Nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:
Báo chí chính thống cần chuyên nghiệp, nhân văn để tạo sự khác biệt
(PNTĐ) -Khẳng định vai trò của báo chí chính thống trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, cơ quan báo chí muốn tạo sự khác biệt, không trở nên nhạt nhòa hay bị hòa lẫn với nhiều trang thông tin khác... cần kiên định đi theo con đường chính thống, làm báo chuyên nghiệp và nhân văn.

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh đã có buổi trò chuyện cởi mở, chia sẻ thẳng thắn với Báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) về những thuận lợi, thành tựu báo chí đạt được; cũng như giải pháp để báo chí nói chung, mỗi nhà báo nói riêng vượt qua thách thức, khắc phục được khó khăn đang phải đối mặt trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay.
Những năm gần đây, chúng ta thường nói nhiều về chuyển đổi số báo chí. Từ thực tiễn và kinh nghiệm lâu năm của mình, ông nhận thấy báo chí đang phải đối mặt với những thách thức gì trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt khi mạng xã hội ngày càng phát triển và bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Có thể khẳng định, trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, báo chí có rất nhiều cơ hội. Ngày càng có nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cho báo chí tác nghiệp (từ máy ảnh, máy tính, đến các thiết bị điều khiển từ xa không người lái, sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI…), và việc mua sắm cũng rất dễ dàng. Cách thức tạo nguồn thu cho báo chí cũng đa dạng hơn, không chỉ là bán quảng cáo, mà còn là cấp phép thương hiệu, thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ công nghệ…
Nhưng báo chí cũng còn nhiều khó khăn trước mắt. Với sự phát triển của internet, công nghệ… ai cũng có thể lập trang web, mở tài khoản trên mạng xã hội và đăng tải những nội dung họ muốn chia sẻ. Người dùng “ngập” trong biển thông tin, và báo chí không còn là kênh duy nhất để họ tìm kiếm. Do đó, báo chí sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều nguồn thông tin khác. Nhiều thông tin trong số đó mang nội dung lành mạnh, thú vị, sáng tạo; nhưng cũng có nội dung sai lệch, xấu độc, tin giả. Mà lượng thông tin xấu độc ngày càng nhiều hơn.
Sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội cũng khiến hành vi của người dùng thay đổi. Độc giả không còn kiên nhẫn đọc những bài tạp chí dài hàng chục ngàn chữ, 6-8 trang lớn như trước kia, mà chuyển sang thông tin gây chú ý trong vòng 8 giây; hoặc xem các video ngắn trên TikTok, Facebook…, cuộn hết từ clip này sang clip khác rồi bị nghiện một cách vô thức. Rất nhiều thách thức như vậy đang đặt ra với báo chí, nên sự cạnh tranh về mặt nguồn tin sẽ ngày càng căng thẳng.
Ngoài ra, sự cạnh tranh của báo chí cũng đến từ nguồn thu. Hiện nay, nguồn thu của báo chí đang chững lại và có nguy cơ sụt giảm. Không chỉ báo in, phát thanh truyền hình mà kể cả báo điện tử, con số tỷ lệ dù rất cao nhưng con số tuyệt đối thì rất thấp. Dù chi phí quảng cáo digital ngày càng tăng, nhưng lại rơi vào các nền tảng như Google, Facebook, Amazon, Microsoft… và rất nhiều kênh khác. Ngay cả một số kênh mới ra đời như Spotify, Netflix cũng chiếm mất một phần quảng cáo của báo chí.
Nội dung thì phải cạnh tranh với một lực lượng rất đông, nguồn thu giảm đi, trong khi nhân lực làm báo, nhất là những người được đào tạo, nhiều kinh nghiệm, có trình độ trong lĩnh vực báo chí đang thiếu dần, do họ được mời sang lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn. Chưa kể, hiện nay không ít người dùng né tránh tin tức. Do phải đọc quá nhiều thông tin tiêu cực nên họ “ngắt kết nối”, không đọc báo, không nghe đài, không xem tivi… Với tất cả những khó khăn như vậy, chúng ta có thể hình dung phần nào về một viễn cảnh tương đối đáng lo ngại của báo chí.
Vậy theo ông, các cơ quan báo chí cần có kế hoạch hoạt động, chiến lược phát triển như thế nào để vượt qua khó khăn và chuyển đổi số hiệu quả; đồng thời thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa… định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Chúng ta đang đứng trước một thực tế là người dùng đã di chuyển lên các nền tảng số, những nền tảng truyền thống như báo in sẽ càng ngày càng khó tiếp cận người dùng. Chẳng hạn, khi xảy ra sự việc đặc biệt như đại dịch Covid-19, báo in không thể nào phân phối được đến các địa điểm, nhất là địa bàn vùng sâu, xa.

