Xác định hộ nghèo, cận nghèo như thế nào?

Chia sẻ

Câu hỏi
Xin Báo PNTĐ cho tôi hỏi mức sống của gia đình như thế nào thì được xác định là hộ nghèo, hộ cận nghèo? Ngân sách nhà nước được phân bổ như thế nào để các hộ nghèo, cận nghèo có thể tiếp cận?Tôi xin cảm ơn

Hà Thị Thắm (Ba Vì, Hà Nội)

Xác định hộ nghèo, cận nghèo như thế nào? - ảnh 1

Trả lời

Ngày 27/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2021. Trong nội dung của nghị định này quy định về các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025;

Tuy nhiên, cũng theo Nghị định này, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 (từ ngày 1/1/2021) tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn nghèo quy định tại Khoản 1 Điều này là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2021; Cụ thể quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg thì chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập từ trên 700.000 đồng đến 1.000.000 và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân 900.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Ở Thủ đô Hà Nội thì chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND thành phố quy định tại Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2016 về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, hộ nghèo tại khu vực nông thôn là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí là thu nhập bình quân đầu người từ đủ 1.100.000 đồng trở xuống mỗi tháng và có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.100.000 đồng đến 1.500.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. (Có 5 dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin); Còn ở thành thị thì mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 1.400.000 đồng trở xuống hoặc thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.400.000 đồng đến 1.950.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. (Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin).

Hộ cận nghèo tại Hà Nội:

Khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.100.000 đồng đến 1.500.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.400.000 đồng đến 1.950.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong giai đoạn 2022-2025, chuẩn nghèo theo quy định tại Nghị định số 7/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021, các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025:

Tiêu chí thu nhập ở nông thôn 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.

Chuẩn hộ nghèo

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

b) Chuẩn hộ cận nghèo

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.”

Trường hợp các địa phương đã thực hiện hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều như đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến thời điểm Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31 tháng 5 năm 2018 về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều thì kinh phí do ngân sách địa phương đảm bảo. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương theo nguyên tắc quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở những nguyên tắc của Chính phủ quy định về mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các địa phương sẽ cân đối ngân sách, rà soát để có thể có chính sách kịp thời tới từng trường hợp, ở từng khu vực cụ thể của địa phương mình nhằm mục đích hỗ trợ các hộ trong diện nghèo, hộ cận nghèo với tiêu chí “không ai bị bỏ lại phía sau” hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…

Luật sư: Trần Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.