Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Theo THỊNH AN /kinhtedothi.vn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Phát triển theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô

Phát biểu thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá trên các cơ sở lịch sử, chính trị và thực tiễn, Huế đã bảo đảm các điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình tuyệt đối với chủ trương này, mong muốn Quốc hội sớm thông qua chủ trương để thành phố triển khai thực hiện.

Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động hiệu quả - ảnh 1
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội điều hành phiên thảo luận tổ sáng 31/10. Ảnh: Mai Hữu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương cần phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị cần lượng hóa được đầu tư phát triển thiết chế văn hóa hạ tầng giáo dục, y tế theo kịp sự đô thị hóa, bảo đảm cân bằng giữa thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch bảo tồn lịch sử, văn hóa tại Huế cần hài hòa với phát triển đô thị; phát triển bền vững tự nhiên, đa dạng sinh học, khai thác, giữ gìn đầm phá, dòng sông…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Yên Bái) cho rằng, cần có sự thay đổi từ tư duy của người nông dân, sang tư duy nhận thức của đô thị lớn, thay đổi tư duy nông nghiệp trở thành tư duy đô thị… Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh tập trung cho phát triển kinh tế xã hội của Thừa Thiên- Huế.

Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động hiệu quả - ảnh 2
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu thảo luận

Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) cho rằng, việc thông qua Nghị quyết thành lập thành lập Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo tiền đề để thành phố Huế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững; đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Huế nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng thành phố giàu mạnh, xứng đáng với vị trí, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, đại biểu Quốc hội Khuất Việt Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh: Hải Phòng trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động hiệu quả - ảnh 3
Quang cảnh thảo luận tại tổ 18

Hiện Hải Phòng đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

"Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của TP" - đại biểu Khuất Việt Dũng nêu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) băn khoăn về hình thức, cách thức ban hành nghị quyết này. Đại biểu cho rằng, hiện nay, mô hình chính quyền đô thị ở nước ta đang được thực hiện bởi nhiều văn bản quy định khác nhau. Việc Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm sẽ làm tăng thêm sự thiếu thống nhất trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên cả nước và tình trạng không thống nhất, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật ngày càng gia tăng.

Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động hiệu quả - ảnh 4
Đại biểu Quốc hội Khuất Việt Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu thảo luận

Cùng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Qua đó, đề suất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất về mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước.

Theo https://kinhtedothi.vn/to-chuc-bo-may-chinh-quyen-do-thi-tinh-gon-hoat-dong-hieu-qua.html

Tin cùng chuyên mục