Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể".

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng đại biểu tham sự hơn 2.400 đại biểu.

Chủ trì hội thảo là bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể và ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể. 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Đi sâu phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể - ảnh 2
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Liên minh HTX thành phố Hà Nội.

Ông Đặng Văn Thanh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 hợp tác xã, 137 Liên hiệp hợp tác xã và 71.500 tổ hợp tác. So với năm 2022, tổng số hợp tác xã năm 2023 tăng 1.261 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã tăng 7 Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng 700 tổ hợp tác. Số Hợp tác xã thành lập mới năm 2023 là 2.986 hợp tác xã, bình quân 250 hợp tác xã thành lập mới/tháng.

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, song số lượng các hợp tác xã tiếp cận các chính sách của Nhà nước đặc biệt là chính sách về hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất rất ít; tiêu chí hợp tác xã thụ hưởng còn chưa phù hợp, thủ tục hành chính phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, không xuất phát từ nhu cầu, năng lực của các hợp tác xã; chưa có cơ chế đặc thù cho các hợp tác xã trong việc sử dụng ngân sách, gây khó khăn trong triển khai.

Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Công bằng Thuận An, tỉnh Đăk Nông cũng chia sẻ, hiện nay các quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng khiến hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn. Hợp tác xã Thuận An có giá trị tài sản chung hơn 10 tỷ đồng nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn do thủ tục phức tạp, rườm rà.

Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Hạ kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan, các ngân hàng thương mại giảm bớt thủ tục hành chính cho vay, như địn giá tài sản, vay lưu động giải ngân linh động, vay dự trữ lưu kho, ưu tiên cho vay đố với các hợp tác xã đang kinh doanh hiệu quả, đúng bản chất hợp tác xã....

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể - ảnh 3
Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết.

Hiện tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; một bộ phận lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hợp tác xã còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Hiện khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng của kinh tế tập thể chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các hợp tác xã chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng. 

Do đó cần phải có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với hợp tác xã kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật Hợp tác xã có hiệu lực từ 1.7.2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển Hợp tác xã, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước.

Thời gian qua, để hỗ trợ hợp tác xã phát triển, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dựng ưu đãi của Nhà nước trong đó Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Tính đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, trong đó: Tín dụng đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng (cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc đạt 3,28 triệu tỷ đồng); cho vay không có tài sản đảm bảo đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng (Cho vay không có tài sản đảm bảm trong nông nghiệp nói chung đạt 647.000 tỷ đồng). Cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023. Các hợp tác xã không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể - ảnh 4
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, về đường lối, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội để phát triển KTTT rất đầy đủ, đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có những chương trình hành động rất thiết thực. Riêng trong ngành Ngân hàng, các chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn trong đó có HTX luôn được quan tâm hàng đầu.

Hệ thống NHNN các cấp cũng xác định HTX là đối tượng cần quan tâm, hỗ trợ, có chính sách gián tiếp, trực tiếp. Thêm nữa, ngành ngân hàng cũng xác định các mô hình, mạng lưới để phục vụ kinh tế nông nghiệp, nông thôn về cơ bản đầy đủ. Bản thân các Quỹ tín dụng nhân dân cũng là phục vụ cho HTX ở các địa phương với 1.200 quỹ ở 57 tỉnh, thành phố. Quá trình tổ chức, thực hiện, triển khai tương đối tích cực nhưng thực tế cho thấy, tín dụng với HTX chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng và đang giảm.

Vấn đề đặt ra ở đây là tư cách pháp lý của HTX không đầy đủ, phương thức hoạt động và phương án kinh doanh còn hạn chế, chưa rõ ràng cộng với khả năng tài chính và năng lực sản xuất kinh doanh bị giới hạn nên không tránh khỏi còn hiện tượng tổ chức tín dụng ngại và thiếu mạnh dạn cho HTX vay vốn.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên cơ sở luật đã ban hành song song với tiếp tục đổi mới, củng cố, sắp xếp lại HTX cũng như triển khai rà soát, lại chính sách ưu tiên của các bộ ngành theo hướng khuyến khích phát triển và mở rộng HTX.

Về phía ngành ngân hàng, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực KTTT, HTX, thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX, nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; Nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của KTTT, HTX, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể - ảnh 5
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Liên minh HTX thành phố Hà Nội.

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của ngành Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 319/QĐ-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và HTX nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, HTX; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; tiếp tục rà soát, sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sau khi được Chính phủ chấp thuận.

 

Tin cùng chuyên mục

Những nữ giám đốc hợp tác xã Thủ đô năng động, sáng tạo

Những nữ giám đốc hợp tác xã Thủ đô năng động, sáng tạo

(PNTĐ) - Tự tin, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh hiện đại, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao, các nữ giám đốc hợp tác xã (HTX) – làm chủ mô hình kinh tế tập thể ở Hà Nội đang khẳng định sự thành công bằng việc mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nhất là tạo việc làm người lao động, trong đó phần đa là lao động nữ ở nông thôn.
Nữ giám đốc HTX từ đam mê đến thành công trong sản xuất rau mầm

Nữ giám đốc HTX từ đam mê đến thành công trong sản xuất rau mầm

(PNTĐ) - Sẵn có ước mơ làm giàu từ khi còn là cô sinh viên Học viện Nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp, Bùi Thị Thanh Hà (quê ở Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã mạnh dạn lập nghiệp với nghề trồng rau mầm, rồi trở thành nữ Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn, mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều người.