Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố lần thứ XVIII xác định 10 chỉ tiêu
(PNTĐ) - Chiều 21/8, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 bước vào ngày làm việc đầu tiên với sự tham dự của 363 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Tại phiên thứ nhất, các đại biểu tham dự Đại hội đã hiệp thương thông qua danh sách Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 17 vị; Đoàn Thư ký Đại hội gồm 2 vị; thông qua chương trình, quy chế Đại hội.
Đại hội cũng đã nghe báo cáo tổng hợp tình hình đại biểu dự Đại hội; báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029; báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX.
Đại hội cũng thảo luận làm rõ hơn những kết quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên trên các mặt công tác. Các đại biểu đã tham luận, đánh giá làm rõ hơn những kết quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên trên các mặt công tác.
Nhiệm kỳ 2019-2024, bám sát hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chỉ đạo của Thành uỷ, sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức thành viên, MTTQ Việt Nam Thành phố đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các nhiệm vụ mới phát sinh, chưa từng có tiền lệ, thực hiện hiệu quả 5 chương trình hành động, 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ công tác trọng tâm, 5 giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVII; tập trung hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư làm địa bàn trọng tâm để vừa tuyên truyền vận động, tập hợp đoàn kết, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những sáng kiến, kiến nghị của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, triển khai các phong trào thi đua yêu nước. Trong nhiệm kỳ đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, gương sáng, người tốt việc tốt trong triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động.
Công tác vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được tăng cường. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố đã khẳng định mạnh mẽ vai trò là trung tâm quy tụ, tập hợp khối đại đoàn kết; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên giải quyết kịp thời những vấn đề khó, mới, liên quan trực tiếp tới đời sống của Nhân dân; được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; huy động được số tiền ủng hộ các loại quỹ lớn nhất từ trước đến nay.
Công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận các cấp Thành phố đã trở thành hoạt động thường xuyên, tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thủ đô và đất nước. Công tác phối hợp với chính quyền các cấp ngày càng chặt chẽ, rõ nét, thực chất, hiệu quả.
Triển khai hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, nhân sỹ trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, duy trì, ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác truyền thống.
MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn; Đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp ngày càng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, có trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, bản lĩnh, sáng tạo, trách nhiệm với công việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua vẫn còn những hạn chế: Công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chưa đồng đều, chưa khai thác hết hiệu quả của các phương tiện truyền thông của hệ thống Mặt trận Tổ quốc; việc nắm tình hình Nhân dân có nơi hiệu quả còn hạn chế, có lúc, có nơi, vụ việc chưa sâu sát kịp thời, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên. Việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, người Việt Nam ở nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố. Hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn và đội ngũ cộng tác viên đã có nhiều cố gắng hơn nhưng chưa phát huy hết tiềm năng. Chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã được nâng lên, tuy nhiên, tại một số nơi còn hạn chế. Quá trình giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi còn né tránh, ngại va chạm nên hiệu quả giám sát, phản biện xã hội chưa cao. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa quyết liệt, việc phát huy vai trò giám sát thường xuyên của Nhân dân còn hạn chế. Việc tham gia công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực, giám sát cán bộ đảng viên, chủ động phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật chưa được như mong muốn. Chất lượng, hiệu quả tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở một số nơi chưa cao.
Phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những hạn chế, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, nhiệm kỳ 2024-2029, MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội xác định 3 khâu đột phá, gồm: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố theo hướng ích nước, lợi dân, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Đại hội xác định 10 chỉ tiêu gồm: 100% Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố thành lập và sử dụng thành thạo, phát huy hiệu quả fanpage trong công tác tuyên truyền, vận động và nắm tình hình nhân dân; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Phấn đấu hàng năm, 100% thôn, tổ dân phố tổ chức tốt hội nghị đại biểu nhân dân; 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cả phần lễ và phần hội; mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc tiêu biểu, điển hình, cụ thể góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Phối hợp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; phấn đấu tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 80%; Thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: 70%; Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 88-90%. Phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện lễ tang văn minh tiến bộ (phấn đấu tỷ lệ hoả táng từ 80% trở lên). Phấn đấu vận động các quỹ đạt mục tiêu, yêu cầu của Thành phố; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở (đủ điều kiện hỗ trợ) được Quỹ “Vì người nghèo” các cấp hỗ trợ xây, sửa nhà. Hàng năm, 100% các hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thành phố hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết. 100% các hộ gia đình khi gặp thiên tai, sự cố đều được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hỗ trợ, giúp đỡ. 100% Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch và giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức ít nhất 5 chương trình, nội dung giám sát, phản biện ít nhất 6 dự thảo văn bản; cấp huyện tổ chức ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát, phản biện ít nhất 2 dự thảo văn bản; cấp xã căn cứ tình hình và điều kiện thực tế lựa chọn nội dung, hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện. 100% Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. 100% cán bộ Mặt trận các cấp Thành phố và Trưởng ban Công tác Mặt trận được bồi dưỡng kiến thức phù hợp và được tập huấn chung về kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận, mỗi năm ít nhất 1 lần. Phấn đấu trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hướng dẫn, triển khai để mỗi khu dân cư hình thành ít nhất 1 tổ, nhóm tự quản tại cộng đồng. Phấn đấu tổ chức 95% các hội nghị quán triệt, phổ biến, triển khai văn bản theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; hạn chế sử dụng tài liệu giấy tiến tới số hoá 100% tài liệu họp vào cuối nhiệm kỳ.
Đại hội đề ra 6 Chương trình hành động: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, nắm tình hình các tầng lớp Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
Sáng mai (22/8), Đại hội MTTQ Việt Nam TP lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ tiếp tục chương trình làm việc.