Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông mang lại giá trị kinh tế cao
(PNTĐ) - Nhiều năm nay, các mô hình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội triển khai đã được ghi nhận về hiệu quả khi năng suất và chất lượng sản phẩm tăng, mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và thị trường tiêu thụ. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, nâng cao chất lượng sống ở các địa phương vùng nông thôn.
Tăng thu nhập, đáp ứng thị trường
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện năm thứ 2 các mô hình khuyến nông năm 2022. Ngay trong quý I/2023, Trung tâm đã tổ chức nghiệm thu các mô hình trồng trọt còn lại của năm 2022 (vụ đông xuân 2022-2023); tiếp tục theo dõi chặt chẽ các mô hình chăn nuôi. Trung tâm đã chủ động hướng dẫn và đôn đốc các hộ chuẩn bị đầy đủ thức ăn thô xanh, phòng chống rét, nóng và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi...
Từ sự nỗ lực trong việc triển khai hỗ trợ các mô hình của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, đã ghi nhận hiệu quả rõ rệt, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, đàn vật nuôi khoẻ mạnh không xảy ra dịch bệnh.
Điển hình là về khuyến nông trồng trọt, mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao (vụ đông xuân) với quy mô 5ha đã cho năng suất đạt 44 tấn/ha, các hộ bán buôn tại ruộng trung bình từ 5.000-6.000đ/kg, cho lợi nhuận trên 130 triệu đồng/ha. Hay như mô hình hoa Lily trồng chậu với quy mô 2.000m2 (10.000 chậu), đã thực hiện tại hai điểm trên địa bàn huyện Sóc Sơn và Chương Mỹ cho thu hoạch Lily màu vàng và cam (Lesotho và Eremo) được bán với giá 30.000-50.000 đồng/chậu; còn hoa màu đỏ (Redfor) thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán, giá bán 120.000-150.000 đồng/chậu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ về việc được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ trong triển khai mô hình trồng nho hạ đen, ông Nguyễn Hữu Hợi, chủ vườn nho hạ đen Hợi Hường ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho hay, gia đình đã chuyển đổi từ việc trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nho hạ đen. Việc trồng giống nho hạ đen thuộc diện khó, được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, vườn nho nhà ông đã sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả thơm, giòn ngọt. Mỗi năm vườn nho cho thu hoạch 2 vụ (xuân hè và phu đông), năm nay giá bán tại vườn từ 120.000-150.000 đồng/kg. Thu nhập từ trồng nho đã cao hơn nhiều so với lúa và nhiều loại cây trồng khác.
Về khuyến nông chăn nuôi thủy sản, cán bộ kỹ thuật đã bám sát mô hình nhắc nhở các hộ chăm sóc, theo dõi con vật nuôi để xác định chính xác thời điểm phối giống, từ đầu năm đến nay các đàn vật nuôi mô hình sinh sản mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, điển hình đàn dê số lượng con trong đàn tăng nhanh.
Điển hình như, mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2022-2023 với quy mô 100 con bò cái (lai Sind, lai Brahman), thực hiện tại 6 điểm trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, đã cho phối được 94 con, có 5 bò đẻ ra 5 bê, còn 70 con đang chửa và 19 con đã phối đang theo dõi chửa...
Chú trọng liên kết sản xuất
Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội còn xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn. Trong lĩnh vực trồng trọt, Trung tâm đã tập trung xây dựng các mô hình điểm vào nhóm đối tượng là cây lương thực và rau, hoa, cây ăn quả; thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch, tạo sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân, giữa các khâu sản xuất, dịch vụ.
Đó là phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với các mô hình: Sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm (sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm); sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Về phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao có các mô hình như: Sản xuất cây ăn quả theo VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nấm ăn theo hướng công nghiệp; sản xuất hoa theo hướng ứng dụng công nghệ...
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản an toàn sinh học để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Đó là nuôi thuỷ sản theo hướng VietGAP với các mô hình: Nuôi cá chép, rô theo hướng VietGAP; nuôi cá-lúa...
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông cho năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành phố đã có các chính sách hỗ trợ qua hoạt động khuyến nông giúp người nông dân về kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi một cách khoa học, hiệu quả, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng đang ngày càng hướng đến giá trị của xanh, sạch, an toàn.
Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chú trọng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, các mô hình khuyến nông còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp của Hà Nội gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại.
Để nhân rộng các mô hình khuyến nông cho giá trị kinh tế cao, thời gian tới, ngành Nông nghiệp của thành phố sẽ xây dựng các mô hình điểm, tập trung vào nhóm đối tượng là cây lương thực và rau, hoa, cây ăn quả; chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… hỗ trợ các địa phương đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch, tạo sự liên kết trong sản xuất để các mô hình phát huy hiệu quả.
“Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội”