Đề xuất nhà giáo là đối tượng được ưu tiên thuê - mua nhà ở xã hội
(PNTĐ) - Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Nhà giáo ngày 9/11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiêm cấm những hành vi không tôn trọng và xúc phạm nhà giáo… đồng thời đề xuất giống như lực lượng vũ trang cần quy định nhà giáo là đối tượng được ưu tiên thuê - mua nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng việc ban hành Luật Nhà giáo đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển nhà giáo; khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo…
Theo đại biểu, đây là Luật mới, quy định về đối tượng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải quyết những vấn đề xung đột pháp lý nếu phát sinh.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà giáo cần yêu cầu cao hơn để trở thành chuẩn mực, mẫu mực. Nhà giáo không chỉ mẫu mực trong nghề nghiệp mà còn trong mọi hoạt động xã hội; đối xử tôn trọng, công bằng với người học là điều đương nhiên mà còn khuyến khích người học, tất cả ý kiến người học cần được đánh giá cao để bảo đảm tư duy sáng tạo; nghĩa vụ tham gia nghiên cứu khoa học của nhà giáo cũng cần được xã hội tạo điều kiện về nguồn lực, kinh phí…
Cùng đó, đại biểu cho rằng, bên cạnh việc cơ quan soạn thảo đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức. Đại biểu đề xuất, cần nghiêm cấm những hành vi không tôn trọng và xúc phạm nhà giáo… Đề nghị, giống như lực lượng vũ trang, cần quy định nhà giáo là đối tượng được ưu tiên thuê - mua nhà ở xã hội.
Theo đại biểu Thích Bảo Nghiêm, tại điểm d, khoản 3, điều 16 quy định: “Người đã có thời gian hợp đồng lao động làm nhà giáo trong cơ sở giáo dục từ 2 năm trở lên” thuộc đối tượng được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo".
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đề nghị cần làm rõ “hợp đồng lao động làm nhà giáo” thuộc loại hợp đồng nào, vì Hợp đồng đối với nhà giáo được quy định tại khoản 1, điều 19 của Dự thảo Luật gồm: hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về viên chức và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong đó, hợp đồng làm việc được chia thành 2 loại: hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (khoản 2 và khoản 3 điều 19). Còn hợp đồng lao động áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo là người nước ngoài (khoản 4, điều 19).
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm đặt vấn đề: "hợp đồng lao động làm nhà giáo ở Điều 16 có phải là hợp đồng lao động được quy định tại điều 19 không?. "Nếu đúng thì tôi cho rằng, chính sách ưu tiên tuyển dụng nhà giáo áp dụng cho người đã có thời gian hợp đồng lao động làm nhà giáo là chưa phù hợp".
Theo đại biểu Thích Bảo Nghiêm, đối tượng được ưu tiên chỉ là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài; còn nếu hợp đồng lao động làm nhà giáo trong Dự thảo này thuộc loại hợp đồng lao động thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, thì cũng cần làm rõ.