Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi):

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hình thức bạo lực trên không gian mạng

Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay chúng ta đã thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau, đây cũng là bạo lực và hình thức bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình. Vì vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng.

 Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hình thức bạo lực trên không gian mạng - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Hà - tỉnh Bắc Ninh (ảnh: Q.H)

Chiều nay (14/6), góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tại điều 4, khoản 1, điểm k quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó, trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ), đại biểu Nguyễn Thị Hà - tỉnh Bắc Ninh đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung này cho sát với thực tiễn. Bởi lẽ, trong thời đại công nghệ 4.0 với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, hình ảnh trên các nền tảng ấy sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh tình cảm vui tươi, trong sáng mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.

Cũng trong quy định này, trường hợp là trẻ em phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, tại điều 6, khoản 11 của Luật trẻ em 2016 lại quy định về các hành vi nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ của trẻ em. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và cả hai Luật. 

Tại điều 4 của dự thảo luật, đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng. Hiện nay chúng ta đã thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau, đây cũng là bạo lực và đại biểu cho rằng, bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.

Đối với các quy định về hòa giải - biện pháp phòng ngừa BLGĐ và phòng ngừa tái diễn BLGĐ sẽ không thay thế các biện pháp xử lý BLGĐ, dự thảo Luật chưa quy định rõ khi nào xử lý tình huống bằng hòa giải, khi nào cần các biện pháp can thiệp khác. Thực tiễn, trong hòa giải đôi khi dẫn đến tình trạng bạo lực “kép” do người thực hiện hòa giải thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng chống BLGĐ, giới, quyền con người. Do vậy, Luật cần bổ sung quy định tiêu chí về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của tổ hòa giải. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị BLGĐ và bị ảnh hưởng bởi BLGĐ.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị BLGĐ hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi BLGĐ xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị BLGĐ, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

Luật cũng cần quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ để trẻ phục hồi, tái hòa nhập, phát triển toàn diện sau khi bị bạo lực mà không bị kỳ thị.

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.