Hà Nội phải có trái tim thật sự “khỏe mạnh”

Chia sẻ

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển Hà Nội để Hà Nội xứng đáng là “trái tim của cả nước” và chúng ta có trách nhiệm làm cho “trái tim cả nước” mạnh khỏe, nhịp đập đều và mạnh, góp phần đưa cả nước tiến bước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Viết Thành)

Sản xuất kinh doanh đầu năm 2021 khởi sắc

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với TP Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 ngày 28/3.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố (TP) Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, 3 tháng đầu năm 2021, TP Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021 có tín hiệu khởi sắc rõ nét, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 72.753 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán Trung ương giao (28,9% dự toán Thành phố giao), bằng 101% so với cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 67.165 tỷ đồng, tăng 8,2% - gấp 1,58 lần so với cùng kỳ (Quý I/2020 tăng 5,2%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 101,5 triệu USD. Thu hút 20 dự án đầu tư vốn trong nước với tổng số vốn 3.241 tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.622 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 23.610 tỷ đồng (giảm 2% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); Có 765 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 212% so với cùng kỳ.

9 tháng cuối năm 2021, TP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm, nhất là 238 nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 14/CTr-UBND...

5 kiến nghị của Hà Nội với Chính phủ

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng nêu 5 kiến nghị của TP với Chính phủ. Trong đó đề nghị Thủ tướng xem xét, sớm ký ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội để triển khai thực hiện.

Về kế hoạch đầu tư công, TP đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022-2025. Đồng thời hỗ trợ TP thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi đầu tư các cầu lớn qua sông Hồng. TP đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương trình Quốc hội phê duyệt đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác...

TP cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị thành phố đặt trong mối quan hệ vùng Thủ đô. Đặc biệt, tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc TP trong TP và thị xã trong TP...

Hà Nội nhiều thời cơ và thách thức

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá về tình hình phát triển KT-XH năm 2020 cho rằng, đây là một thành công toàn diện của Hà Nội trong năm dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,4 lần cả nước, quy mô đạt 45 tỷ USD, vượt thu 25 nghìn tỷ đồng. Bộ mặt Thủ đô có sự thay đổi nhanh, nhất là xây dựng nông thôn mới, đã vượt tiến độ trước 2 năm...

Thủ tướng nói: “Chúng ta đã phấn đấu trồng mới 1 triệu cây xanh, Thủ đô xanh tươi hơn, chính trị ổn định, xã hội được giữ vững, môi trường đầu tư được cải thiện. Câu “Hà Nội không vội được đâu” không được nhắc tới nữa”…

Cho rằng Hà Nội có rất nhiều thời cơ và thách thức, Thủ tướng yêu cầu TP tập trung huy động cả hệ thống chính trị, người dân Thủ đô cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII bằng các chương trình hành động cụ thể và phân công các đồng chí lãnh đạo; Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 01, 02 của CP đóng góp vào thành tích chung của cả nước; Chỉ đạo thực hiện thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 23/5...

Về những kiến nghị của TP tại hội nghị, Thủ tướng cơ bản đồng tình, giao cho các đơn vị chức năng phối hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ sự cảm ơn trước sự quan tâm, giúp đỡ của Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo các bộ, ngành trong thời gian qua đã giúp cho Hà Nội xây dựng Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP chất lượng, làm nền tảng xây dựng 10 Chương trình hành động toàn khóa của Thành ủy cụ thể, rõ ràng, là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Chương trình hành động toàn khóa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu 3 việc lớn của Hà Nội và mong muốn Đảng, nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT sớm thỏa thuận quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống để phê duyệt trong tháng 6/2021, qua đó giúp Thủ đô đạt 100% tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị. TP cũng sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045...

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.