Bước mở đầu cho một “cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật“

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Lộ trình này đã được chuẩn bị một cách kỹ càng, chặt chẽ

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) khẳng định, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là bước mở đầu cho một "cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật".

Bước mở đầu cho một “cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật“ - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) trao đổi bên hành lang Quốc hội

Theo đại biểu, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo thẩm quyền của mình, Quốc hội tiến hành thông qua dự thảo Nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp.

Lộ trình này đã được chuẩn bị một cách kỹ càng, chặt chẽ. Điều này thể hiện qua việc 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại nghị trường tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Hiện nay, đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về những nội dung liên quan, đó là đổi mới hơn trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội và chuyển đổi mô hình bộ máy Nhà nước tinh gọn, từ mô hình chính quyền 3 cấp thành 2 cấp.

Đại biểu cho rằng, muốn làm được những điều này thì nền tảng là sửa đổi Hiến pháp. Lộ trình là lấy ý kiến nhân dân, tổ chức hội thảo lấy ý kiến người dân, các chuyên gia để bảo đảm sự đồng thuận cao, đồng thời kỳ vọng các bước tiếp theo của quá trình sửa đổi sẽ đạt được kết quả tốt.

Theo đại biểu, sửa đổi Hiến pháp là tiền đề để sửa đổi các luật liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bảo đảm tính đồng bộ, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, đặc biệt trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, sáp nhập xã và tỉnh sau ngày 1/9, bảo đảm chính quyền hoạt động tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế nhấn mạnh, dù chỉ sửa đổi 8/120 điều trong Hiến pháp, nhưng các nội dung được chọn đều có tính chất nền tảng, cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.

Theo đại biểu, việc sửa đổi lần này thể hiện sự đột phá và tôi kỳ vọng sau khi được thông qua, các nội dung này sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn.

"Nâng tầm" vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội

Bước mở đầu cho một “cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật“ - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế trao đổi bên hành lang Quốc hội

Đặc biệt, sửa đổi Hiến pháp lần này đã "nâng tầm" vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền.

Đại biểu bày tỏ, sau khi Hiến pháp được sửa đổi và có cơ chế phù hợp, Mặt trận sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình, đặc biệt trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp đã làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, tổ chức bộ máy, nhất là trong việc mở rộng liên hệ với nhân dân. 

Theo đại biểu, với vai trò và nhiệm vụ được nhấn mạnh hơn, tổ chức bộ máy từ Đảng tới chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phải gần dân, sát dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn. Phải làm sao để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp được nhiều quần chúng nhân dân hơn, mở rộng đối tượng tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại biểu đề xuất cần có cơ chế tổ chức phù hợp và đội ngũ cán bộ bảo đảm để đáp ứng yêu cầu mới.

Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị-xã hội với Mặt trận, đồng thời có cơ chế ủng hộ và tạo điều kiện để các tổ chức này tham gia hiệu quả vào công việc chính trị.

Việc tinh gọn bộ máy Nhà nước là cần thiết, nhưng với các tổ chức chính trị-xã hội, cần bảo đảm điều kiện để họ thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào) đến thăm và làm việc tại Hà Nội

Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào) đến thăm và làm việc tại Hà Nội

(PNTĐ) - Từ ngày 10/5 đến 14/5,  nhận lời mời của đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, thực hiện biên bản biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa Hội LHPN Hà Nội và Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào), Đoàn đại biểu Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ Lào, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thủ đô Viêng Chăn, Chủ tịch Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn Lienkham Vilaphanh làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Hà Nội.