Xin đừng tước đi quyền sống của con trẻ

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bế tắc và khó khăn trong chuyện gia đình, công việc, cuộc sống… khiến nhiều người tìm đến cái chết. Có người còn nhẫn tâm ép con cùng chết, để lại nỗi đau đớn cho gia đình họ và nỗi bàng hoàng cho dư luận…

Những vụ việc đau lòng

Thời gian qua, liên tiếp các vụ thanh, thiếu niên tự tử đã khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, xót xa. Có nhiều lý do khiến các em lựa chọn cách thức đau đớn để chấm dứt cuộc đời mình, như áp lực của học hành, thi cử, sự bất lực trước những mâu thuẫn trong gia đình, bị bạo hành, mất phương hướng tuổi mới lớn... Điều đáng nói là không chỉ có thanh, thiếu niên đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần mà cả người lớn. Liên tục nhiều vụ tự sát ở người lớn vừa qua đã để lại nỗi đau cho người thân, gia đình của họ và cả xã hội.

Cụ thể, mới đây, ngày 26/5, tại một chung cư cao cấp ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, một gia đình 4 người đã tử vong. Được biết, người chồng có dồn tiền đầu tư vào một vài lĩnh vực kinh doanh sinh lời. Thời gian gần đây, trên facebook cá nhân, người chồng thường xuyên đăng một số dòng tâm sự thể hiện tâm lý bất ổn do làm ăn thua lỗ. Liên tiếp ngày 27/5, người dân xã Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) đã cứu vớt ba mẹ con chị H.T.B khi chị này ôm hai con nhỏ nhảy xuống sông tự tử. Trước mâu thuẫn gia đình, chị V.T.H.T (giáo viên mầm non ở Hải Dương) đã ôm 2 con (6 tuổi và 2 tuổi) gieo mình xuống sông Thái Bình tự vẫn. Trước khi quyên sinh, chị T đã để lại lời nhắn cho người thân, đồng nghiệp với nội dung tiêu cực. 

Xin đừng tước đi quyền sống của con trẻ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hay vụ việc xảy ra tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), người chồng đi làm về phát hiện vợ treo cổ, con gái 7 tháng chết trong máy giặt. Nguyên nhân cái chết là sự trầm cảm sau sinh cộng với rối loạn lo âu do thời gian trước dịch bệnh kéo dài, bị phong tỏa, thất nghiệp, kinh tế khó khăn khiến gia cảnh bí bách, người vợ nghĩ quẩn. Hay như sự việc người cha ở Hội An vì mâu thuẫn với vợ nên đã ôm con nhảy xuống sông tự sát… Người lớn từ bỏ cuộc sống của chính mình đã là đáng trách, tước đoạt đi quyền sống của con trẻ là mang tội.

Hành vi phạm pháp

Luật sư Trần Văn Bình, Giám đốc công ty Luật TNHH Trần và Liên danh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc cha mẹ tự tử mà kéo theo cả những đứa con thơ của mình đã vi phạm nghiêm trọng vào quyền con người, cụ thể là quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng con người được ghi nhận tại Điều 19, Hiến pháp năm 2013. Đây là quyền tối cao của tất cả mọi người, trong đó có trẻ em và không người nào được tước đi quyền đó của người khác, đặc biệt là trẻ em. Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã có những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. Đứng đầu trong danh sách các hành vi bị nghiêm cấm đó chính sự tước đoạt quyền sống của trẻ. 

“Hành vi này được coi là hành vi vi phạm pháp luật vì đã cấu thành tội “Cố ý giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong những trường hợp này, hành vi tự tử của cha mẹ và tước đi quyền sống của trẻ là thuộc trường hợp “Giết người dưới 16 tuổi” được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, với mức phạt từ từ 12 năm đến 20 năm, tù Chung thân hoặc Tử hình” – luật sư Trần Văn Bình cho biết.

Xin đừng tước đi quyền sống của con trẻ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Thúy, Công ty Luật Việt Phú Thịnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, trong trường hợp cha (mẹ) có hành vi giết con, nhưng sau đó cũng tìm đến cái chết để giải thoát thì theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Viện kiểm sát không khởi tố vụ án hình sự. Ngoài ra, nếu có căn cứ xác định trong vụ án còn có những đồng phạm khác hỗ trợ hung thủ thực hiện hành vi phạm tội thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo phán quyết của Tòa án. “Gia đình vốn được xem là môi trường an toàn với trẻ em, nhưng đa phần các vụ việc xâm hại trẻ em đến từ người thân, nhất là trong môi trường bố (mẹ) bị tâm thần, trầm cảm, hay mất khả năng kiểm soát hành vi.

Trong trường hợp này, để bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, trước hết cần thiết phải đưa bố mẹ mắc một số bệnh như trầm cảm, tâm thần dẫn đến mất kiểm soát về hành vi đi khám chữa bệnh; cần thiết phải có người giám hộ trẻ nhỏ, thường xuyên theo dõi, sát sao người mắc bệnh, ngay khi thấy bố, mẹ có những biểu hiện bất thường thì kịp thời ngăn chặn, bảo vệ để không ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của con trẻ” – luật sư Nguyễn Thị Thúy nói.

