Góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 6/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm

Nhất trí với chủ trương, đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật Đầu tư công (sửa đổi) liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là cho địa phương để thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề cập nhiều lần là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” thì cần bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. 

Đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định.

Góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận.

Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.

Khi UBND có yêu cầu, HĐND đều chủ động sắp xếp, bố trí lịch họp trong thời gian sớm nhất có thể để thực hiện các thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công, chứ không chờ đến các kỳ họp định kỳ để giải quyết các công việc phát sinh.

Mặt khác, khi đưa nội dung này ra xem xét, thảo luận và quyết định tại HĐND thì việc chuẩn bị hồ sơ dự án sẽ phải cẩn trọng hơn, việc công khai, minh bạch về quy trình cũng như nội dung dự án đầu tư. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các cơ quan và người dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Đây là việc làm cần thiết

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp. HĐND các cấp tổ chức họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường, khi cần thiết. Do vậy, không sợ mất thời gian chờ đợi nếu phải trình qua HĐND phê duyệt. 

Góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - ảnh 2
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Dù vậy, nếu trình qua HĐND, dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, lấy ý kiến của nhiều cơ quan ban ngành có liên quan, nên sẽ mất thời gian hơn là trình thẳng cho Chủ tịch UBND phê duyệt. 

Còn việc dự án phải lấy ý kiến tham gia của nhiều cơ quan ban ngành thì sẽ được đánh giá, xem xét kỹ hơn, chuẩn bị tốt hơn. Sẽ đảm bảo khi triển khai thuận lợi và mang lại hiệu tốt quả hơn. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là việc làm cần thiết, vì theo kinh nghiệm quốc tế, khi chuẩn bị dự án đầu tư bao giờ cũng được đánh giá, chuẩn bị rất kỹ, trước khi triển khai.

Theo đại biểu, việc thông qua HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo lên sự độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với người phê duyệt dự án đầu tư, để tránh những nguy cơ mắc phải những sai phạm, giảm gánh nặng trách nhiệm cho người phê duyệt dự án.

Thêm vào đó, khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, thì đồng thời cũng quyết định luôn những cơ chế đặc thù dành riêng cho dự án.

Do vậy, khi HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng sẽ quyết định luôn những cơ chế để giải quyết những vấn đề vướng mắc, giúp cho dự án được triển khai thuận lợi hơn.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cho phép HĐND các cấp được quyết định những giải pháp đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương và yêu cầu riêng của từng dự án.

Đồng thời, quy định HĐND các cấp có thể ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự thuộc thẩm quyền để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Đơn giản thủ tục hành chính, giảm xin cho

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại tổ cũng như tại hội trường. Các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết và rất sát thực tế; đồng thời rất trúng và đúng với các vấn đề vướng mắc hiện nay.

Góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - ảnh 3

Trước hết, chúng ta cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật. Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào quản lý, giờ phải vừa quản lý vừa kiến tạo cho phát triển. Đây là tư duy thay đổi rất lớn. Quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, đơn giản thủ tục hành chính, giảm xin cho, giảm quyền anh, quyền tôi và đùn đẩy, né tránh.

Về phạm vi sửa đổi Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, nội dung sửa luật lần này là vấn đề cốt lõi, vướng mắc trong thực tiễn cần điều chỉnh ngay.

Về đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng trở lên (hiện tại là 10.000 tỷ đồng), một số ý kiến đại biểu cho rằng, chỉ nên nâng lên 20.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia đưa ra từ năm 1997 là 10.000 tỷ đồng. Từ đó đến nay, quy mô nền kinh tế đã tăng 10 lần so với năm 2000 và 2,5 lần so với năm 2013. Mức trượt giá bình quân từ năm 2020 đến nay là 3% một năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dự kiến vòng đời của Luật khoảng 5-10 năm, nếu nâng lên như ý kiến đại biểu thì vài năm nữa sẽ không còn phù hợp. Vì thế, cần giữ quy mô vốn dự án quan trọng là 30.000 tỷ đồng như Chính phủ đề xuất.

Thực tế giai đoạn 2021-2025 Quốc hội quyết nghị 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó 5 dự án trên 30.000 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2026-2030 tới đây sẽ có 40 dự án trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có 30 dự án hơn 30.000 tỷ đồng. Việc xem xét, quyết nghị số lượng lớn dự án trong một nhiệm kỳ Quốc hội là nhiều. Nếu giảm quy mô xuống 20.000 tỷ đồng thì Quốc hội mất nhiều công trong xem xét, phê duyệt dự án quan trọng quốc gia. Đây cũng là đẩy mạnh tăng phân cấp, phân quyền để Quốc hội tập trung làm các quyết sách lớn của đất nước.

Góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - ảnh 4
Các đại biểu dự kỳ họp.

Về đề xuất phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc này không vi phạm Hiến pháp. Đồng thời cũng đảm bảo tính linh hoạt vì việc điều chỉnh dự án diễn ra hàng ngày hàng tháng, chứ không theo đợt.

Chính phủ không thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét từng dự án, từng tỉnh. Dù mấy tuần Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 1 lần thì cũng khó. Còn chờ gom vào một lượt để trình lại lỡ việc của địa phương. Chuyện điều chỉnh phát sinh hàng ngày, hàng tháng nên phân cấp như dự thảo Luật sẽ đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tế phát sinh.

Về các ý kiến không đồng tình phân cấp thẩm quyền từ HĐND sang UBND quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm B và C, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Điều 17 của Luật hiện hành đã cho phép, là trong trường hợp cần thiết HĐND có thể giao UBND. Thực tế đã có 43 tỉnh thực hiện. Vừa rồi Chính phủ lấy ý kiến 63 địa phương thì đều đồng ý.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng xem phân cấp cho UBND hay giữ nguyên như hiện nay, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội. Phương án có thể là tách và phân cấp theo nguồn ngân sách của tỉnh hoặc huyện.

Về tách dự án giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định hiện nay, dự án qua 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng nằm ở khâu chuẩn bị dự án, làm trước và song song với thủ tục đầu tư. Khi xong thủ tục đầu tư thì thực hiện được ngay, thay vì xong quyết định đầu tư mới quay sang giải phóng mặt bằng.

“Việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng là “cuộc cách mạng”. Dù vậy, mở để phát triển nhưng vẫn cần quản lý chặt chẽ, tránh tràn lan, lãng phí. Do đó, Dự thảo Luật đưa ra quy định khi tách dự án giải phóng mặt bằng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và phân bổ, huy động vốn” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Tin cùng chuyên mục

Đến 2/9/2025, hoàn thành bổ cập nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch

Đến 2/9/2025, hoàn thành bổ cập nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch

(PNTĐ) - Sáng 2/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra tiến độ Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch.
Huyện Gia Lâm kiên quyết thu hồi đất, sớm bàn giao mặt bằng

Huyện Gia Lâm kiên quyết thu hồi đất, sớm bàn giao mặt bằng

(PNTĐ) - Thực hiện dự án Dự án mở rộng cơ sở đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam có diện tích đất nằm trên địa bàn 2 xã Dương Xá và Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, với tổng diện tích hơn 3,5ha, UBND huyện Gia Lâm thực hiện quy trình thu hồi đất của 98 hộ gia đình đều nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, hiện chỉ còn duy nhất 1 hộ thuê đất để canh tác là chưa nhận tiền hỗ trợ và bàn giao mặt bằng khiến cho việc thực hiện dự án có nguy cơ trễ.
Nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức, giúp dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới

Nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức, giúp dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 284-KH/TU ngày 29/11/2024 về việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong toàn Đảng bộ thành phố.