Khúc tâm tình về ký ức của “một thời khát vọng”

Nhà giáo, nhà thơ HOÀNG THANH HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Là người từng trải qua giai đoạn khốc liệt của thời kỳ chống Mỹ cứu nước trên tuyến đường Trường Sơn, nhà thơ Ngô Thái đã có nhiều bài viết về đề tài chiến tranh. “Một thời khát vọng” có thể coi là hồi ức về một thời tuổi trẻ dấn thân vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, mà ở đây ông trực tiếp là cán bộ trong Ban chỉ huy đội TNXP 253 Anh hùng Lực lượng vũ trang của Tổng đội TNXP 572, làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào.

MỘT THỜI KHÁT VỌNG

 Nhà thơ: Ngô Thái

Có một thời khát vọng yêu thương

Phải gác lại vì chiến trường lên tiếng

Bao cô gái chàng trai tự nguyện

Lấy máu mình viết quyết tâm thư

Tạm biệt em đêm ấy trời mưa

Nụ hôn đầu trao nhau vội vã

Đêm Trường sơn gối đầu lên phiến đá

Lại nhớ về... mềm mại cánh tay em...


Bom đạn thù không khuất phục niềm tin

Niềm thương nhớ... thắp đèn cho anh bước

Thư anh gửi… cả năm chưa nhận được

Em vẫn chờ... vẫn đợi... bao lâu?

 

Trái tim ta vẫn ở gần nhau

Trong sâu thẳm hai đầu nỗi nhớ

Anh là nửa Trường sơn, em một nửa

Như vầng trăng tỏa sáng tình yêu.

Khúc tâm tình về ký ức của “một thời khát vọng” - ảnh 1
Nhiều sáng tác của nhà thơ Ngô Thái được đăng trong cuốn Bến thơ Tròn nghĩa vuông tình.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước trở thành khát vọng của một thời đại, một dân tộc. Niềm khát vọng ấy luôn cháy bỏng trong trái tim thế hệ trẻ Việt nam thời bấy giờ. Nhà thơ Ngô Thái đã viết về một thời như thế. Nhan đề “Một thời khát vọng” (trích trong cuốn Bến thơ Tròn nghĩa vuông tình” chính là điều tác giả hướng tới trong 16 câu thơ với ý nghĩa: Để lớp trẻ ngày nay luôn nhớ tới một thời đẹp đẽ đầy khát vọng của tuổi trẻ cha ông.

Mở đầu bài thơ chỉ với 4 câu, nhà thơ đã tái hiện nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam thời đó. Chưa bao giờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại sáng ngời đến như thế. Đó là thời đại “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Lý tưởng của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù. Khát vọng của tuổi trẻ là được cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc. Tình yêu đôi lứa được lồng trong tình yêu nước.

Bài thơ được viết theo dòng hồi tưởng: “Có một thời khát vọng yêu thương/ Phải gác lại vì chiến trường lên tiếng/ Bao cô gái, chàng trai tự nguyện/ Lấy máu mình viết quyết tâm thư”. Đó là một thời tuổi trẻ biết và dám hy sinh cả tình yêu cả tuổi xuân của mình cho Tổ Quốc. Tất cả cái riêng được gác lại vì cái chung. Khổ thơ mang âm hưởng hào hùng, truyền cho người đọc cảm xúc lớn lao qua cách ngắt nhịp 3-4 chắc khỏe khiến người đọc tưởng như nghe được cả bước chân hành quân rầm rập của đoàn quân ra trận.

Dòng hồi tưởng của nhà thơ nhớ về khung cảnh ngày lên đường: “Tạm biệt nhau đêm ấy trời mưa/ Nụ hôn đầu trao nhau vội vã”. Có thể đây chính là ngày nhà thơ chia tay với người vợ trẻ? Nhưng cái hay và sâu sắc của câu thơ, là tác giả đã khái quát hóa được biết bao cặp vợ chồng trẻ những cặp đôi yêu nhau dám hy sinh tình yêu đôi lứa, cho tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.

Thời chiến tranh đã có biết bao người hy sinh như thế. Tình yêu của họ đắm say nồng cháy “Nụ hôn đầu trao nhau vội vã...” nhưng vẫn gác lại, bởi trái tim họ vẫn sục sôi bầu máu nóng yêu nước. Người lính trẻ trong giờ phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, trong chặng đường hành quân vào một đêm Trường sơn vẫn thả hồn nhớ về người yêu, người vợ trẻ: “Đêm Trường Sơn gối đầu lên phiến đá/ Lại nhớ về...mềm mại cánh tay em”.

Chất lãng mạn cách mạng bay bổng trong từng câu chữ. Một sự so sánh tưởng chừng khiên cưỡng: “Gối đầu lên phiến đá” rắn, vậy mà nhà thơ lại nhớ về “mềm mại cánh tay em”. Cái rắn của đá, đối lập với sự mềm mại cánh tay em. Đây là một sự so sánh liên tưởng thú vị, đạt đến đỉnh cao của sự lãng mạn. Tác giả sử dụng dấu ba chấm diễn tả nỗi nhớ miên man dâng trào thật tuyệt vời. Những kỷ niệm đẹp về hạnh phúc riêng tư hiện về, đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên chiến trường.

