“eSports” – bộ môn thể thao đặc biệt tại SEA Games 31

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - eSports (thể thao điện tử)là một bộ môn mới tại SEA Games 31 và được đón nhận vô cùng nồng nhiệt từ phía người xem, đặc biệt là cộng đồng game thủ. Đây là bộ môn mới mẻ và có nhiều điều đặc biệt.

Môn thi đấu mới lạ

Dù chỉ mới góp mặt tại SEA Games nhưng eSports được đánh giá là bộ môn dễ “hút” huy chương bậc nhất của Việt Nam. Các nội dung như Liên Minh Huyền Thoại, Đột Kích, Tốc Chiến, PUBG MobileLiên Quân Mobile đều được người hâm mộ kỳ vọng huy chương Vàng nhờ vào thế mạnh có sẵn của nước chủ nhà ở các nội dung này.

eSports là một bộ môn vô cùng mới, SEA Games 31 đánh dấu lần thứ 2 bộ môn này có mặt tại Đại Hội Thể Thao Đông Nam Á (trước đó là ở SEA Games 30 - Philippines). Đây là một thay đổi mang tính đột phá đến từ 2 nước chủ nhà và cũng thể hiện rằng eSports đang dần được chấp thuận bởi các quốc gia và công nhận đó là một môn thể thao. Đây cũng là sự tiến bộ trong tư tưởng và là một bước ngoặt lớn để thay đổi góc nhìn của những người đang có định kiến với việc chơi game, đặc biệt là các tựa game eSports.

Thể thao Điện tử sẽ là nội dung duy nhất trong kỳ SEA Games 31 được tổ chức hoàn toàn bởi nguồn kinh phí xã hội hóa và Hội Thể thao Điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) sẽ toàn quyền chuẩn bị từ cơ sở vật chất, vòng tuyển chọn vận động viên, trọng tài, lực lượng giám sát, cũng như kế hoạch làm việc với nhà phát hành games.

“eSports” – bộ môn thể thao đặc biệt tại SEA Games 31 - ảnh 1
Đội eSports Myanmar sẵn sàng cho trận đấu Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến trong khuôn khổ SEA Games 31

 

Thể thao điện tử vẫn cần kiểm tra… doping

Công tác kiểm tra doping luôn là khâu phải thực hiện trong các bộ môn thể thao truyền thống, mục đích là tạo sự công bằng cho sân chơi thể thao và đảm bảo mọi tình huống được diễn ra một cách tự nhiên mà không bị “kích thích” bởi bất cứ lý do nào. Do đó, các vận động viên môn thể thao điện tử cũng cần phải tuân theo quy định này, đồng thời chịu sự giám sát khắt khe như các vận động viên thể thao truyền thống.

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) và Ban tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (VIESGOC) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra doping. Việc kiểm tra doping cho các vận động viên eSports được thực hiện theo quy định về phòng chống doping của SEAGF và Bộ luật phòng chống doping thế giới cùng quy định của các tổ chức quốc tế có liên quan. VIESGOC và SEAGF cũng chịu trách nhiệm cung cấp các điều kiện cần thiết cho hoạt động kiểm tra doping tại SEA Games 31.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà

Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức một môn thi đấu mang đậm tính “công nghệ” nhưng nước chủ nhà Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen từ phía các đoàn tham dự.

Tờ báo The Star của Malaysia ca ngợi công tác tổ chức các nội dung thi đấu bộ môn thể thao điện tử của nước chủ nhà Việt Nam. The Star cho rằng việc đưa thể thao điện tử trở thành một bộ môn thi đấu có huy chương tại SEA Games 31 cho thấy nước chủ nhà Việt Nam đã “bắt kịp thời đại” khi bộ môn này sẽ trở thành môn thi chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á sắp tới được tổ chức ở Trung Quốc. Công tác tổ chức được đánh giá cao với các thiết bị máy móc hiện đại, phòng thi đấu hoành tráng và đường truyền Internet ổn định là những ưu điểm được The Star nhắc lại nhiều lần.

Tờ báo này còn lấy dẫn chứng cụ thể của đội tuyển eSports Myanmar. Mặc dù eSports Myanmar đã có hai trận thua liên tiếp trước eSports Việt Nam và Thái Lan nhưng các vận động viên nước này vẫn tỏ ra hài lòng về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà. Kaung, thành viên của đội tuyển “eSports29” của Myanmar nói: “Ở đất nước chúng tôi thường xuyên phải đối diện với tình trạng mất điện và Internet không ổn định khiến việc tập luyện bị ảnh hưởng rất nhiều. Chúng tôi rất hài lòng với các trang thiết bị mà ban tổ chức cung cấp cũng như đường truyền Internet của Việt Nam. Đội tuyển eSport của các bạn rất mạnh nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng vào huy chương trong các nội dung thi đấu tiếp theo tại Hà Nội”.

Trang web chuyên về thể thao điện tử eSports Insider cũng nhận định việc đưa eSports trở thành nội dung thi đấu có huy chương tại SEA Games 31 là một bước đột phá và Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho môn thi lần đầu được tổ chức tại Hà Nội này. “eSports xuất hiện tại SEA Games 31 với sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam đã giúp phổ biến bộ môn này tới đông đảo người quan tâm trong khu vực, làm tiền đề đưa eSports trở thành một bộ môn Olympic”, eSports Insider viết.

Cũng nói về sự chuẩn bị của nước chủ nhà đối với bộ môn thể thao mới, Phatanasak "JubJub" Varanan – vận động viên xuất sắc nhất của FIFA Online 4 Thái Lan nhận xét: “Chủ nhà Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất là kỹ lưỡng và có đội ngũ cổ vũ hùng hậu. Tôi ấn tượng với sự chuẩn bị và cách tiếp đón của ban tổ chức SEA Games 31 đối với đội tuyển FIFA Online Thái Lan”.

Đội tuyển Free Fire, RRQ của Indonesia thậm chí còn bỏ luôn giải đấu chuyên nghiệp cấp độ cao nhất ở quốc gia này để tập trung rèn luyện kỹ năng dành cho SEA Games 31. Đại diện của RRQ nhấn mạnh muốn “đọ sức” với chủ nhà Việt Nam bởi: “Việt Nam được trang bị rất tốt cả về kỹ chiến thuật lẫn trang thiết bị và phòng thi đấu”.

Tin cùng chuyên mục