Các bị cáo mong được pháp luật khoan hồng
Trong ngày xét xử đầu tiên phiên tòa sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, hối hận, mong nhận được sự tha thứ và khoan hồng của pháp luật.
29 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Nam Anh)
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Sáng ngày 7/9, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xử sơ thẩm 29 bị can trong vụ án Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) khiến cho ba chiến sỹ công an hi sinh. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày. Các bị cáo bị Viện VSND TP Hà Nội truy tố về tội “Giết người” và tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại các Điều 123, Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, đất cánh đồng Sênh (thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) là đất quốc phòng đã được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận. Các cơ quan chức năng TP Hà Nội và Trung ương đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để người dân hiểu và yêu cầu nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, từ năm 2013, Lê Đình Kình (SN 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số đối tượng tại địa bàn xã Đồng Tâm thành lập “Tổ đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.
Các đối tượng này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”…
Tháng 11/2019, khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, Lê Đình Kình đã cùng các bị can góp tiền mua 10 quả lựu đạn, làm 85 chai bom xăng, 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm... để tấn công lực lượng chức năng. Nhóm này còn quay video phát trực tiếp lên mạng xã hội, tuyên bố sẽ tiêu diệt từ 300 đến 500 người nếu công an tiến vào Đồng Tâm.
Đầu tháng 1/2020, khi biết lực lượng Công an TP Nội sẽ về xã Đồng Tâm, Lê Đình Kình đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà Kình vào các ngày 6, 7 và 8/1/2020 để chỉ đạo chống đối.
Rạng sáng 9/1/2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra, Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động. Sau đó, các đối tượng dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công lực lượng công an. Tổ công tác đã nhiều lần dùng loa kêu gọi các đối tượng dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật nhưng các đối tượng không dừng lại mà càng chống đối quyết liệt.
Theo sự phân công nhiệm vụ, tổ công tác gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), đại úy Phạm Công Huy (cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an Hà Nội), thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động) cùng nhiều người khác triển khai kế hoạch đột nhập, bắt giữ các đối tượng về hành vi phạm tội quả tang. Khi các chiến sĩ Thịnh, Huy, Quân di chuyển qua cửa sổ nhà Lê Đình Hợi để sang nhà Lê Đình Chức thì bị Chức dùng tuýp sắt gắn dao bầu chọc từ trên xuống, các đối tượng dùng bom xăng, gạch đá ném nên ba chiến sĩ rơi xuống hố. Lúc đó, Chức bảo Doanh đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt khiến cả 3 chiến sĩ hy sinh.
Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy Lê Đình Kình đang cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã dùng súng bắn tiêu diệt.
Cơ quan điều tra xác định, Lê Đình Kình cùng con trai là Lê Đình Công và các bị can khác là Bùi Văn Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến giữ vai trò chủ mưu, vừa chỉ đạo các bị can khác trực tiếp thực hiện hành vi giết người. Các bị can còn lại tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức. Do ông Kình đã chết nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Ngày xét xử thứ nhất: Các bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội
Từ sáng sớm, công tác an ninh xung quanh phiên tòa được thắt chặt. Hội đồng xét xử phiên tòa gồm 5 người, do Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh án Tòa Hình sự (TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa. Thực hành công tố và kiểm sát xét xử có hai kiểm sát viên của Viện KSND TP Hà Nội.
Các bị cáo bị truy tố trong vụ án đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm. Trong đó, 25 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1, Điều 123 BLHS, gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung. Bốn bị cáo còn lại gồm: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2, Điều 330, BLHS.
Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX TAND TP Hà Nội đã kết thúc xong phần thủ tục, chuyển sang nội dung phần tranh luận. Tại phần thủ tục, các luật sư yêu cầu triệu tập thêm các nhân chứng là bà Dư Thị Thành - vợ Lê Đình Kình và chị Nguyễn Thị Duyên - vợ bị cáo Lê Đình Uy, đồng thời triệu tập đại diện công an TP Hà Nội tham dự phiên tòa. HĐXX khẳng định, đại diện CA TP Hà Nội đã có mặt tại phiên tòa, đồng thời, HĐXX ghi nhận và trong quá trình thẩm vấn có thể sẽ triệu tập nhân chứng Dư Thị Thành, Nguyễn Thị Duyên và một số chốt trưởng của tổ công tác từng làm nhiệm vụ ở Đồng Tâm nếu có liên quan đến vụ án.
Tại tòa, bị cáo Lê Đình Công cúi đầu xin lỗi gia đình ba chiến sỹ công an đã nằm xuống, đồng thời xin được khoan hồng từ pháp luật. Bị cáo Lê Đình Chức, con trai bị cáo Công cũng khẳng định, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật. “Bị cáo đã thành khẩn khai báo tại cơ quan điều tra và tại Tòa hôm nay, mong HĐXX cho bị cáo có cơ hội chuộc lỗi” - bị cáo Chức nói.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974) khai, bị cáo mù lòa, nên sắm được cái loa kéo đi hát rong kiếm tiền nuôi cả gia đình. Bị cáo nghe ông Kình nói một số cán bộ chiếm đất của dân, mà đất của bị cáo được canh tác từ trước rồi đến năm 2000 không được sử dụng nữa thấy bức xúc và nghe theo ông Kình. “Bị cáo xin phép HĐXX cho bị cáo nhẹ nhất. Bị cáo tàn tật không làm được gì, vợ lại đau yếu, mẹ đã già, và các con thì còn nhỏ. Bị cáo mong nhận được khoan hồng” – bị cáo Tuyển nói.
Tòa tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến để làm rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng. Đến 5h30, HĐXX kết thúc ngày xét xử đầu tiên. Ngày mai, tòa tiếp tục làm việc.
QUỲNH AN