Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Kỳ vọng Luật Thống kê (sửa đổi) luật hóa việc kê khai, cung cấp thông tin bằng công nghệ số

Chia sẻ

Thảo luận tại phiên họp chiều 25/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Văn Cường mong rằng, chúng ta thay đổi Luật thống kê thì phải sửa đổi cả phương thức thu thập các thông tin thống kê, sử dụng công nghệ số hóa để từ đó hình thành lên các kho dữ liệu thống kê chứ không chỉ dừng lại ở sửa đổi chỉ tiêu thống kê.

Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết: "Khi bắt đầu đọc tên về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thống kê, tôi rất háo hức, nhưng đọc xong thì hụt hẫng. Vì sao lại háo hức? Ai cũng biết rằng số liệu thống kê vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi tất cả các quyết sách phải kịp thời, nhanh chóng. Trong phòng, chống dịch vừa qua, chúng ta nhìn thấy rất rõ. Chúng ta không thể nào dùng những số liệu thống kê báo cáo trước đó một quý để đưa ra các quy định, mà phải là những con số nóng, kịp thời, từng ngày từng giờ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội, thảo luận tại hội trường Diên Hồng.Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội, thảo luận tại hội trường Diên Hồng. (Ảnh: Q.H)

Trong kinh doanh cũng vậy, những bộ phận về quản trị khách hàng chỉ cần nắm được thông tin của khách hàng: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email... Những thông tin này tưởng đơn giản nhưng lại có thể bán, đẩy cho những người làm tiếp thị, từ đó những người tiếp thị họ lại có thể khai thác rất nhiều tiền từ việc giới thiệu sản phẩm. Như vậy số liệu thống kê hiện nay không còn là những con số khô khan mà đang trở thành nguồn lực, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Càng sử dụng càng sở hữu nhiều số liệu thống kê thì càng nhiều tiền" - đại biểu Cường ví dụ.

Bởi vậy, đại biểu Cường kỳ vọng Luật sửa đổi Luật thống kê lần này sẽ phải luật hóa việc kê khai cung cấp những thông tin thống kê bằng công nghệ số, để hình thành nên kho dữ liệu quốc gia về tất cả những thông tin kinh tế xã hội. "Nếu chúng ta làm được việc đó thì đây chính là tiền đề của việc chuyển đổi số quốc gia. Khi chúng ta thực hiện được việc đó, có được dữ liệu số thì đây chính là điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số.

Nếu chuyển từ phương thức thống kê theo kiểu truyền thống trước đây sang phương thức mà thực hiện công nghệ số thì bất kể một sự biến động hay một sự thay đổi nào trên thực tế của kinh tế xã hội, ngay lập tức sẽ được cập nhật vào trong hệ thống thông tin quốc gia để hình thành lên các bộ dữ liệu số quốc gia. Khi đó, hầu hết các cuộc điều tra thống kê mà theo truyền thống từ trước đến nay mất rất nhiều công sức, tốn nhiều giấy mực, nhiều đầu tư thì có lẽ không cần thiết nữa, thậm chí chưa chính xác bằng hệ thống cập nhật số" - đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Với kho dữ liệu số như thế, bất kỳ một thời điểm nào, cơ quan thống kê cũng có thể chiết xuất được các chỉ tiêu thống kê mà các cơ quan nhà nước cần yêu cầu, thậm chí bất kể một cơ quan, một doanh nghiệp nào yêu cầu thì cơ quan thống kê cũng có thể cung cấp được ngay, chứ không phải chỉ giới hạn 222 chỉ tiêu thống kê như trong dự thảo này nêu lên. Chính vì giới hạn này, Bộ ngành nào cũng băn khoăn là tại sao ngành mình, bộ mình lại không có các chỉ tiêu thống kê đưa vào đây. Nếu chúng ta làm được thế thì nghĩa là cơ quan thống kê đang nắm giữ một kho tài nguyên số.

Quang cảnh phiên họp.Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Q.H)

Lý giải vì sao lại cảm thấy "hụt hẫng", đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay: "Hiện nay chúng ta vẫn cứ thực hiện phương thức để thu thập thống kê như trước đây, chỉ tập trung vào thay đổi các chỉ tiêu thống kê nâng từ 186 chỉ tiêu đến 222 chỉ tiêu thống kê quốc gia. Việc chúng ta nâng thêm các chỉ tiêu quả thật là sự dũng cảm của ngành thống kê.

Bởi lẽ chỉ cần thêm một chỉ tiêu thì việc tiêu tốn cho việc đó mất hàng nhiều tỷ đồng và công sức của cán bộ thống kê sẽ phải bỏ rất nhiều nếu như chúng ta thực hiện các cách thống kê như từ trước đến nay. Vì vậy nếu chúng ta cứ thực hiện việc duy trì phương thức thống kê như cũ, chỉ thay đổi về đầu ra chỉ tiêu thì với đòi hỏi của các bộ, ngành thì cơ quan thống kê sẽ không thể nào thực hiện được. Đến khi đó, cán bộ thống kê vẫn cứ cần mẫn phải làm việc cặm cụi".

Từ lý do trên, đại biểu Cường mong rằng: "Chúng ta thay đổi Luật thống kê thì không chỉ dừng lại sửa đổi các chỉ tiêu thống kê, mà sửa đổi ngay từ phương thức thu thập các thông tin thống kê, sử dụng công nghệ số hóa để từ đó hình thành lên các kho dữ liệu thống kê. Nếu chúng ta làm được như thế, đây chính là công việc khởi đầu của việc chuyển đổi số quốc gia.

Ngành thống kê mà không đi đầu trong chuyển đổi số thì không thể nào các lĩnh vực khác, các ngành khác chuyển đổi số được. Ngành thống kê không chuyển đổi số, không có được các khu kho dữ liệu tự động này thì chúng ta không thể nào có được cơ sở tiên quyết trong việc phát triển một nền kinh tế số như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra".

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn; gắn với kỷ niệm ngày thành lập MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú...
Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

Bổ sung danh mục năm 2024 với 217 dự án thu hồi đất

(PNTĐ) - Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024; danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ năm 2024 trên địa bàn thành phố.