Đề xuất cần một công ty thông tin tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán
(PNTĐ) - Ngày 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (một luật sửa 7 luật).
“xếp hạng tín nhiệm” cần quy định rõ ràng
Góp ý kiến về Luật Chứng khoán, tại Điều 1 dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật hiện hành), đại biểu đồng tình về việc bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thu thập, tập hợp thông tin, phát hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán; quyền, trách nhiệm, quy trình phối hợp với cơ quan điều tra liên quan đến các tội phạm về thị trường chứng khoán, trong đó có hành vi thao túng thị trường chứng khoán là cần thiết.
Chính phủ rà soát để đảm bảo quy định tại Dự thảo Luật phù hợp, đồng nhất với các quy định pháp luật liên quan trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Đồng thời, cần rà soát, làm rõ, chi tiết các khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phổ biến, cần nghiên cứu quy định tại Dự thảo Luật để đảm bảo các quy định có khả năng bao quát các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ.
Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (khoản 5 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Luật hiện hành), đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho hay, việc bổ sung điểm g khoản 3 Điều 15 của Luật hiện hành theo hướng một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là “Đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm” là cần thiết. Tuy nhiên, việc “xếp hạng tín nhiệm” cần quy định rõ ràng, đề nghị Chính phủ có quy chế thực hiện rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả của việc xếp hạng tín nhiệm.
Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 31 của Luật hiện hành), đối với nội dung đề xuất tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu từ 1 năm lên 3 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo đại biểu là chưa phù hợp, do trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt là các loại trái phiếu do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành là một loại sản phẩm có mức độ rủi ro cao.
Mặc dù pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này nhưng trên thực tế hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư trái phiếu riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư. Đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm về chính sách trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đồng thời với việc hoàn thiện thống nhất các quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của công ty đại chúng và công ty không phải là đại chúng để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận, huy động các nguồn vốn khác trong phát triển kinh tế.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 (chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng) như sau: “Bổ sung ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu thì không phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành”.
Cùng đó, sửa đổi, bổ sung khoản 3 (chào bán trái phiếu ra công chúng): “bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ”.
Về đình chỉ, hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ (khoản 9 Điều 1 Dự thảo Luật, bổ sung Điều 31a sau Điều 31 của Luật hiện hành), theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, việc bổ sung quy định về đình chỉ, hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ là cần thiết; tuy nhiên cần rà soát xây dựng và bổ sung quy trình, trình tự, trách nhiệm của tổ chức phát hành mà bị đình chỉ, chế tài và trách nhiệm đối với nhà đầu tư. Đồng thời, quy định điều kiện khắc phục để không bị đình chỉ hoặc chấm dứt việc đình chỉ.
Cần một công ty thông tin tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán
Thảo luận tại hội trường về lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cảnh báo quy mô thị trường cho vay cầm cố hiện khá lớn (thống kê mới nhất của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý III/2024 của 68 công ty chứng khoán - đại diện 99% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành) cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ đạt hơn 228.000 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/9/2024) và cần thêm công cụ quản trị rủi ro.
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, các ngân hàng thương mại đã có Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng vay, trong khi công ty chứng khoán chưa có mô hình tương tự. Điều này dẫn tới một khách hàng có thể vay tại nhiều công ty chứng khoán, trong trường hợp khách hàng này bị một công ty chứng khoán bán giải chấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nợ tại các công ty chứng khoán còn lại.
Vì vậy, rất cần một công ty thông tin tín dụng trong lĩnh vực chứng khoán (tương tự CIC) để giúp các công ty chứng khoán quản trị rủi ro tốt hơn.
Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương
Góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Trần Khánh Thu, (Đoàn Thái Bình) cho biết, theo dự thảo Luật thì Chính phủ chỉ quy định về thẩm quyền cho các cơ quan cấp dưới cũng như các chính quyền địa phương trong việc quản lý các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, nội dung này không được thể hiện rõ ràng ở các điều luật sau đó. Trên cơ sở quy định thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, hội đồng nhân dân các cấp quy định thẩm quyền quản lý sử dụng tài sản công cho các cơ quan cấp dưới.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ xảy ra sự chồng lấn, thiếu rõ ràng về phạm vi, cần rà soát, nghiên cứu, làm rõ nội dung, phạm vi quy định của Chính phủ và các cơ quan cấp dưới để tránh mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong ngay chính luật này và cũng như luật khác của hệ thống pháp luật.
Đối với quy định về khấu hao, hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ gây thêm khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ. Đại biểu cho biết, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã có quy định về tính khấu hao trong kết cấu giá thành sản phẩm dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, Nghị định này nêu rõ, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Trong đó, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì giá cung cấp dịch vụ không có yếu tố khấu hao tài sản và cũng không có quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp nên chưa được tính đầy đủ như giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ nội dung này để có quy định bám sát điều kiện thực tế, tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật liên quan
Góp ý về việc sửa đổi Luật ngân sách nhà nước, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, trong hồ sơ, Chính phủ trình kèm theo các dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết, tuy nhiên đây là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách, nên Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, không luật hoá nghị định, thông tư.
Đồng thời, cần cân nhắc việc quy định quá linh hoạt có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn trong quản lý tài chính, ngân sách, có thể rủi ro cho cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ trong điều kiện hệ thống chính sách chưa thực sự đồng bộ, thống nhất như hiện nay.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các luật liên quan, sửa toàn diện Luật Ngân sách nhà nước, nghiên cứu nội hàm để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương không mang tính dàn đều mà ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, lĩnh vực kinh tế ngành trọng yếu của quốc gia, lĩnh vực kinh tế có thể khai thác hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa nguồn lực của địa phương và khu vực ngoài nhà nước, tạo điều kiện chủ động cho việc điều hành ngân sách của địa phương.
Cùng đó, cần tiếp tục nghiên cứu các nội dung về chuyển nguồn ngân sách, hệ thống các chính sách đặc thù đã ban hành liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư, các quy định về vay vốn nước ngoài, quỹ tài chính trong và ngoài ngân sách để làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật, hoàn thiện các chính sách đặc thù.