Trong giây phút hiếm hoi trên chặng đường hành quân vất vả, người lính lại nhớ về hậu phương, với hình ảnh người vợ trẻ. Những kỷ niệm hạnh phúc nồng nàn lại hiện về. Dường như bom đạn và sự khốc liệt của chiến tranh, không len lỏi vào suy nghĩ của người lính: “Bom đạn thù không khuất phục niềm tin/ Niềm thương nhớ... thắp đèn cho anh bước”.

Không một sức mạnh nào có thể khuất phục đc trái tim người lính “biết căm thù và biết yêu thương”. Niềm thương nỗi nhớ của hậu phương đã thắp lửa trong trái tim người lính, tiếp sức cho họ trên chiến trường. Tình yêu của những người vợ, người yêu nơi hậu phương thật chung thủy sắt son: “Thư anh gửi... cả năm chưa nhận được/ Em vẫn chờ... vẫn đợi... bao lâu”?

Tình yêu của họ thật đẹp và vĩ đại. Nhà thơ đã nói về sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ở hậu phương bằng dòng thơ thật sâu lắng. Tác giả như nghẹn lại vì thương những người vợ trẻ sống và yêu chồng bằng một niềm tin sâu sắc, thủy chung. Những dấu ba chấm đã diễn tả rất thành công niềm thương của người lính, với người vợ trẻ ở quê nhà.

Khổ thơ cuối bài chất lãng mạn cách mạng lại tỏa sáng: “Trái tim ta vẫn ở gần nhau/ Trong sâu thẳm hai đầu nỗi nhớ/ Anh là nửa Trường sơn - em một nửa/ Như vầng trăng, tỏa sáng tình yêu”. Tình yêu của tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mỹ vĩ đại như thế đấy! Dù ở 2 đầu nỗi nhớ họ vẫn bên nhau bởi trái tim yêu nồng nàn, và cao hơn là tình yêu nước. Hai câu kết là 1 sự so sánh liên tưởng thật đẹp, trở thành điểm sáng của bài thơ.

Có thể nói, “Một thời khát vọng” là một bài thơ hay viết về đề tài chiến tranh. Nhà thơ Ngô Thái đã chọn 1 chủ đề mềm và lãng mạn: Tình yêu trong thời khói lửa. Bài thơ lãng mạn, nhưng không bi lụy và khô cứng. Chất lãng mạn cách mạng bay bổng, chắp cánh cho thi phẩm. Khiến tác phẩm sống mãi với đời. Cảm ơn nhà thơ, người lính Trường sơn năm xưa, đã cho thế hệ trẻ ngày nay hiểu được một thời oanh liệt của tuổi trẻ cha ông.

Tin cùng chuyên mục

Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản sách popup “Hà Nội ngàn năm kí ức” và nhiều ấn phẩm đặc sắc về Hà Nội

Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản sách popup “Hà Nội ngàn năm kí ức” và nhiều ấn phẩm đặc sắc về Hà Nội

(PNTĐ) - Nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản sách popup “Hà Nội ngàn năm kí ức”, giới thiệu đến độc giả Thủ đô và công chúng cả nước những cuốn sách đặc sắc về Hà Nội. Tiếp nối truyền thống ngàn năm văn hiến của vùng đất Thăng Long, những cuốn sách cho thấy bề dày lịch sử, bề sâu văn hóa, truyền thống hào hoa, thanh lịch nhưng cũng rất dũng cảm kiên cường của Người Hà Nội.  Không chỉ gợi nhớ những ký ức đẹp đẽ về Hà Nội xưa, những cuốn sách mang âm hưởng của Hà Nội ngày hôm nay cho chúng ta thêm tự hào về Thủ đô mến yêu.
Thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên thông qua cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường“

Thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên thông qua cuốn sách “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường“

(PNTĐ) - “Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - Hay vì sao chúng ta cần thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên?” là tác phẩm mới nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang được Omega Plus phát hành trong tháng 10/2024. Trong 9 năm qua, tác giả Đặng Hoàng Giang đã viết 5 đầu sách đều được đón nhận rộng rãi với tổng cộng khoảng một phần tư triệu bản đã được bán ra.
“Việt Nam: Lịch sử không biên giới”: Cuốn tư liệu quý cho độc giả yêu thích tìm hiểu về lịch sử

“Việt Nam: Lịch sử không biên giới”: Cuốn tư liệu quý cho độc giả yêu thích tìm hiểu về lịch sử

(PNTĐ) - Cuốn sách quy tụ các bài tham luận của các nhà Việt Nam học lừng danh trên thế giới tại hội thảo “Việt Nam: bên ngoài những đường biên” tháng 5/2001, mở ra những tri thức sâu và mới mẻ về sự tương tác giữa bản sắc Việt Nam - Chăm - Khmer - Pháp,... trên bán đảo Đông Dương trong hơn 1000 năm.