Đề xuất tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lên 85%

Chia sẻ

Sáng 6/1, thảo luận tại tổ trong kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng bây giờ đã là thời điểm chín muồi để sửa và bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, nâng mức thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với thuốc lá và đồ uống có cồn.

 

Về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trước đó, tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết sửa đổi nội dung này của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Một số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này, song đề nghị cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi và đánh giá tác động, phân tích sâu hơn nhằm đạt mục tiêu chính sách.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2022, để có thể đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích và cần hạn chế tiêu dùng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.

ĐBQH Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.ĐBQH Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: T.H)

Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận tổ Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật. Cụ thể, 8 luật này là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc trình “1 luật sửa đổi 8 luật” nhằm mục tiêu khắc phục hậu quả của Covid-19 và giải quyết các điểm nghẽn, khó khăn. Trong bối cảnh Việt Nam đang đưa ra gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, các ĐBQH còn băn khoăn về việc sau khi bơm tiền, giảm thuế phí để hỗ trợ phát triển nhưng chưa tính tới giải pháp tính đến nguồn thu để bù đắp khi thực hiện các giải pháp này.

Đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, nhiều cử tri và tổ chức có ý kiến về việc cần sửa ngay và bổ sung Thuế tiêu thụ đặc biệt để nâng mức thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với thuốc lá và đồ uống có cồn.

Theo đại biểu, đây là thời điểm “đủ chín” để thực hiện, vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa tăng thu ngân sách, giảm các thiệt hại khác và những hệ lụy về mặt xã hội.

Đại biểu Lê Hoàng Anh cũng thông tin: Hiện Việt Nam đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 75% với thuốc lá. Một năm, có khoảng 15 triệu người Việt hút thuốc, dành 31.000 tỷ đồng để chi cho sản phẩm này. Ước tính, chi phí y tế các loại bệnh liên quan đến thuốc lá là 24.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, nếu tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lên 85% hoặc đánh thuế trực tiếp lên 5.000 đồng/bao như một số ĐBQH đề xuất thì có thể thu lại vài chục nghìn tỷ.

Còn với đồ uống có cồn, ĐBQH Lê Hoàng Anh phân tích: Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiêu thụ mạnh bia nhiều nhất thế giới trong 3, 4 năm gần đây. Thiệt hại kinh tế mang đến do bia khoảng 65.000 tỷ. Chi phí y tế cho 6 loại ung thư liên quan đến rượu bia là khoảng 26.000 tỷ. Giải quyết tai nạn giao thông do rượu bia gây ra khoảng 50.000 tỷ. Thiệt hại gây ra do đồ uống có cồn cũng rất nặng nề. Vì vậy, đại biểu cũng đề xuất tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ lên 85%.

"Đây là việc có thể làm ngay, đánh giá tác động của việc tăng thuế tiêu thụ rượu bia là dễ dàng thực hiện, không khó khăn như nhiều vấn đề khác. Vì vậy, tôi đề xuất Chính phủ xem xét ngay ở Kỳ họp bất thường lần này"- đại biểu Lê Hoàng Anh đề xuất.

Liên quan đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho biết, trong tờ trình của Chính phủ nêu cần phải làm rõ hơn việc xử lý pin không thể sử dụng, tái chế. Theo vị đại biểu này, trước kia khi xe máy chạy điện, ác quy của xe máy chạy điện cũng là một vấn đề, điện mặt trời cũng là một xu hướng tốt nhưng pin của điện năng lượng mặt trời cần xử lý như thế nào cũng đang là vấn đề đặt ra. Tương tự, đối với pin của xe điện cần xử lý như thế nào thì cũng phải được quy định rõ.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.