Đổi mới hoạt động của Giải báo chí Quốc gia nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số
(PNTĐ) - Ngày 16/11/2023, tại tỉnh Hòa Bình, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm giải báo chí quốc gia và chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao. Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tôn vinh đóng góp của nhà báo trên mặt trận tư tưởng
Ngày 29 tháng 3 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và giao cho Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và mời Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tham gia thực hiện.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết: Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.
Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; Triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024 đối với 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 20 Liên Chi hội và 100 Chi hội Nhà báo trực thuộc được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, Hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.

Đánh giá những kết quả đạt được của Giải Báo chí Quốc gia, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng cho biết: Giải báo chí Quốc gia được báo giới nói riêng và xã hội nói chung hưởng ứng và đón nhận hằng năm. Tham dự Giải là các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, hoạt động trong lĩnh vực báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử trong cả nước bằng những tác phẩm xuất sắc nhất sáng tác trong một năm lao động bền bỉ. Những tác phẩm được chọn trao giải thực sự đạt chất lượng về chính trị, tư tưởng, có nội dung phong phú, phản ánh trung thực bức tranh đời sống đất nước và có hình thức, kỹ thuật thể hiện sáng tạo, đạt hiệu quả xã hội cao. Giải báo chí Quốc gia đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí, qua đó đã phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư “về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới” và Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”.
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, bên cạnh thành công, so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, so với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới như vậy thì Giải báo chí Quốc gia với tư cách là một động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.
Điển hình như trong bối cảnh chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều cơ quan báo chí, với nhiều phương thức làm báo hiện đại, ứng dụng công nghệ cao được áp dụng, cơ cấu Giải báo chí Quốc gia do đó cũng cần hướng đến dung nạp thêm nhiều sản phẩm báo chí với phương thức thể hiện mới, đang được công chúng đón nhận rộng rãi, như Sản phẩm báo chí chuyên đề, đa phương tiện, đa loại hình, đa nền tảng… Ngoài ra, cùng với việc mở rộng cơ cấu giải, số lượng giải cũng cần được tăng lên tương ứng. Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giải báo chí Quốc gia cũng cần cải tiến quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong quá trình tổ chức và phát triển...
Động lực cho hoạt động báo chí cả nước
Tại Hội nghị, ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam đã báo cáo Tổng kết hỗ trợ báo chí chất lượng cao ở Trung ương và các tỉnh phía Bắc năm 2022. Theo đó, đối với 25 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phía Bắc, năm 2022, kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo 25 tỉnh, thành phố phía Bắc là 4.480 triệu đồng. Đối với báo chí ở trung ương, năm 2022, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 4.325 triệu đồng.

Các tác phẩm báo chí được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu, từ các cấp Hội, thuộc mảng đề tài ưu tiên theo Chương trình. Nội dung tác phẩm phản ánh kịp thời, sâu sát, có tính phát hiện những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm ở Trung ương và địa phương, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã có tác dụng động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Nhờ có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, các cấp Hội có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hoạt động báo chí. Đây thực sự là luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí cả nước.
Theo ông Phan Toàn Thắng, nhờ có kinh phí bổ sung, nhiều Hội Nhà báo khó khăn về tài chính đã có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sáng tác tác phẩm chất lượng cao, được coi như một “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn. Nhiều nhà báo cho rằng, đối với những cơ quan báo chí còn eo hẹp về kinh phí hoạt động thì đây là một nguồn hỗ trợ rất quan trọng. Còn với những cơ quan thuận lợi về tài chính thì đây cũng là nguồn khích lệ, tiếp sức cho anh chị em nhà báo, hội viên sáng tạo hay hơn, cao hơn…
Chương trình cũng tạo điều kiện cho Hội Nhà báo có thêm điều kiện hoạt động, tìm tòi đề tài mới theo nội dung Chương trình, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Nhiều hội viên, nhà báo có tác phẩm được hỗ trợ, là các tác phẩm tiêu biểu có tác động tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là công cuộc đổi mới của đất nước.

Có thể nói, chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đã thu được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục như nguồn hỗ trợ tuy đã được điều chỉnh tăng (khoảng 1,5-1,6 lần so với giai đoạn trước, tùy từng đơn vị) nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cần hỗ trợ của các đơn vị; mức hỗ trợ bình quân cho một tác phẩm rất thấp; Công tác hỗ trợ mới tập trung vào những nguồn sáng tạo (chất xám) hiện có mà chưa chú trọng đến khâu bồi dưỡng các tài năng trẻ, là gạch nối, là sự chuyển tiếp của thế hệ đi trước...
Trong Chương trình, Hội nghị đã nghe tham luận của nhiều đại biểu đến từ Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Nam Định... qua đó làm rõ chủ đề của Hội nghị.