tốt hơn. Nhưng, hôn nhân đâu phải là chiếc áo sơ mi, là cái nhà, cái xe có thể dễ dàng hoán đổi. Cô có thể sống đơn thân nhưng con gái cô cần cha, một người cha có ý nghĩa hơn ngàn vạn lần những con số tiền tỉ kia.

Có thể khi lớn lên, con gái cô sẽ hiểu được để giữ được một người cha cho nó nũng nịu, ôm ấp, mè nheo… mẹ nó đã phải đánh đổi bằng rất nhiều của cải vật chất, bằng bao đêm khóc thầm và sự héo hon của tuổi thanh xuân. Một cái giá quá đắt trong đời người nhưng vì con, cô sẵn sàng và chấp nhận đánh đổi.

Nhưng để sống được đến ngày đó đâu có dễ, khoản nợ mà Thanh để lại là dãy số dài miên man, là trăm ngàn nguy cơ khiến cô lo âu. Liệu khoản nợ ấy có phải là cuối cùng khi cái máu cờ bạc đã ngấm vào chồng cô, liệu cái triết lý “gỡ nợ” của Thanh có tiếp tục đẩy anh xuống bùn đen không? Không ai dám tin một người như Thanh sẽ hối hận, sẽ tỉnh ngộ, không ai dám chắc là anh sẽ không tạo ra thêm “quả bom” nợ nần nào nữa.

Ở cơ quan Điệp, cô đã nghe thấy nhiều người nói sau lưng mình: “Nhà ấy coi như toang rồi, con bé ấy xinh xắn mà ngốc quá”; “Ngu mới đâm đầu vào nhà ấy”, “Nó ở quê ra biết gì đâu”… Điệp bỏ ngoài tai tất cả không phải vì đó là lời thị phi, bôi nhọ gia đình cô. Họ đều nói đúng, đều là sự thật nhưng chỉ cô mới là người trong cuộc, là người hiểu rõ nhất nên làm gì và không thể làm gì. Bỏ thì thương mà vương thì tội, thôi còn cố được thì còn cố vì con và hy vọng vào sự may mắn, vào phép màu của cuộc sống này…

PHƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.