Hà Nội thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối chi ngân sách

Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 28/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024. Theo thông tin của UBND Thành phố, tháng 3 và quý I/2024 tình hình kinh tế của Hà Nội tăng trưởng khá, nổi bật là các ngành như: Du lịch, công nghiệp và xây dựng…

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 03 tháng đầu năm 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.013 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán; Thu từ dầu thô 1.167 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán; Thu nội địa 140.698 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán.

Chi ngân sách địa phương thực hiện 03 tháng đầu năm là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 9.500tỷ đồng, đạt 11,7% dự toán; Chi thường xuyên là 12.069 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán.

GRDP Quý I/2024 tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (GRDP Quý I/2023 tăng 5,81%), các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ, cụ thể: Dịch vụ tăng 5,84% (cùng kỳ tăng 7,66%); Công nghiệp và Xây dựng tăng 4,77% (cùng kỳ tăng 2,39%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản tăng 3,76% (cùng kỳ tăng 2,14%); Thuế sản phẩm tăng 4,94% (cùng kỳ tăng 1,44%).

 Xuất, nhập khẩu Quý I/2024 phục hồi tăng trưởng; hầu hết các nhóm hàng xuất, nhập khẩu tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.

Hà Nội thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối chi ngân sách - ảnh 1
Quang cảnh họp báo.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 1.254 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 6,2%). Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 giảm 4,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,6%. 4/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là Hàng nông sản 49,8%; Xăng dầu 18,7%; Máy móc thiết bị phụ tùng 4,6%; Phương tiện vận tải và phụ tùng 33,2%;…

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 2.754 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 17,6%). Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 giảm 12%); trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,4%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ: Hàng điện gia dụng và linh kiện 15,5%; Sắt thép 27,9%; Kim loại khacs,5%; Ngô 17,5%; Hàng hóa khác 10,1%;...

 Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 ước tăng 17,4% so với tháng 2/2024 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 2,9%). Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 0,8%). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 14,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,6%; khai khoáng giảm 12,6%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 3 ước đạt 65,415 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 13,6%). Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 199,651 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 12,6%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 129,285 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ (Quý I/2023 tăng 12,2%); doanh thu khách sạn, nhà hàng ước đạt 24,959 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% (Quý I/2023 tăng 12,5%).

Doanh thu du lịch lữ hành đạt 6,150 nghìn tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ (Quý I/2023 gấp 02 lần). Doanh thu dịch vụ khác đạt 39,257 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% (Quý I/2023 tăng 6,7%).

Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 03 ước đạt 17,809 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ. Lũy kế 3 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt tăng 12,3 so với cùng kỳ năm 2023. Số lượt hành khách vận chuyển Quý I/2024 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 25,1%); số lượt hành khách luân chuyển tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 36,6%).

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 23,9%); khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 19,1%).

 Ngành du lịch duy trì tăng trưởng khá. Tháng 03/2024, Thủ đô Hà Nội đón 575 nghìn lượt khách (do cơ sở lưu trú phục vụ), tăng gần 41,9% so với cùng kỳ 2023 (cùng kỳ tăng 2,6 lần). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 445 nghìn lượt khách, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 16 lần).

Quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,528 triệu lượt khách, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 gấp 2,2 lần). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1.117 nghìn lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 15 lần).

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 03/2024 giảm 0,14% so với tháng trước, tăng 5,36% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 3 tháng đầu năm nay tăng 5,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Thành phố đang tập trung triển khai sản xuất vụ Xuân 2024. Quý I/2023, diện tích gieo trồng cây rau, màu đạt 17.444 ha (80,7% KH); Diện tích gieo cấy đạt 80.380,8 ha, bằng 100,6% kế hoạch (KH).

 Chăn nuôi trâu, bò trong Quý I/2024 giảm nhẹ về số lượng và sản lượng gia súc, gia cầm, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn trâu hiện có 29,1 nghìn con, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 124 nghìn con, giảm 2,4%; đàn lợn 1,3 triệu con, giảm 5,1%; đàn gia cầm 37,8 triệu con, giảm 1,8% (đàn gà 24,9 triệu con, giảm 2,4%).

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng Quý I/2024 ước đạt 345 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 1,9 nghìn tấn, tăng 0,1%; thịt lợn 44,1 nghìn tấn, tăng 5,6%; thịt gia cầm 27,5 nghìn tấn, tăng 1,9% (thịt gà  0,6 nghìn tấn, tăng 1,5%); trứng gia cầm 478 triệu quả, tăng 3% (trứng gà 235 triệu quả, tăng 2,6%).

Năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản Quý I/2024 tăng khá, ước đạt 26.800 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023

Trong tháng 3/2024, thành phố Hà Nội thu hút 53,88 triệu USD vốn FDI, trong đó: 20 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 33,41 triệu USD; 14 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 12,49 triệu USD và 12 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 7,98 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20/03/2024),

Thành phố thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI (tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD.

Tháng 3/2024, có 2.925 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 24.364 tỷ đồng (giảm 11% về số lượng doanh nghiệp và giảm 22% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 3 tháng đầu năm, có 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 66.157 tỷ đồng (giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), 1.121 doanh nghiệp giải thể (tăng 23% so với cùng kỳ), 12.367 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 25% so với cùng kỳ).

Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 3.748 doanh nghiệp (tăng 10% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội là 384.299 doanh nghiệp.

Vốn đầu tư xã hội; tín dụng ngân hàng tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư xã hội Quý I/2024 ước đạt 86.550 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 (Quý I/2023 tăng 8,6%), trong đó vốn nhà nước tăng 10%; Vốn ngoài nhà nước tăng 8,2%; Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 4,4%.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD dự kiến đạt 5.337 nghìn tỷ đồng, tương đương so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 2,6%, tiền gửi thanh toán giảm 1,3% so với 31/12/2023.

Tổng dư nợ của các TCTD đến 31/3/2023 ước đạt 1.509 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với 31/12/2023; dư nợ ngắn hạn tăng 0,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,2%; dư nợ VND tăng 0,8%, dư nợ ngoại tệ tăng 2,0% so với 31/12/2023.

Trong  những tháng tiếp theo của năm 2024, Thành phố sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; Hoàn thiện, sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/ UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Triển khải công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua; Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) thiết thực, ý nghĩa gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và chủ đề công tác năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số làm nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…

Khai thác hiệu quả quỹ đất các dự án hạ tầng kỹ thuật và hai bên tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện,... Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị.

 Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm các vi phạm; phấn đấu giảm về số vụ và thiệt hại về cháy nổ./.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cổ phiếu VIC, VCB kéo VN-Index phiên 26/4

Cổ phiếu VIC, VCB kéo VN-Index phiên 26/4

(PNTĐ) - Hai cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán là VIC của Tập đoàn VinGroup và VCB của Ngân hàng Vietcombank tăng điểm giúp VN-Index giữ sắc xanh trong phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ 30/4...
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ

(PNTĐ) - Theo công văn của Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.