Cần bổ sung quy định điều kiện đăng ký tạm trú với người dưới 18 tuổi

Chia sẻ

Cần bổ sung quy định điều kiện đăng ký tạm trú với người dưới 18 tuổi Trước thực tế còn có tình trạng sử dụng lao động trẻ em, người chưa đủ tuổi thành niên bất hợp pháp hiện nay, đại biểu Quốc hội cho rằng cần bổ sung vào Luật Cư trú (sửa đổi) quy định về điều kiện đăng ký tạm trú với người dưới 18 tuổi.

Đại biểu Trần văn Mão - đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).Đại biểu Trần văn Mão - đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). (Ảnh: T.H)

Cụ thể, thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào sáng 21/10, đại biểu Trần văn Mão - đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, trách nhiệm của người giám hộ hợp pháp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chăm sóc, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên đã được quy định khá rõ ràng tại công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết.

Thời gian qua, tình trạng chủ nhà hàng, khách sạn, nhà hàng, quán hát karaoke và gia đình đã sử dụng lao động trẻ em, người chưa thành niên bất hợp pháp, thuê các em làm giúp việc mà không khai báo tạm trú, không có hợp đồng lao động, không có giấy tờ ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ để bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em… diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Khi được kiểm tra, phát hiện, họ nhận trẻ em là con cháu, họ hàng.

Bởi vậy, “tôi đề nghị bổ sung nội dung về điều kiện đăng ký tạm trú với trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi. Theo đó, yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Quan tâm, bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên là trách nhiệm lớn của mỗi gia đình, các bộ ngành, cơ quan chức năng và toàn xã hội” - đại biểu Trần Văn Mão nhấn mạnh.

Liên quan tới các nội dung quy định trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Mão cũng kiến nghị bỏ quy định về việc người đăng ký thường trú phải “được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ” (quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 20 về Điều kiện đăng ký thường trú).

Quang cảnh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.Quang cảnh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hoàng- đoàn ĐBQH Đồng Tháp cũng cho rằng: Khi cho thuê, mượn, ở nhờ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã chấp nhận cho người cho thuê, mượn, ở nhờ sinh sống thường xuyên tại đó. Vì vậy, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người khác thực hiện đăng ký thường trú với cơ quan nhà nước, nhằm đảm bảo quyền lợi ích, hợp pháp chính đáng của mình và trật tự quản lý nhà nước ở nơi cư trú.

Việc quy định phải có văn bản đồng ý của chủ nhà thì người thuê, mượn, ở nhờ mới có thể đăng ký thường trú giống như hình thành thêm “giấy phép con”, làm hạn chế, cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của cơ quan nhà nước.

Sáng 21/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thông qua dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó tập trung: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; Chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú; Rà soát các trường hợp quyền tự do cư trú cần bị hạn chế, việc bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú.

Quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú,nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú; Xác định rõ nơi cư trú của công dân,bổ sung, làm rõ nơi cư trú của một số đối tượng cụ thể, nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; Rà soát, chỉnh lý quy định về điều kiện đăng ký thường trú,quy định rõ từng loại hồ sơ tương ứng với từng nhóm đối tượng, điều kiện đăng ký thường trú.

Rút ngắn thời gian thụ lý và giải quyết thủ tục hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho tổ chức và công dân, áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, cập nhật thông tin về cư trú của công dân; Rà soát lại các trường hợp không được đăng ký thường trú mới, bổ sung địa điểm không đượcđăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ.

Rà soát quy định về các trường hợp xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; Quy định rõ các trường hợp điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Chỉnh lý quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú,các trường hợp cần khai báo, nội dung, thủ tục khai báo tạm vắng.

Xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú của các cơ quan quản lý nhà nước,trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú, trách nhiệm của người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; Trách nhiệm quy định chi tiết về Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu giữa Cơ sở dữ liệu về cư trú với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bảnquy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú làm điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.