Do đó, nếu không đón trước được nhu cầu của người dùng, báo chí buộc phải chạy theo. Phát thanh hay truyền hình cũng phải số hóa chứ không chỉ truyền tải thông tin theo các kênh thông thường. Nếu không chuyển đổi số thì báo chí sẽ mất độc giả, đồng nghĩa mất nguồn thu, khó khăn trong hoạt động; chưa kể không thể thực hiện được nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong bối cảnh ấy, Ban Tuyên giáo Trung ương (TGTƯ) đang rất sát sao cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tích cực trong công tác quản lý báo chí; hiện thực hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về báo chí. Chúng ta đang phải cố gắng để các cơ quan báo chí chính thống, với dòng thông tin chủ lưu thực sự chiếm được vị trí quan trọng trong lòng công chúng độc giả. Nhưng để thực hiện tốt vai trò định hướng thông tin, trở thành dòng chảy chính trong cả biển thông tin hiện nay, các cơ quan báo chí bên cạnh nâng cao ý thức chính trị, tư tưởng, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa tính chuyên nghiệp.
Chừng nào báo chí chính thống vừa bám sát được định hướng của Đảng và Nhà nước, vừa giữ vững được lập trường tư tưởng, và có cách thức làm báo thật sự chuyên nghiệp thì mới tạo sự khác biệt so với hàng triệu, hàng tỉ thông tin trên internet, cũng như không bị nhạt nhòa hay hòa lẫn với nhiều trang thông tin khác. Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng mà chúng tôi rất ủng hộ là xây dựng nội dung báo chí tích cực và mang tính giải pháp. Chúng ta vẫn nêu vấn đề bất cập, nhưng tốt hơn nữa là tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề đó. Giải pháp ở đây không phải của nhà báo, mà của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, để báo chí “vượt khó” thuận lợi hơn, nhất là trong xu hướng “tự chủ”, cũng cần giải pháp giúp cơ quan báo chí có nguồn thu một cách hợp pháp. Gần đây, đã có những văn bản của Chính phủ yêu cầu phải tăng cường việc đặt hàng tuyên truyền các cơ quan báo chí. Nếu các địa phương, bộ, ngành có sự phối hợp với cơ quan báo chí, không chỉ giúp việc truyền thông chính sách đạt hiệu quả cao; mà còn đem đến cho cơ quan báo chí nguồn thu nhất định. Nhà báo sẽ được tập trung phát huy chuyên môn thay vì phải loay hoay tìm kiếm giải pháp làm kinh tế...
Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông mong muốn gửi gắm kỳ vọng gì về sự phát triển của báo chí trong thời gian tới?
Nhà báo Lê Quốc Minh: Khẩu hiệu của Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiệm kỳ này là xây dựng, phát triển một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn. Chúng tôi nghĩ rằng, hiện đại là điều bắt buộc chúng ta phải thực thi, dù ở mức độ tòa soạn hay từng cá nhân. Chuyên nghiệp là yêu cầu muôn thuở đối với báo chí. Nên chúng tôi rất mong yếu tố nhân văn được đẩy mạnh.
Tính nhân văn thể hiện ở chỗ, một nội dung thông tin trước khi đăng tải phải xem nó có lợi cho đất nước, nhân dân hay không; chứ không có nghĩa mọi vấn đề đều được tung hê lên mặt báo, làm ảnh hưởng lợi ích của đất nước, dân tộc. Rồi nhân văn trong quá trình tác nghiệp của nhà báo, không bất chấp mọi thứ để có được thông tin mình mong muốn; không đưa quá nhiều nội dung bạo lực, xâm hại. Phản ánh bất cập trong xã hội là tốt, nhưng nếu quá mức khiến độc giả có tâm trạng u tối khi lật giở tờ báo mỗi ngày là điều không nên.
Và tính nhân văn cũng kèm cả yếu tố văn hóa. Vừa qua, Ban TGTƯ, Bộ TTTT, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Báo Nhân dân phát động phong trào xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa. Chúng tôi muốn tính văn hóa sẽ cao hơn, đậm nét hơn trong các nội dung báo chí. Giữa các nhà báo hay trong nội bộ tòa soạn giữa lãnh đạo - nhân viên, nhân viên - nhân viên cũng phải có yếu tố văn hóa. Yếu tố văn hóa đồng hành cùng nhân văn để tạo ra những nhà báo có thể phụng sự những mục tiêu cao cả mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Hy vọng trong thời gian tới, dù phải đối diện không ít khó khăn, nhưng bằng nỗ lực không ngừng, cơ quan báo chí nói chung, người làm báo nói riêng sẽ vượt qua khó khăn ngắn hạn, hướng tới mục tiêu lâu dài; xây dựng một đội ngũ nhà báo thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và văn hóa. Như vậy, tuyến thông tin chính thống thực sự sẽ trở thành dòng chảy quan trọng trong biển thông tin như hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!