Luật sư Trần Văn Bình cũng đề nghị, Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha/mẹ, trong đó có quyền chăm sóc nuôi dưỡng con. Song trường hợp cha/mẹ trầm cảm và mất kiểm soát về hành vi và có những hành vi gây mất an toàn cho con, không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ thì trẻ em cần biện pháp chăm sóc thay thế. “Khoản 3, Điều 52, Luật Trẻ em năm 2016 có quy định những trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha mẹ thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động – thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ hoặc tạm thời cách ly trẻ em ra khỏi cha mẹ và áp dụng biện pháp thay thế. Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật Trẻ em” – luật sư Trần Văn Bình phân tích.

Làm thế nào để vượt qua bế tắc trong cuộc sống?

Thực tế, không phải người nào khi đưa ra lựa chọn chấm dứt cuộc sống cũng đều đang ở bước đường cùng, không lối thoát. Có những quyết định được đưa ra trong lúc nóng giận, nông nổi, gây biết bao hậu quả tai hại, đau thương. Có những em thiếu niên cuộc sống suôn sẻ, chỉ vì một lần thi rớt, hoặc bị cha mẹ mắng mỏ đã vội chọn cách ra đi, để lại thư tuyệt mệnh, để lại vết thương không bao giờ lành trong trái tim cha mẹ, người thân. Hay như mới đây, một đôi tình nhân chở nhau trên đường xảy ra cãi cọ, ngang qua cầu, cô gái nhảy xuống xe, lao xuống sông. Tuy nhiên, sau khi rơi xuống sông, cô gái lại kêu cứu, rất may đã được đội cứu hộ cứu thoát.

Xin đừng tước đi quyền sống của con trẻ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thạc sỹ tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Giám đốc công ty TNHH Mạnh Linh School Psychology cho rằng, ngưỡng chịu đựng của mỗi người khác nhau. Đối với người này có thể chỉ là một va vấp trong đời, đối với người khác có thể là sự thất bại tưởng như “không thể chịu đựng được”. Cùng một bất hạnh, có thể người này dễ dàng vượt qua, nhưng người khác lại tuyệt vọng từ bỏ cuộc sống. 

Cuộc sống ngày càng phát triển, kèm theo đó là những áp lực cũng ngày càng leo thang. Áp lực giống như một thứ đi kèm với cuộc sống không thể tách rời. Hầu hết thanh, thiếu niên, giới trẻ và thậm chí cả người lớn hiện nay được học hỏi, hiểu biết nhiều, nhưng lại không mấy ai học kỹ năng vượt qua khó khăn, đối diện với nỗi đau của chính mình. Nhiều người thường chạy trốn, vùi lấp nó. Không ít người mới khó khăn đã không thể chịu nổi, muốn phải chấm dứt ngay lập tức, hậu quả là đưa ra lựa chọn nông nổi, bất hạnh.

“Do đó, thay vì chạy trốn, mỗi người hãy học cách hiểu về áp lực, nắm rõ quy luật và đối diện với áp lực theo chiều hướng có lợi; hãy học tập, rèn luyện để nâng cao giá trị bản thân, nâng cao nhận thức thức, nâng cao trí tuệ. Đó là con đường để hạn chế tốt nhất các lựa chọn bế tắc. Bất cứ một khó khăn hay nỗi đau khổ nào cũng cần liều thuốc thời gian để vượt qua. Hãy cho bản thân thời gian để mọi thứ lắng xuống, đừng quyết định bất cứ điều gì vội vàng. Tiếp theo là nhận diện khó khăn và chăm sóc nỗi đau ấy bằng sự độ lượng dành cho chính mình. Nếu không đủ sức mạnh, bạn có thể “cầu cứu” sự chia sẻ, xoa dịu của những người thân yêu, hoặc nhờ đến trị liệu chuyên nghiệp. Hãy nhớ rằng, khó khăn nào cũng qua, nỗi đau nào rồi cũng sẽ hết. Chỉ cần còn sống, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp lên” – Thạc sỹ tâm lý Mạnh Linh khuyên.

Còn nhà văn Hoàng Anh Tú thì nhận định, nguyên tắc của việc bảo vệ trẻ không phải nằm ở phán quyết tách rời đứa trẻ ra khỏi bố mẹ chúng mà nằm ở đánh giá về điều nào tốt hơn cho đứa trẻ. Đa số người lựa chọn quyên sinh đều đang đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Do đó, cần có những đánh giá của các chuyên gia cũng như giúp những bậc cha mẹ ấy giải quyết vấn đề trầm cảm. 

Luật sư Trần Văn Bình cũng khuyên: Khi gặp khó khăn, hãy chọn cách tích cực, dành thời gian làm những điều mình thích để bản thân cảm thấy vui vẻ, lạc quan hơn. Hãy tự nhắn với mình rằng, khó khăn mà mình đang gặp phải không phải là một chướng ngại vật cản đường đi của mình mà hãy xem đó là một loại trải nghiệm giúp bạn trưởng thành hơn trong cuộc sống. Dừng ngay việc chì chiết, dằn vặt bản thân và mãi đắm chìm trong thất bại. Đặc biệt, bạn hãy luôn mang trong mình một năng lượng tích cực. Bình tĩnh suy nghĩ lại từng vấn đề trong khó khăn đang gặp phải. Sự bình tĩnh sẽ giúp bạn về trạng thái cân bằng, từ đó có thể tự mình gỡ từng nút thắt bế tắc và tự giải thoát. 

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.