Hà Nội tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng chung cư cũ

Chia sẻ

Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, năm 2022, Thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt Chương trình số 03-CTr/TU, trong đó, đẩy mạnh công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...

Sơ kết Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” vừa qua cho thấy, năm 2021, toàn Thành phố đã trồng mới 162.053 cây xanh đô thị; trồng cây xanh trang trí tạo cảnh quan, với khối lượng 30.499 cây đơn lẻ, khóm và 73.865 cây mảng, thảm cỏ... Công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng được duy trì thường xuyên, bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng đạt trên 98%.

Các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông. Năm 2021, đã hoàn thành thi công hạ tầng 25 tuyến phố thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Cầu Giấy... Việc phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị. Đến nay, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đạt 10,21%; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 15,2%.

Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà NộiKhu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh: PV)

Về hạ tầng giao thông, Thành phố tập trung phát triển nhanh hạ tầng giao thông, các trục giao thông song hành kết nối đô thị trung tâm - đô thị vệ tinh; phát triển hệ thống đường vành đai, đường hướng tâm, các cầu qua sông... Hệ thống thoát nước đô thị được duy trì tốt. Các nhà máy, trạm xử lý nước thải được các đơn vị quản lý, vận hành liên tục, ổn định. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 28,8%.

Tiếp tục đôn đốc thực hiện các dự án phát triển mạng cấp nước để bảo đảm cấp nước sạch ổn định cho 100% người dân đô thị. Hệ thống cấp nước nông thôn hiện có khả năng cung cấp cho khoảng 900.315 hộ, tương đương khoảng 80% người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch...

Đáng chú ý, công tác phát triển nhà ở được Thành phố chỉ đạo đẩy mạnh theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, đô thị vệ tinh. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong năm, đã có 12 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với 545.895m2 sàn, 5.022 căn hộ chung cư, 469 căn nhà riêng lẻ; 2 dự án nhà ở xã hội tương đương 88.211m2 sàn, 1.234 căn hộ; 4 dự án nhà tái định cư với 105.760m2 sàn, 1.322 căn hộ.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục rà soát, xác định địa điểm, quy mô cụ thể đối với các địa điểm dự kiến bố trí thực hiện dự án xây dựng trung tâm bán buôn cấp vùng, trung tâm mua sắm cấp vùng để xem xét, bố trí chức năng khu tổ hợp outlet, làm căn cứ xem xét hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện các dự án có loại hình thương mại outlet, trước mắt ưu tiên khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội; thực hiện các biện pháp để khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế đô thị...

Bước sang năm 2022, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đẩy mạnh công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ... Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương tùy chức năng, nhiệm vụ phải đẩy mạnh quán triệt, triển khai chương trình một cách thực chất, quyết liệt, định lượng và có sản phẩm cụ thể, đặc biệt là trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” theo các đề án, kế hoạch, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần triển khai trên tinh thần chỉ tiêu dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau nhưng phải quyết liệt, đặc biệt là với các dự án đầu tư hạ tầng đô thị.

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản đề nghị các cấp ủy xác định thực hiện nhiệm vụ chương trình là thường xuyên, quan trọng thiết thực với quận, huyện, thị xã để từ đó, rà soát lại các chỉ tiêu cụ thể, chính sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình.

PHẠM HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.
Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.