Chậm giải ngân, phân bổ gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vấn đề trọng tâm hiện nay cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề cập trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay (25/5).

Chậm giải ngân, phân bổ gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội  - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng nay (25/5), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021…

Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu bày tỏ tán thành với báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Quan tâm đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) dẫn chứng, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội trị giá 347.000 tỷ đồng rất chậm và đề nghị Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện tốt gói hỗ trợ để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, khâu mua sắm trong lĩnh vực y tế, cụ thể là tình trạng đấu thầu mua sắm thuốc điều trị cho người bệnh không đáp ứng được yêu cầu; trong đó danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định cụ thể nhưng nhiều bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh phải bên ngoài mua…

Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu đưa ra giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục triển khai, tạo chuyển biến tích cực và thực chất góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế; đồng thời có giải pháp cụ thể khắc phục vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện, triển khai, để những chính sách sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống.

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng) quan tâm đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng.

Chậm giải ngân, phân bổ gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội  - ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng) cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực. Đặc biệt gây thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo. Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu. Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, Nghị quyết 42 của Quốc hội Khóa XIV về bản chất cũng là một luật như vậy, khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật liên quan. Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật. Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường.

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.